Cùng với việc cấp phép 3G, thị trường Việt Nam hứa hẹn một sự phát triển mới, bùng nổ mới về thuê bao băng rộng di động, đòi hỏi sự phát triển về số lượng trạm gốc dẫn đến nhu cầu cao về số đường truyền dẫn giữa các trạm gốc.
Truyền dẫn là xương sống cho mạng di động. Việc có một mạng truyền dẫn tốt là cơ sở để phát triển một mạng thông tin di động hiệu quả. Tuy nhiên, với sự phát triển mạng lưới, nhu cầu truyền dẫn ngày càng tăng cao, các băng tần trước đây được cấp khá rộng rãi cho các mạng di động giờ đã gần như không còn hoặc chỉ còn rất ít khả năng ấn định.
Giải pháp ở băng tần cao, tăng dung lượng đối với các tần số đã ấn định, cải tiến công nghệ… tất cả đều đang được các chuyên gia tìm tòi và đưa ra các giải pháp.
Hội thảo ngày 08/6/2009 “Giải pháp truyền dẫn vô tuyến cho 3G” do Cục Tần số VTĐ tổ chức nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong vấn đề này.
Một năm sau Hội nghị Thông tin vô tuyến và quản lý tần số - Hôm nay và ngày mai , cũng đúng ngày kỷ niệm 16 năm ngày thành lập Cục Tần số, Hội thảo ngày 08/6/2009 là một buổi trao đổi thông tin và lắng nghe các ý kiến đa chiều một cách bổ ích và lý thú.
Chủ đề chính của Hội thảo là “Những giải pháp hữu ích nào có thể giải quyết vấn đề tần số cho truyền dẫn trong bối cảnh nhu cầu phát triển mới và nâng cấp các mạng hiện có của các nhà khai thác ngày càng tăng trong khi nguồn tài nguyên tần số là hữu hạn và đang ngày càng cạn kiệt ? Làm thế nào để phát triển nhanh các mạng di động, đặc biệt là mạng 3G trong bối cảnh các ấn định tần số cho vi ba ngày càng khó khăn.
Hội thảo có đông đủ sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp di động Việt Nam, các nhà cung cấp thiết bị truyền dẫn Huawei, Ericsson, Nokia Siemens, Ceragon.. Đặc biệt có một nhà khai thác Deustch Telecom cũng đến trao đổi kinh nghiệm triển khai truyền dẫn cho 3G ở mạng lưới của mình.
Tổ chức buổi hội thảo này, cơ quan quản lý mong muốn sẽ góp một phần nhỏ vào lựa chọn giải pháp truyền dẫn của nhà khai thác một cách hiệu quả và thích hợp nhất.
N.A