Diễn đàn vô tuyến của Liên minh viễn thông Châu Á –Thái bình dương (APT Wireless Forum) ra đời năm 2003 với mục tiêu thông qua việc chia sẻ và thảo luận thông tin, khuyến khích nghiên cứu, phát triển các giải pháp về kỹ thuật và quản lý nhằm đẩy mạnh sự phát triển của các dịch vụ vô tuyến viễn thông trong khu vực.
Hội nghị lần thứ 3 của Diễn đàn vô tuyến APT do Bộ Bưu chính Viễn thông phối hợp với Liên minh viễn thông Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Hội từ 27-30/9/2006 đã thảo luận các vấn đề về hệ thống và công nghệ vô tuyến, các vấn đề về tần số, trong đó tập trung sự chú ý vào các hệ thống IMT 2000, truy nhập băng rộng và các ứng dụng.
Tham gia Diễn đàn lần này có hơn 200 đại biểu của hơn 30 quốc gia thành viên APT, thành viên không chính thức là các tổ chức nghiên cứu, công ty viễn thông và thành viên liên kết . Thành phần tham gia về phía Việt Nam có các đại diện và chuyên gia của các đơn vị của Bộ Bưu chính Viễn thông như Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Viễn thông, Viện chiến lược, Cục Tần số VTĐ và đại diện các doanh nghiệp viễn thông.
Diễn đàn đã thảo luận các nội dung chi tiết về việc dùng chung băng tần, các công nghệ, các hệ thống truy cập vô tuyến băng rộng (BWA), vai trò của BWA đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước trong khu vực, cũng như khả năng hội tụ công nghệ giữa một số hệ thống BWA và các hệ thống di động IMT (thế hệ 3 và kế tiếp). Trong khuôn khổ Diễn đàn, ngày 26/9/2006 các nước đã có buối họp bàn về vô tuyến băng rộng, phát thanh truyền hình và các ứng dụng để trao đổi kinh nghiệm kiến thức trong lĩnh vực này.
Trong 4 ngày làm việc, ngoài các cuộc họp chung, Diễn đàn đã chia thành các nhóm làm việc chi tiết các vấn đề đã được thống nhất đưa vào thảo luận. Cuối kỳ, các nhóm đã có báo cáo kết quả làm việc và được toàn thể thành viên tham gia Diễn đàn nhất trí một số nội dung cơ bản, một số vấn đề được đề nghị tiếp tục nghiên cứu để đưa ra thảo luận và thống nhất ở Diễn đàn kỳ tới (dự định tổ chức vào 9/2007 tại Indonesia).
Diễn đàn đã thông qua Dự thảo báo cáo về sử dụng công nghệ IMT-2000 cho các ứng dụng truy cập vô tuyến cố định (FWA) trên cơ sở tổng hợp kết quả thăm dò về tình hình sử dụng, về tiêu chuẩn, băng tần, nhà sản xuất thiết bị và so sánh chi phí của mạng FWA với mạng PSTN của các nước trong khu vực.
Dự thảo khẳng định nghiệp vụ truy nhập vô tuyến cố định vẫn là giải pháp nhanh và hiệu quả và có thể là giải pháp lựa chọn cho tương lai của ngành viễn thông của các nước đang phát triển cùng với việc giảm giá thành các đầu cuối. Đặc biệt với những ưu việt của công nghệ IMT 2000, việc sử dụng các hệ thống truy nhập vô tuyến cố định IMT 2000 làm giảm đáng kể chi phí đầu tư so với hệ thống PSTN và đẩy nhanh sự phát triển mạng lưới điện thoại, xóa mờ khoảng cách số ở các nước.
Diễn đàn cũng đã tập trung thảo luận về giải pháp xây dựng mạng thông tin vô tuyến hiệu quả cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đã thông qua dự thảo báo cáo về vấn đề này. Dự thảo báo cáo đưa ra hai giải pháp hệ thống vô tuyến băng tần dưới 600MHz và hệ thống WiMAX.
Đối với hệ thống vô tuyến dưới 600MHz, băng tần 450- 470 MHz được một số nước cho là có khả năng phủ sóng rộng, giá thành hệ thống thấp, sẵn sàng đưa vào mạng trên nền IP và là ưu tiên số một cho mạng cố định mặt đất và di động. Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực Việt Nam đã có báo cáo về việc sử dụng hệ thống CDMA 450 MHz làm giải pháp cho việc phát triển thông tin ở nông thôn.
Hệ thống Wimax cũng được coi là giải pháp kinh tế để kết nối internet và thoại ở vùng nông thôn qua truy cập vô tuyến băng rộng. Diễn đàn đã đề xuất các băng tần cấp phép cho Wimax như băng 2.3 GHz; 2.5 GHz, 3.3 GHz và 3.5 GHz. Băng tần 2.4 GHz và 5 GHz là băng tần không cấp phép dành cho Wimax.
Hai dự thảo báo cáo về hai giải pháp trên sẽ được đệ trình lên Ủy ban điều hành APT để chính thức thông qua.
Băng tần cho các hệ thống đảm bảo an toàn xã hội và giảm nhẹ thiên tai (PPDR) cũng được thảo luận khá nhiều trong diễn đàn này.
Diễn đàn đã nhất trí xây dựng Quan điểm chung về khả năng sử dụng thống nhất các băng tần 380 – 400 MHz; 406 – 430 MHz/440 – 470 MHz; 746- 806 MHz và 806- 824 MHz/ 851 – 869 MHz cho các hệ thống này. Băng tần 800MHz sẽ là băng tần cần được các nước trong khu vực ưu tiên nghiên cứu sử dụng cho PPDR. Theo đề xuất của Việt Nam được nhiều nước ủng hộ, trước mắt chưa phân bổ băng tần 700MHz cho PPDR. Bản thăm dò ý kiến do Việt nam đề xuất cũng đã được Diễn đàn thông qua.
Ngoài ra, Diễn đàn còn xem xét sửa đổi Khuyến nghị của APT liên quan đến kế hoạch phân kênh cho các hệ thống PPDR băng rộng ở băng tần 4.9GHz.
Một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm trong Diễn đàn lần này và có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam là việc nghiên cứu vấn đề nhiễu giữa hệ thống vệ tinh FSS và hệ thống BWA trong băng tần 3.4-4.2GHz. Hệ thống vệ tinh Vinasat của Việt Nam sẽ sử dụng băng tần 3.4-3.7GHz, trong khi nhiều nước đang có dự định triển khai hệ thống WiMAX cố định trong băng tần 3.4-3.6GHz.
Cùng với HongKong, Cục Tần số Vô tuyến điện đại diện cho đoàn Việt Nam đã tham gia trình bày nghiên cứu của mình về khả năng gây can nhiễu giữa hai hệ thống FSS và BWA . Trên cơ sở hai nghiên cứu này, báo cáo về khả năng cùng tồn tại hai hệ thống vệ tinh (FSS) và truy nhập vô tuyến băng rộng (BWA) đã được thành viên Diễn đàn dự thảo và dự kiến thông qua tại cuộc họp tháng 1/2007, đệ trình APT thông qua trong năm 2007.
Một số vấn đề khác được đặt ra ở Diễn đàn vô tuyến APT lần này
Lộ trình hội tụ về tiêu chuẩn giữa nghiệp vụ cố định và di động cũng là chủ đề nghiên cứu của Diễn đàn lần này. Ngoài ra, các vấn đề về thiết bị nhận dạng bằng vô tuyến và hệ thống băng cực rộng; ứng dụng điện thoại di động và mạng LAN trên máy bay; các thiết bị cấy ghép trợ tim công suất thấp, dự án cơ sở dữ liệu của AWF đã được thảo luận trong Diễn đàn.
Việc sử dụng điện thoại di động và mức công suất áp dụng đối với các hệ thống LAN ở băng tần 5 GHz trên máy bay vẫn còn nhiều tranh cãi và sẽ tiếp tục được thảo luận. Riêng đối với các hệ thống cấy ghép trợ tim công suất thấp, Diễn đàn đã thông qua Dự thảo khuyến nghị về sử dụng phổ tần cho các máy phát vô tuyến công suất thấp của hệ thống trợ tim. Dự thảo Khuyến nghị này sẽ được trình Uỷ ban Quản trị APT thông qua sau khi lấy ý kiến đóng góp chính thức của các nước trong khu vực.
Diễn đàn đã kết thúc tốt đẹp ngày 30/9/2006.
Lê Tuấn