Diễn đàn vô tuyến của Liên minh viễn thông các nước châu Á - Thái Bình Dương (APT) tập hợp thành viên chính thức là các cơ quan quản lý thông tin vô tuyến của hơn 30 nước trong khu vực, thành viên không chính thức là các tổ chức nghiên cứu, công ty viễn thông.
Mục tiêu chính của Diễn đàn Vô tuyến là thúc đẩy các ứng dụng vô tuyến mới; bổ sung và cập nhật các nghiên cứu ứng dụng nhằm hài hòa việc sử dụng phổ tần - nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho phát triển băng rộng không dây. Việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước, hợp tác tạo nên hệ thống tiêu chuẩn chung, giúp cho việc sản xuất thiết bị mạng lưới được đồng bộ và có quy mô lớn, tạo nên giá thành thiết bị và dịch vụ rẻ, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Cuộc họp lần thứ 6 của diễn đàn do Bộ Thông tin và truyền thông đăng cai tổ chức tại Việt Nam là cơ hội để cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cung ấp dịch vụ viễn thông của Việt nam tham gia thảo luận các vấn đề phát triển thông tin vô tuyến và quản lý tần số vô tuyến điện trong khu vực, qua đó học tập kinh nghiệm của các nước và đóng góp tích cực vào sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Cùng với cuộc họp lần thứ sáu của Diễn đàn vô tuyến, APT cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc tế về quản lý và kiểm soát tần số vô tuyến điện. Hội thảo sẽ trao đổi về chính sách và xu hướng quản lý phổ tần số trong bối cảnh bùng nổ của thông tin vô tuyến, những phương pháp tiếp cận cơ chế thị trường trong quản lý tần số, các xu hướng cải cách quản lý và quy hoạch tần số mới, các công nghệ kiểm soát hiện đại và việc sử dụng tần số một cách linh hoạt trong xu hướng hội tụ của cố định và di động.
Tại diễn đàn và Hội thảo, vấn đề mới sẽ được đưa vào thảo luận nhiều nhất là thúc đẩy số hoá truyền hình để phân chia thêm tần số cho nghiệp vụ di động, đặc biệt là di dộng băng rộng.
Hiện tại, các hệ thống di động 2G ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng được xem là các hệ thống băng hẹp, chỉ cung cấp các dịch vụ thoại và tin nhắn. Các hệ thống di động 3G và kế tiếp sẽ cung cấp các dịch vụ dữ liệu băng rộng như truy cập internet, trao đổi văn bản, phim ảnh, trò chơi trực tuyến….
Để chuyển sang xây dựng được các hệ thống băng rộng thì một trong những yếu tố quan trọng là phải có thêm tài nguyên tần số vô tuyến điện cho các hệ thống này. Điều này cũng tương tự như khi chúng ta nâng cấp một con đường nhỏ thành đường cao tốc thì phải cần phải có thêm đất để làm đường.
Việc số hóa phát thanh truyền hình, thu gọn băng tần PTTH và dành thêm băng tần cho thông tin di động đã được Liên minh viễn thông thế giới nhất trí. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có số người sử dụng truyền hình nhiều nhất. Việc chuyển đổi chắc sẽ không đơn giản như ở Mỹ, với sự ủng hộ tích cực của FCC (Ủy ban truyền thông Liên bang) trong việc dành băng tần cho nghiệp vụ di động – mục đích là sử dụng tần số hiệu quả.
Mỹ sẽ hoàn thành số hóa truyền hình vào tháng 6/2009. Và các nước châu Á- Thái Bình Dương cũng đang thúc đẩy cho tiến trình này diễn ra sớm ở khu vực, bởi hơn ai hết, các nhà quản lý hiểu tầm quan trọng của phổ tần cho việc phát triển thông tin vô tuyến , đặc biệt là băng rộng.
P.V