Xu hướng công nghệ và thị trường 4G: Quyết định của Verizon và Ericsson có ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của LTE/4G *

21/08/2007

(rfd.gov.vn)- Hai quyết định một cách độc lập với nhau của nhà khai thác Mỹ Verizon Wireless và của nhà cung cấp thiết bị Châu Âu Ericsson đã châm ngòi cho những đồn đoán về tương lai của 4G đồng thời đe doạ chia rẽ sâu sắc hơn nữa quan điểm giữa các nhà cung cấp thiết bị.

     Đầu tháng 4/2007, Verizon quyết định tham gia ETSI và trở thành một thành viên độc lập của 3GPP, ngầm ám chỉ rằng họ có thể sẽ lựa chọn LTE (Long Term Evolution – tên thương mại của dự án phát triển công nghệ WCDMA lên 4G - ND) làm hướng đi chính trên con đường phát triển di động băng rộng chứ không tiếp tục theo đuổi mục tiêu UMB (Ultra Mobile Broadband – con đường đi lên 4G của công nghệ CDMA2000 - ND) của 3GPP2.

     Nếu Verizon thực sự lựa chọn LTE chứ không phải UMB, giới phân tích nhận định rằng việc phát triển UMB dường như sẽ rất khó khăn vởi vì thị trường trở nên quá nhỏ bé.

     Trong khi đó quyết định rút lui khỏi việc phát triển Wimax của Ericsson - giờ đây đã được công ty xác nhận, sau một thời gian dài báo chí đồn đoán - đã làm lộ rõ hơn nữa rạn nứt giữa các nhà cung cấp thiết bị về hình dáng của cái gọi là mạng 4G và đào sâu thêm hố sâu ngăn cách giữa những người chủ trương đi theo con đường WCDMA/LTE với những người ủng hộ Wimax di động.

 

     Ericsson nói họ vẫn sẽ duy trì tư cách thành viên của Wimax Forum và sẽ tiếp tục ủng hộ công nghệ này nếu cần thiết. Tuy nhiên họ nói rằng mặc dù đã đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, họ không nhìn thấy một thị trường đủ lớn cho Wimax. Công ty muốn tập trung các nguồn lực của mình vào những chỗ “hái ra nhiều tiền nhất”, theo lời Giám đốc chiến lược kinh doanh WCDMA của Ericsson Mikael Persson.

 

     Nhưng các nhà quan sát nghi ngờ về động cơ của Ericsson. Caroline Gabriel, giám đốc Rethink Research nói “Ericsson có thể vẫn chưa gạch tên Wimax khỏi chiến lược của họ, nhằm đảm bảo thế chủ động trong môi trường đa công nghệ ngày nay. Vì thế việc bỏ rơi chuẩn 802.16 có vẻ như chỉ là một động thái chính trị được tính toán kỹ nhằm gây ảnh hưởng với những người không ủng hộ Wimax đồng thời tăng cường làn sóng ủng hộ 4G, nơi mà Ericsson đang là một trong số các công ty dẫn đầu.” Gabriel cho biết thêm, không giống như Nokia, người hàng xóm Bắc Âu, việc quá chú trọng vào LTE khiến Ericsson phải đặt cược vào việc thành bại của mục tiêu all-IP.

     “Trong số những nhà cung cấp thiết bị lớn khác, Motorola và Nortel vẫn phải tiếp tục cam kết mạnh mẽ với Wimax bởi vì họ hoặc vừa mới bước vào hoặc đã qua khỏi đỉnh cao trong thị trường UMTS” Gabriel nói. “Về mục tiêu trung hạn, họ vẫn có kế hoạch dự phòng - trường hợp Wimax thất bại, những kinh nghiệm trong việc thiết kế các hệ thống 802.16 sẽ giúp họ đẩy nhanh quá trình phát triển LTE”.

     Trong khi đó Verizon Wireless vẫn còn để mở về khả năng lựa chọn hướng đi công nghệ. Người phát ngôn của công ty, Jeffrey Nelson nói rằng không có lịch trình cụ thể nào cho việc quyết định lựa chọn LTE hay UMB, nhưng nói “Cái bánh 4G vẫn đang được chuẩn bị và đây là dấu hiệu cho thấy cả hai cái lò đều đã được bật.”

 

     “Chúng tôi đang dành thời gian mà chúng tôi có để lựa chọn một công nghệ thích hợp nhất. Điều đó có nghĩa là cần phải đi theo số đông, đi theo công nghệ có càng nhiều nhà khai thác tham gia và càng nhiều chuyên gia càng tốt. Chúng tôi muốn thảo luận với càng nhiều đối tác càng tốt. Đó chỉ là quá trình thu thập thông tin.”

 

     Mike Thelander thuộc tổ chức Signal Research có trụ sở tại Mỹ nói Verizon chưa nghiêng hẳn về bên nào LTE hay UMB. “Theo hướng nào thì họ cũng cần phải có một mạng truy nhập vô tuyến hoàn toàn mới, do đó họ muốn  khảo sát kỹ các lựa chọn của họ và cách tốt nhất để làm điều đó là trực tiếp tham gia vào tiến trình phát triển của cả hai.”

 

     Các nhà phân tích nói rằng một trong những yếu tố then chốt đối với quyết định của nhà khai thác khổng lồ này là liệu thuận lợi do quy mô thị trường lớn (economies of scale) của cộng đồng WCDMA có đủ để bù đắp cho những khó khăn và chi phí mà họ có thể sẽ gặp phải trong việc đảm bảo tính tương thích với các mạng CDMA hiện có của họ.

 

     LTE sẽ tương thích ngược với UMTS và GSM nhưng ở tình trạng hiện nay thì chưa tương thích với CDMA. Hiệu năng của cả hai tiêu chuẩn dựa trên OFDMA này là tương đương nhau, mặc dù UMB có vẻ như sẽ sẵn sàng để triển khai thương mại trước LTE, trong khi LTE có lợi thế rất lớn về quy mô thị trường. Kết quả là chính những lý do về mặt kinh tế chứ không phải về mặt công nghệ sẽ là nhân tố quyết định đối với sự lựa chọn của nhà khai thác này.

 

     Thelander nói “Có rất nhều sự khác biệt giữa WCDMA và EV-DO và không có gì gì tương đồng. WCDMA được thiết kế để hỗ trợ roaming với GSM và LTE cũng sẽ được thiết kế để tương thích với WCDMA và GSM. Nhưng với CDMA thì không.”

 

     “Anh làm cách nào để kết nối với mạng lõi chính là chìa khoá của vấn đề. Trừ phi có sự đột phá, việc áp dụng LTE đối với các nhà khai thác CDMA là rất khó khăn bởi nó không tương thích ngược với CDMA và sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật. Câu hỏi đặt ra đối với Verizon Wireless là liệu những lợi thế do quy mô thị trường lớn của LTE có sánh được với những thuận lợi khi nâng cấp lên UMB hay không.”

 

     Nhiều nhà phân tích nói Verizon tham gia 3GPP là nhằm có được một vị trí đáng kể trong việc gây ảnh hưởng để tổ chức tiêu chuẩn hoá này đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vấn đề tương thích ngược. Nhưng mặc dù Verizon là một thành viên lớn của 3GPP2, nơi mà tiếng nói của họ rất có trọng lượng và là thành viên tích cực trong việc phát triển UMB hay A-IMS thì đối với 3GPP - một tổ chức lớn hơn - tầm ảnh hưởng của Verizon đến quá trình phát triển LTE sẽ hạn chế hơn rất nhiều.

 

     Nhà khai thác này đóng vai trò to lớn ở 3GPP2 đến mức nếu họ quyết định quay sang LTE thì UMB sẽ khó có cơ hội sống sót. Patrick Donegan, một nhà phân tích của hãng tư vấn Heavy Reading nói “Ngày nào mà chú rể Verizon còn chưa đính hôn với UMB thì tương lai của cô dâu này càng lu mờ thêm ngày đó”. “Họ (Verizon) đang chơi một ván bài lớn và họ chẳng có gì phải vội vàng. Tuy nhiên với việc Sprint cam kết với Wimax và Cingular đang nhanh chóng triển khai HSPDA thì họ cũng đang phải chịu một số áp lực trong việc sớm đưa ra lựa chọn. Và nếu họ cam kết với LTE chứ không phải UMB thì rất khó có khả năng có đất cho UMB.”  

 

     Với việc Sprint đã tập trung hoàn toàn vào Wimax, nếu Verizon quyết định quay sang LTE thì sẽ dẫn đến tình trạng không còn nhà khai thác số một nào là khách hàng tiềm năng của UMB ngoài KDDI của Nhật. Thelander nói “Ngay cả khi Verizon lựa chọn UMB thì đó vẫn là một thị trường nhỏ hơn và có nhiều bất lợi về quy mô thị trường.”

 
 

     Ngành công nghiệp đều nhất trí rằng việc phát triển LTE cần phải được đẩy nhanh hơn. Arun Sarin, CEO của Vodafone đã thẳng thừng tuyên bố trong một hội nghị của 3GSM hồi tháng 2/2007 rằng “nếu LTE không ra mắt thị trường sớm, các nhà khai thác sẽ phải cân nhắc các lựa chọn khác.”

 
 

     Trong khi đó các nhà cung cấp thiết bị 802.16e sẽ phải đợi đến khi thế hệ thiết bị Wimax thứ hai có hỗ trợ kỹ thuật anten thông minh ra đời mới có thể tuyên bố hiệu năng và khả năng di động của họ cạnh tranh được với HSPA và hậu thuẫn cho tuyên bố của Wimax là tương đương với LTE.

 
 
(Nguồn: Tạp chí 3G Wireless Broadband số tháng 4 năm 2007
Người dịch: Đoàn Phú Huyên)