Tình hình phát triển và xu hướng phân bổ băng tần cho thông tin vô tuyến

21/08/2007

(rfd.gov.vn)- Trong những năm gần đây, thông tin vô tuyến liên tục phát triển sôi động trên thế giới và tại Việt Nam. Cùng với việc thông tin vô tuyến ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, phân bổ băng tần đang trở thành vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết.

 1. Các hệ thống thông tin di động tế bào

    Dịch vụ thông tin di động tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhưng tăng trưởng nhanh nhất vẫn là di động 2G, đặc biệt là ở khu vực châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ). Số thuê bao điện thoại di động trên toàn thế giới đã tăng từ 2,1 tỷ (cuối năm 2005) lên đến hơn 2,5 tỷ (Quý 3, 2006), trong đó số thuê bao GSM chiếm hơn 2 tỷ, chiếm khoảng 80%.

    Thị trường 3G thế giới phát triển, nhưng tốc độ chậm hơn so với dự báo trước đây. Thị trường 3G chủ yếu tập trung vào một số ít các nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc và Mỹ (chiếm 93%). Đa số các nước thu nhập thấp chưa ứng dụng dịch vụ 3G. Do nhu cầu của thị trường về các ứng dụng tốc độ dữ liệu cao còn hạn chế nên doanh thu của các nhà khai thác vẫn chủ yếu đến từ các dịch vụ truyền thống như thoại và SMS, dịch vụ dữ liệu và nội dung 3G mới chỉ đạt từ 10 – 20 % tổng số doanh thu và dịch vụ nội dung chủ yếu vẫn là các dịch vụ đơn giản như nhạc chuông, nhắn tin có hình ảnh (MMS).

    Các công nghệ đang được hoặc sẽ được sử dụng cho các hệ thống 3G là WCDMA, CDMA-2000 1xEV-DO (Rev. 0, Rev.A, Rev.B), HSPA, HSPDA. Tốc độ truyền dữ liệu của các công nghệ sau ngày càng cao.

Hình 1: số thuê bao di động toàn cầu

    Về phổ tần cho thông tin di động tế bào, bên cạnh các băng tần hiện được sử dụng phổ biến: GSM 900MHz, 1800MHz, CDMA 800 MHz, nhiều nước đã phân bổ và cấp phép sử dụng băng tần mới cho 3G: 1900-2200MHz, 2500-2690MHz. Hiện nay, ITU đang tiếp tục nghiên cứu tìm băng tần mới cho các hệ thống thông tin di động thế hệ kế tiếp. Vấn đề này sẽ được thảo luận và quyết định tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2007, được tổ chức từ ngày 22/10-16/11/2007 tại Thuỵ Sỹ. Một số băng tần hiện đang được thảo luận, đề xuất là 450-470MHz, 2300-2400MHz, 3300-3400MHz, 3400-4200MHz, 4400-4990MHz.

    Ở Việt Nam, các hệ thống thông tin di động tế bào 2G tiếp tục phát triển với tốc độ cao, với gần 8 triệu thuê bao mới trong năm 2006. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đang đề nghị được cấp băng tần để triển khai dịch vụ 3G trên băng tần 1900-2200MHz.

    Đi kèm theo sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống thông tin di động là nhu cầu sử dụng gia tăng các tuyến viba kết nối các BTS. Các băng tần phổ biến sử dụng cho các hệ thống vi ba này như 7GHz, 8GHZ, 18GHz, 23GHz... đang ngày càng trở nên chật chội. Cơ quan quản lý tần số nhiều nước đang nghiên cứu các giải pháp dùng chung các băng tần khác cho vi ba và khuyến khích nghiên cứu phát triển các công nghệ và giải pháp nâng cao tốc độ dữ liệu của các tuyến vi ba mà không chiếm dụng thêm băng tần.

 2. Các hệ thống truy cập vô tuyến băng rộng

    Trong năm 2006, các công nghệ truy cập vô tuyến băng rộng như WiFi, WiMAX tiếp tục được phổ biến.

    WiFi tuy có vùng phủ sóng nhỏ, nhưng do giá thành thiết bị thấp nên được sử dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt là sử dụng tại các văn phòng, các hộ gia đình.

    Chuẩn WiMAX di động (IEEE 802.16e) được thông qua vào tháng 12/1005 và thiết bị thương mại đã bắt đầu được tung ra thị trường, đặc biệt là trong năm 2007, nên dự kiến WiMAX sẽ phát triển trong thời gian tới.

    WiMAX hiện được thử nghiệm hoặc dự kiến thử nghiệm ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Anh, Ba Lan, Columbia,... Tại Mỹ (Công ty Sprint Nextel) dự định ra mắt chính thức dịch vụ Wimax di động toàn quốc vào cuối 2007 và đặt mục tiêu đạt 100 triệu thuê bao vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, cũng có một số nước chưa chính thức quy hoạch băng tần cho WiMAX di động (Trung Quốc) do thấy việc thương mại hóa dịch vụ này trên thế giới chưa phát triển.

    Về băng tần, các băng tần chính được các nước giành cho triển khai WiMAX là 2300-2400 MHz, 2500-2690 MHz  (đối với WiMAX di động) và 3400-3600 MHz đối với WiMAX cố định. Ở Việt nam, do băng tần 3.5GHz được sử dụng cho hệ thống vệ tinh Vinasat, các băng 2.3GHz, 2.5GHz đang được sử dụng bởi các hệ thống viba, hệ thống truyền hình MMDS việc triển khai thử nghiệm WiMAX chỉ mới được thực hiện đối với dịch vụ WiMAX cố định tại băng tần 3.3-3.4GHz. Hiện nay có 4 doanh nghiệp đang triển khai thử nghiệm là Tập đoàn BCVT (VNPT), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tổng công ty viễn thông quân đội (Viettel) và FPT.

    Với việc các công nghệ di động tế bào có tốc độ truyền dữ liệu ngày càng  lớn và tính di động của các công nghệ truy cập không dây được cải thiện,  đang hình thành xu hướng hội tụ giữa hai loại hình công nghệ này. ITU hiện cũng đang xem xét đề xuất đưa tiêu chuẩn WiMAX di động vào họ tiêu chuẩn thông tin di động  kế tiếp (IMT). Hiện nay, IMT bao gồm các giao diện vô tuyến WCDMA, CDMA 2000, TD-SCDMA. Kết quả cuộc họp của Nhóm làm việc 8F của ITU-R vào tháng 01/2007 cho thấy nhiều khả năng giao diện IP-OFDMA (là giao diện của WiMAX di động theo chuẩn 802.16e của IEEE) sẽ được kết nạp vào họ tiêu chuẩn IMT. Việc WiMAX được đưa vào IMT cũng sẽ giải quyết được tranh chấp về việc sử dụng các băng tần 2300-2400MHz và 2500-2690MHz.

 3. Công nghệ phát thanh truyền hình số

    Phát thanh, truyền hình số mặt đất và việc chuyển đổi hoàn toàn từ truyền hình tương tự sang truyền hình số đã được nhiều nước đặt mục tiêu và đang trong quá trình thực hiện (ví dụ: Mỹ sẽ số hóa tòan bộ mạng truyền hình vào 2009). Việc chuyển sang sử dụng hoàn toàn truyền hình số sẽ giải phóng một lượng khá  lớn băng tần mà truyền hình tương tự đang sử dụng.

    Công nghệ truyền hình di động (Mobile TV), bao gồm truyền hình di động mặt đất và di động vệ tinh, cũng đang được đưa vào ứng dụng. Các công nghệ truyền hình di động mặt đất nổi bật hiện nay với các tiêu chuẩn DVB-H (châu Âu), DMB (Hàn Quốc), Media Flo (Qualcomm) đang được các nước thử nghiệm. Sự ra đời của các điện thoại cầm tay có tích hợp chức năng truyền hình di động cũng đang góp phần tạo ra sự hội tụ truyền hình- viễn thông. Các băng tần mà truyền hình di động sử dụng vẫn là băng tần VHF, UHF được sử dụng phổ biển cho truyền hình tương tự trước đây. Riêng đối với DMB, băng tần sử dụng là băng tần truyền hình VHF (174-230MHz) đã cực kỳ chật chội ở Việt Nam, ít có khả năng có được tần số để triển khai.

    Tại Việt Nam, công ty VTC đã triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình di động công nghệ DVB-H trong năm 2006. 

 4. Các hệ thống vệ tinh

    Các dịch vụ vệ tinh truyền thống trong băng tần C và Ku vẫn giữ vai trò quan trọng như dự phòng đường trục cáp quang và Internet; dịch vụ viễn thông qua vệ tinh đến các vùng sâu vùng xa; đặc biệt truyền hình trực tiếp là dịch vụ ưu việt của thông tin vệ tinh mà các dịch vụ mặt đất chưa thể cạnh tranh về giá thành và chất lượng. Việt nam đang triển khai dự án VINASAT với vệ tinh địa tĩnh dự kiến phóng vào vị trí quỹ đạo 1320E vào Quý II năm 2008, sử dụng băng tần C và Ku.

    Thế giới đang nghiên cứu phát triển hệ thống vệ tinh băng rộng, vệ tinh cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình di động ở băng tần 2,5 GHz. Các vệ tinh cung cấp dịch vụ cố định mật độ cao HDFSS đang được chú ý nghiên cứu triển khai trong băng tần Ka.

 5. Các hệ thống vô tuyến công suất thấp

    Công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến (RFID) hiện đã bắt đầu được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước phục vụ cho sản xuất, lưu thông hàng hoá, cũng như vào các ứng dụng dân sinh khác. Việc ứng dụng rộng rãi RFID sẽ tạo ra  một cuộc cách mạng về quản lý (quản lý hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ dữ liệu cá nhân...).

    Tại Việt Nam, công nghệ RFID đã được áp dụng phục vụ cho công tác kiểm tra an ninh tại Hội nghị APEC và sẽ được áp dụng tại các siêu thị, các cảng hàng hoá, các nhà máy sản xuất, cũng như trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát. Các băng tần dùng cho RFID tại Việt Nam bao gồm 13.533-15.567MHz, 433.05-434.79MHz, 866-868MHz và 920-925MHz.

    Các thiết bị cự ly ngắn công suất thấp (Short Range Devices)  cũng được áp dụng đa dạng và ngày càng nhiều trong cuộc sống như microphone không dây, tai nghe không dây, thiết bị điều khiển xa cho ô tô, nhà, các thiết bị kiểm soát.

    Với sự hội tụ về công nghệ, về dịch vụ và nhu cầu kết nối mọi lúc, mọi nơi, thông tin vô tuyến sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. Sự phát triển đó kéo theo nhu cầu về phổ tần số ngày càng cao, vì vậy các giải pháp công nghệ và quản lý nâng cao hiệu quả phổ tần ngày càng có ý nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Draft CPM report, 02/11/2006, www.itu.int

[2]. Dr. Patrick Tsie, Broadband Mobile Technology and Applications, Qualcomm International Inc, Asia Pacific Meeting on broadband wireless/broadcasting  and its application, Hanoi, 9/2006.

[3]. Dr. Sadayuki Abeta, 3G Evolution: HSDPA, Super 3G and 4G, NTT DoCoMo, Asia Pacific Meeting on broadband wireless/broadcasting  and its application, Ha noi, 9/2006

[4]. Dr. Jea Hong Park, Interactive Convergence Service Solutions for DMB, Net&Tv, Asia Pacific Meeting on broadband wireless/broadcasting  and its application, Ha noi, 9/2006

[5]. Jay OH, MediaFLOTM: Solution of Mobile TV,  Qualcomm Inc., Asia Pacific Meeting on broadband wireless/broadcasting  and its application, Ha noi, 9/2006

[6]. Yoon Sik Jang, Mobile Broadcasting In Korea: S-DMB Service, SK Telecom, Asia Pacific Meeting on broadband wireless/broadcasting  and its application, Hanoi, 9/2006

[7].WILLIE CHER, Mobile TV - The New Face of Television, Nokia, Asia Pacific Meeting on broadband wireless/broadcasting  and its application, Hanoi, 9/2006

 Cục Trưởng Cục Tần Số VTĐ

Đoàn Quang Hoan