Khoa học vũ trụ và phổ tần là chìa khóa cho các hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu rủi ro thiên tai

28/03/2022

(rfd.gov.vn)- Cổng TTĐT biên dịch và giới thiệu bài viết “Khoa học vũ trụ và phổ tần là chìa khóa cho các hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu rủi ro thiên tai” của ông Mario Maniewicz - Giám đốc Cục thông tin vô tuyến ITU.

Thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Ngày càng có nhiều người phải đối mặt với các hiểm họa liên quan đến khí hậu. Những hiểm họa này đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do việc sử dụng tài nguyên không bền vững, suy thoái môi trường, gia tăng dân số, đô thị hóa và các xu hướng toàn cầu khác.

Báo cáo đánh giá mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) nêu rõ: một nửa nhân loại rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Ngoài tổn thất về con người, thống kê của ngành bảo hiểm cho thấy các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm lũ lụt, giông bão, sóng nhiệt dẫn đến thiệt hại thảm họa được bảo hiểm toàn cầu lên tới 105 tỷ USD trong năm 2021. Đây là số tiền bảo hiểm cao thứ 4 trong số kỷ lục chi trả hàng năm của ngành bảo hiểm.

Thảm họa thiên tai

Mặc dù chúng ta biết cách xây dựng một xã hội thích ứng với khí hậu hơn, nhưng chúng ta phải làm điều đó nhanh hơn. Điều này có nghĩa là cần chuẩn bị ứng phó với các thảm họa này ở mọi cấp độ từ cấp độ quốc gia, cộng đồng và cá nhân (chuẩn bị ứng phó tốt trước khi thảm họa bắt đầu). Ứng phó với thiên tai có thể cứu sống và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở mọi nơi, tại thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới: cứ ba người thì có một người không được “bao phủ đầy đủ” bởi các hệ thống cảnh báo sớm,. Để có khả năng phục hồi, giảm bớt tác động tàn phá của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tất cả các quốc gia phải đầu tư vào các hệ thống, dịch vụ cảnh báo sớm.

Thông tin khí tượng thủy văn, khí hậu phụ thuộc vào phổ tần

Đánh dấu Ngày Khí tượng Thế giới 2022 với chủ đề “Cảnh báo sớm và Hành động sớm”, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin khí tượng, thủy văn đối với giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Các dịch vụ thông tin vệ tinh đóng vai trò quan trọng và ngày càng tăng đối với việc quan sát Trái đất, dự báo khí tượng, giám sát biến đổi khí hậu.

Những dịch vụ này như nhiều dịch vụ khác, yêu cầu được phân bổ đủ phổ tần. Các tần số được phân bổ cho các nghiệp vụ khí tượng phải đảm bảo không bị can nhiễu. Đây là nhiệm vụ của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Tại các Hội nghị thông tin Vô tuyến Thế giới, các Quốc gia Thành viên ITU đã xem xét sự cần thiết phải duy trì và bảo vệ các dải tần số cho các hệ thống quan sát trái đất, khí tượng, thủy văn. Can nhiễu đối với các hệ thống này có thể làm cho các dự báo thời tiết kém chính xác, làm giảm khả năng phát hiện các mối đe dọa của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Viễn thám và cảm biến từ xa

Khi thế giới hành động hướng tới việc giảm thiểu và thích ứng với vô số các mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra, các nhà khí tượng học sẽ dựa nhiều hơn vào các phương tiện không gian để giám sát môi trường, bao gồm cả cảm biến khí quyển trên đất liền và đại dương.

Cảm biến không gian và vệ tinh giám sát trái đất cung cấp thông tin cho công chúng hoặc thông tin riêng biệt giúp việc ra quyết định ở tất cả các giai đoạn ứng phó với thiên tai. Các bước chính xử lý thông tin của hệ thống thông tin vô tuyến cảnh bảo sớm gồm:

-     Dự đoán, phát hiện và theo dõi thảm họa dựa trên việc giám sát và hình ảnh vệ tinh;

-     Thông tin cảnh báo sớm, bao gồm các thông tin cảnh báo chung và các hướng dẫn thông qua các dịch vụ thông tin vô tuyến quảng bá, hàng hải, không gian và mặt đất;

-     Đánh giá thiệt hại và thông báo các hoạt động cứu trợ.

Sự quan trọng của Vô tuyến nghiệp dư (amateur radio)

Các nhà khai thác vô tuyến nghiệp dư có một lịch sử lâu dài và đáng tự hào trong việc duy trì các kết nối quan trọng sau thảm họa. Chỉ với một bộ thu phát tần số cao, công suất thấp, một đoạn dây điện làm ăng-ten, một người khai thác vô tuyến nghiệp dư lành nghề có thể thiết lập kênh liên lạc từ bất kể vị trí nào. Những người khai thác vô tuyến nghiệp sử dụng tần số VHF (tần số rất cao) và UHF (tần số siêu cao) cho nhiều ứng dụng, bao gồm cả các mạng cục bộ hoạt động độc lập với cơ sở hạ tầng viễn thông thông thường.

Thiết bị vô tuyến nghiệp dư

Các mạng cục bộ này thường vẫn tiếp tục hoạt động khi các kết nối thông tin thông thường bị gián đoạn hoặc quá tải. Các nhà người khai thác vô tuyến nghiệp có thiết bị, kỹ năng và tần số cần thiết để tạo ra mạng lưới liên lạc khẩn cấp hiệu quả và nhanh chóng trong các điều kiện rất khó khăn.

Cho phép hoạt động vô tuyến nghiệp dư  an toàn, hiệu quả là một phần trong việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thông tin vô tuyến. Một điều quan trọng là việc khuyến khích sự gia tăng số lượng các nhà khai thác vô tuyến nghiệp dư, đặc biệt là các nhà khai thác vô tuyến điện nghiệp dư “đam mê” trẻ.

Sự hợp tác toàn cầu với vai trò của ITU

ITU tạo điều kiện cho tất cả các quốc gia tiếp cận công bằng với phổ tần số và quỹ  đạo vệ tinh. Điều này cho phép vận hành hiệu quả tất cả các dịch vụ thông tin vô tuyến, bao gồm cả hệ thống cảnh báo sớm.

Ngoài ra, ITU và các đối tác toàn cầu luôn thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn giữa các dịch vụ khí tượng, thủy văn quốc gia, các cơ quan quản lý thiên tai và các cơ quan phát triển vốn là nền tảng cho sự phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với thảm họa thiên tai.

Nguyễn Huy Cương biên dịch theo itu.int