Theo Thông tư số 04/2015/TT-BTTTT, trên cơ sở giấy phép sử dụng tần số đối với các băng tần nói trên, các doanh nghiệp viễn thông đã được phép triển khai thêm hệ thống thông tin di động IMT (3G, 4G). Cụ thể: Tại các băng tần 824 - 835 MHz, 869 - 915MHz và 925 - 960MHz, doanh nghiệp viễn thông được phép triển khai thêm công nghệ 3G; tại các băng tần 1710-1785MHz và 1805-1880MHz triển khai thêm công nghệ 4G.
Cũng theo Thông tư này, doanh nghiệp viễn thông triển khai thử nghiệm hoặc chính thức hệ thống thông tin di động IMT tại các băng tần triển khai công nghệ cũ (2G) nêu trên, phải có Giấy phép thử nghiệm mạng viễn thông có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, Giấy phép sử dụng băng tần tương ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc ra đời Thông tư số 04/2015/TT-BTTTT là một bước tiến đúng đắn để quản lý tài nguyên tần số hiệu quả, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo cung cấp dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng với giá cả phù hợp cho người dùng phổ thông, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường thông tin di động Việt Nam.
Nội dung của Thông tư 04/2015/TT-BTTTT có thể tải xuống tại đây.
Theo nghiên cứu của GSMA, tỷ lệ số thuê bao chỉ có 2G sẽ suy giảm từ mức 70% hiện nay xuống còn 1/3 vào năm 2020. Trong khi đó, số thuê bao 3G, 4G tăng lên nhanh chóng. Theo GSMA, năm 2013, thuê bao 3G, 4G lần lượt chiếm 20,9% và 0,1%; đến năm 2017 số thuê bao 3G sẽ chiếm khoảng 40%, số thuê bao 4G chiếm 7%.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện chuyển đổi công nghệ UMTS900 trên băng 900MHz. Số lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ UMTS900 rất lớn, gần 2000 thiết bị. Đối với băng tần 1800MHz, công nghệ băng rộng chủ đạo là LTE. Tính đến 02/2015, theo báo cáo của GSA, trên thế giới đã có 158 mạng LTE1800 thương mại, chiếm 44% tổng số mạng LTE thương mại; đã có 1141 thiết bị đầu cuối hỗ trợ LTE1800.
|