Với đặc điểm của thông tin vệ tinh là khả năng phủ sóng rộng, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính hay địa lý nên ngoài các vệ tinh của Việt Nam, khi công nghệ phát triển, việc các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thuê vệ tinh, thuê kênh của quốc tế là một nhu cầu tất yếu. Trên thế giới, số lượng các vệ tinh được phóng lên quỹ đạo ngày càng tăng, kèm theo đó việc sử dụng phổ tần số vô tuyến điện dành cho thông tin vệ tinh cũng tăng lên nhanh chóng. Với những ưu điểm nổi bật của mình về khả năng truyền dẫn, khả năng cung cấp dịch vụ băng rộng, các dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, truyền hình số chất lượng cao và với phát triển của các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì thị trường thông tin vệ tinh của khu vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn một viễn cảnh tốt đẹp đối với các nhà khai thác vệ tinh châu Á bao gồm cả Việt nam.
Chuẩn bị dự án phóng vệ tinh đầu tiên (vệ tinh VINASAT-1) vào vị trí 132 độ Đông nằm cách mặt đất khoảng 36,785Km, theo yêu cầu của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Việt nam đã thực hiện các thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số từ năm 1997 và phải thực hiện đàm phán thỏa thuận với 27 quốc gia, trong đó có: Indonesia, Nhật Bản; Nga; Trung Quốc; Tonga; Anh; Pháp; Thái Lan… . Sau hơn 10 năm thực hiện các thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh hết sức phức tạp, đầu năm 2008 về cơ bản hoàn thành phối hợp cho vị trí quỹ đạo 132E với các nước liên quan quan trọng để sẵn sàng phóng vệ tinh VINASAT-1.
Ngày 19/4/2008, tên lửa Ariane 5 của Arianespace đã đưa vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam vào quỹ đạo. Sự kiện này đánh dấu " chủ quyền quốc gia của Việt nam trên không gian" bước đầu thực hiện giấc mơ “không gian” phát triển mở rộng, hình thành mạng lưới viễn thông đồng bộ từ hệ thống cáp quang, hệ thống vô tuyến đến hệ thống thông tin vệ tinh đảm bảo thông tin liên lạc luôn được thông suốt trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết. Vệ tinh VINASAT-1 thực sự đã là cầu nối truyền thông quan trọng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vệ tinh VINASAT-1 sẽ giúp ngành viễn thông công nghệ thông tin cất cánh, đưa hệ thống thông tin truyền thông Internet, phát thanh, truyền hình tới các vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo. Bằng việc có vệ tinh VINASAT-1 trên quỹ đạo, Việt Nam sẽ có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài không còn phải phụ thuộc vào việc thuê kênh vệ tinh của nước ngoài.
Quá trình cho thuê dung lượng bộ phát đáp của vệ tinh VINASAT-1 rất khả quan, hiện tại đã khai thác hết hơn 70% dung lượng, đặc biệt đối với băng tần Ku rất thích hợp cho phát triển dịch vụ phát thanh truyền hình chất lượng cao đã được thuê hết. Theo dự kiến vệ tinh này sẽ hết khả năng đáp ứng nhu cầu dung lượng cho khách hàng trong năm 2011. Thường khi sử dụng khoảng 70% dung lượng vệ tinh hiện tại là phải nghĩ đến việc xây dựng vệ tinh tiếp theo. Điều này cho thấy nhu cầu cần thiết phóng vệ tinh VINASAT-2 nối dài giấc mơ không gian, chắp cánh mở rộng cho vệ tinh VINASAT-1, vệ tinh thế hệ đầu tiên của Việt nam.
Giấc mơ đó sẽ trở thành hiện thực bởi không chỉ “cắm mốc chủ quyền” với vị trí 132 độ Đông, Bộ thông tin truyền thông trong đó Cục Tần số là đơn vị chủ trì đã đăng ký thành công vị trí quỹ đạo khác là 131.8 độ Đông sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh VINASAT-2. Việc phối hợp tần số với các nước liên quan cho vị trí 131.8 độ Đông không quá phức tạp như phối hợp cho vị trí 132 độ Đông (chỉ phải phối hợp với Liên Bang Nga) do băng tần của vị trí này thuộc về nhóm băng tần không được sử dụng phổ biến trên thế giới (băng tần qui hoạch) nhưng thủ tục để “cắm mốc chủ quyền” đối với vị trí này lại rất phức tạp về qui định thể lệ (luật), kỹ thuật (thủ thuật) xây dựng mạng vệ tinh để có thể được quốc tế công nhận.
Ngày 11/5/2010, tại Hà Nội, VNPT và Công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems - Tập đoàn Lockheed Martin (Hoa Kỳ) đã ký kết Hợp đồng gói thầu “Cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng” thuộc dự án phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-2 vào quý II năm 2012 chính thức biến giấc mơ chắp cánh cho VINASAT-1 trở thành hiện thực. Vệ tinh VINASAT-2 có công suất, trọng lượng lớn hơn, số bộ phát đáp nhiều hơn VINASAT-2 có 24 bộ phát đáp trong khi VINASAT-1 chỉ có 20 bộ phát đáp). Với thực tế việc kinh doanh băng tần Ku thuận lợi, VINASAT-2 chỉ được xây dựng với băng tần Ku. Tuy VINASAT-2 có hạn chế là vùng phủ của vệ tinh nhỏ hơn chỉ bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Mianma, tuy nhiên VINASAT-2 cũng đã được thiết kế với nhiều giải pháp kỹ thuật kết hợp với kết quả phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh sẽ có các vùng phủ linh hoạt mở rộng khả năng phục vụ nhu cầu khách hàng các nước trong khu vực. Cùng với VINASAT-1, vệ tinh VINASAT-2 sẽ tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đồng thời đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần tăng cường khả năng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh.
Chất lượng và các chỉ tiêu kỹ thuật của vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 tốt hơn so với các vệ tinh khác trong khu vực. Tuy nhiên khả năng kinh doanh của VINASAT-1 chưa được cao xét về mặt giá thành được bán trên mỗi bộ phát đáp do khó cạnh tranh với giá thành được chào bán của các vệ tinh khác trong khu vực do thời chất lượng vệ tinh của họ kém hơn, thời gian thu hồi vốn vệ tinh của họ đã đủ dài (vệ tinh chỉ còn sử dụng được 2 đến 5 năm) nên có thể hạ giá thành bán băng tần bộ phát đáp vệ tinh gây khó khăn cho việc kinh doanh của VINASAT, của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước sử dụng các quyền cung cấp dịch vụ thông tin vệ tinh (quyền landing right) tại Việt nam qua việc thu phí và các qui định chặt chẽ khác chống việc phá giá thị trường thông tin vệ tinh ngay tại thị trường Việt nam và bảo vệ các công ty khai thác vệ tinh non trẻ của Việt nam ở đây là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông giúp giảm nguy cơ VINASAT kinh doanh thua ngay trên sân nhà bên cạnh việc nâng cao quảng bá chất lượng vệ tinh, khả năng kinh doanh trong nước ngoài nước.
Như vậy, tiếp nối phóng vệ tinh VINASAT-1 việc thực hiện dự án phóng vệ tinh VINASAT-2 sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành vệ tinh viễn thông Việt Nam; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong và ngoài nước, hỗ trợ và nâng cao hạ tầng viễn thông của 3 nước Việt nam, Lào, Campuchia; góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin vệ tinh hiện đại; dần hiện thực giấc mơ chinh phục không gian của người Việt Nam.