Đảm bảo quỹ đạo vệ tinh không bị nhiễu và hơn thế nữa

05/02/2024

(rfd.gov.vn)- Alexander Vallet, Trưởng phòng Không gian của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã có cuộc trao đổi với ITU News về việc hỗ trợ môi trường không gian bền vững và quản lý phổ tần số vô tuyến cho số lượng vệ tinh ngày càng tăng. Xin được giới thiệu với bạn đọc về nội dung trao đổi này

Thử tưởng tượng một công ty muốn phóng 10.000 vệ tinh vào quỹ đạo trái đất tầm thấp, còn được gọi là LEO. Quy trình phê duyệt hoạt động như thế nào?

Đầu tiên, họ phải liên hệ với cơ quan cấp phép tại quốc gia của họ và gửi một bản hồ sơ – một loại tờ khai cho hệ thống vệ tinh (đăng ký hồ sơ vệ tinh).

Khi cơ quan quản lý phê duyệt hồ sơ vệ tinh sẽ đề xuất nộp hồ sơ đó (các yêu cầu cần thiết về tần số cho ITU theo các quy định của ITU trong việc quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện, được gọi là Thể lệ vô tuyến điện).

ITU có phê duyệt các vệ tinh trước khi chúng có thể được phóng vào quỹ đạo tầm thấp của trái đất không ? 

ITU không phê duyệt các vệ tinh hoặc chùm vệ tinh mà chỉ quản lý việc đăng ký, phối hợp quốc tế, thông báo và ghi lại tần số vô tuyến cụ thể khi các vệ tinh hoạt động (truyền/nhận tín hiệu).

Mỗi vệ tinh hoạt động phải có ít nhất một tần số vô tuyến điện. Một phần  nhiệm vụ của ITU là giúp đảm bảo các hệ thống vệ tinh này có thể hoạt động ngoài vũ trụ mà không gây nhiễu cho các hệ thống vô tuyến khác.

Vai trò của ITU trong vấn đề tránh va chạm giữa các vệ tinh và mảnh vỡ không gian là gì?

Mục tiêu chính của Thể lệ vô tuyến điện của ITU là ngăn ngừa tình huống can nhiễu sóng vô tuyến có hại. Do đó, ITU chỉ đề cập đến việc sử dụng tần số vô tuyến mà không quy định hay quản lý bất kỳ khía cạnh nào khác của đối tượng vật lý, chẳng hạn như vệ tinh, được đưa vào không gian. Trong hệ thống của Liên Hợp quốc, những vấn đề như vậy sẽ được thảo luận bởi Ủy ban Khai thác hòa bình không gian (COUPOS), trong đó Văn phòng Liên Hợp quốc về hoạt động vũ trụ (UNOOSA) đóng vai trò là Ban Thư ký.

ITU tham gia ở đâu trong quy trình phối hợp tần số vệ tinh?

Quy trình đăng kí tần số vệ tinh của ITU yêu cầu một Quốc gia Thành viên ITU gửi một bản mô tả (bản đăng ký) cho biết các tần số vô tuyến mà nhà khai thác vệ tinh của quốc gia đó có kế hoạch sử dụng trong dự án vệ tinh. Sau đó, Cục Thông tin vô tuyến của ITU sẽ kiểm tra xem bản đăng ký này có tuân thủ Thể lệ vô tuyến điện hay không, chính các quy định của Thể lệ này sẽ chi phối việc sử dụng tần số vô tuyến trong không gian vũ trụ.

ITU duy trì Bảng đăng ký tần số chủ quốc tế (MIFR) lưu tất cả các ấn định tần số vô tuyến được sử dụng trong không gian.

Mỗi khi các Quốc gia Thành viên đăng ký sử dụng tần số vô tuyến cho các mạng vệ tinh, Cục Thông tin vô tuyến sẽ công bố bản đăng ký và các tài liệu liên quan để các Quốc gia Thành viên khác trong ITU có thể tham khảo.

Tại sao các Quốc gia Thành viên khác cần tham khảo hồ sơ vệ tinh?

Các Quốc gia Thành viên khác có thể lo ngại rằng dự án vệ tinh được đề xuất có thể gây nhiễu có hại cho các hệ thống hiện có của họ, bao gồm cả những hệ thống mới chỉ được gửi lên ITU chưa đưa vào hoạt động. Trong cả 2 trường hợp, họ sẽ liên hệ  với quốc gia đăng ký hồ sơ mới để thảo luận song phương về các giải pháp kĩ thuật, với mục tiêu cùng đảm bảo cả 2 hệ thống có thể cùng tồn tại mà không ảnh hưởng lẫn nhau.

Trong các cuộc thảo luận song phương như vậy, cả 2 bên cần nỗ lực hết sức có thể để giải quyết những khó khăn đáp ứng yêu cầu các bên liên quan.

Liệu có công bằng không khi nói rằng việc cấp phép và phê duyệt vệ tinh thuộc thẩm quyền của các Quốc gia Thành viên ?

Hoàn toàn công bằng. Chính các Quốc gia Thành viên ITU sẽ cấp phép cho các hệ thống vệ tinh để  đảm bảo các nhà khai thác vệ tinh tuân theo các quy tắc và điều kiện có trong Thể lệ vô tuyến điện và tuân thủ kết quả của các cuộc thảo luận song phương nói trên. Các quốc gia cũng có thể áp đặt các quy tắc của mỗi nước nhưng không mâu thuẫn với các qui định Thể lệ vô tuyến điện.

Các quốc gia có thể  “dự trữ” phổ tần số cho các vệ tinh LEO mà không thực sự sử dụng hay không?

Đây được gọi là “kho” tần số vô tuyến. “Kho” tần số vô tuyến được định nghĩa là các thực thể dự trữ phổ tần số và tài nguyên quỹ đạo liên quan nhưng có thể không tiếp tục sử dụng. Do đó, “kho” tần số vô tuyến này có thể ngăn cản các bên khác sử dụng nguồn tài nguyên mà chưa có quyền truy cập bình đẳng.

Để ngăn ngừa điều này, hồ sơ vệ tinh phải được sử dụng trong một khung thời gian nhất định (7 năm từ ngày tiếp nhận yêu cầu). Sau đó, hiệu lực của chúng sẽ hết hạn.

Một biện pháp khác nhằm ngăn chặn việc lưu trữ phổ tần số vô tuyến đã được các Quốc gia Thành viên ITU phê duyệt tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2019. Các quốc gia sẽ phải tuân theo một quy trình dựa trên các mốc quan trọng, theo đó các hệ thống vệ tinh phi địa tĩnh phải triển khai 10% chùm vệ tinh của mình trong vòng 2 năm sau khi kết thúc giai đoạn quy định hiện tại để đưa vào sử dụng, 50% trong vòng 5 năm và sau đó hoàn thành cả chùm vệ tinh triển khai trong vòng 7 năm.

Chúng ta có thể mong đợi LEO hoặc các quỹ đạo vệ tinh khác xuất hiện tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2023 không?

Một số mục trong chương trình nghị sự liên quan đến vệ tinh mà WRC-23 xem xét, bao gồm (nhưng không giới hạn):

·     Nghiên cứu và phát triển các phương pháp kĩ thuật, vận hành và quy định, thích hợp, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các băng tần 17.7 – 18.6 GHz, 18.8 – 19.3 GHz và 19.7 – 20.2 GHz chiều từ không gian xuống trái Đất; và 27.5 – 29.1 GHz và 29.5 – 30 GHz chiều từ trái Đất lên không gian, quỹ đạo phi địa tĩnh, các đài nghiệp vụ vệ tinh trái Đất cố định đang vận hành, đồng thời là đảm bảo phương thức bảo vệ cho các nghiệp vụ vệ tinh đang có trong băng tần đó;

·     Xác định và thực hiện điều chỉnh phù hợp đối với liên kết giữa các vệ tinh trong băng tần cụ thể, hoặc một phần của chúng trên cơ sở các nghiên cứu về Lĩnh vực Thông tin vô tuyến của ITU (ITU-R) bằng cách bổ sung phân bổ các dịch vụ Liên vệ tinh.

·     Xem xét các nghiên cứu liên quan đến các nhu cầu phổ tần số, cùng với sự phân bổ mới cho nghiệp vụ vệ tinh di động đến sự phát triển của các hệ thống vệ tinh di động băng thông hẹp trong tương lai.

Ngoài ra, Hội nghị WRC-23 còn xem xét những thay đổi có thể có đối với việc công bố, phối hợp, thông báo và ghi lại các trình tự ấn định tần số liên quan đến các mạng vệ tinh.

Hội nghị WRC-23 rất quan trọng, các quyết định của WRC-23 đảm bảo việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hợp lý, hiệu quả và có lợi các tần số vô tuyến và bất kì quỹ đạo liên quan nào khác, bao gồm cả LEO.

Nguyễn Trung Thành (dịch theo www.itu.int)