Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam; không áp dụng đối với thiết bị vô tuyến điện được sản xuất, nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang; việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng thiết bị vô tuyến điện này do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Một số nội chính trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT, gồm:
Làm rõ quy định sử dụng đối với trường hợp thiết bị không đáp ứng điều kiện miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện:
Theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện (Điều 27 về miễn giấy phép sử dụng tần số) và quy định của Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số phải tuân thủ điều kiện kỹ thuật và khai thác theo quy định. Điều kiện kỹ thuật và khai thác quy định tại Thông tư nhằm bảo đảm sự tương thích điện từ giữa các hệ thống vô tuyến điện, hạn chế khả năng gây nhiễu có hại lên các hệ thống vô tuyến được hoạt động hợp pháp.
Trong quá trình thực thi, Cục Tần số VTĐ nhận được ý kiến của một số tổ chức, doanh nghiệp đề nghị quy định rõ trường hợp thiết bị thuộc danh mục nhưng không đáp ứng điều kiện kỹ thuật, khai thác và trường hợp nào được xem xét cấp phép sử dụng để doanh nghiệp chủ động trong việc nhập khẩu, khai thác sử dụng thiết bị. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể điều kiện sử dụng đối với thiết bị vô tuyến cự ly ngắn được thiết kế hỗ trợ đa băng tần, nhiều mức công suất khác nhau trong đó có băng tần (hoặc mức công suất phát) không phù hợp với quy định tại Thông tư.
Để làm rõ những trường hợp nêu trên, dự thảo Thông tư nói trên bổ sung khoản 2, khoản 3 vào Điều 4 của Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT như sau:
“Điều 4. Miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục đáp ứng quy định chung tại Điều 5 và đáp ứng các điều kiện kỹ thuật và khai thác tương ứng quy định tại Phụ lục 2 đến Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
2. Thiết bị thuộc Danh mục nhưng không đáp ứng điều kiện kỹ thuật và khai thác tương ứng tại Phụ lục 2 đến Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này thì không được sử dụng tại Việt Nam. Riêng trường hợp quy định cụ thể tại Phụ lục 6 và Phụ lục 8 của Thông tư này thì được phép sử dụng nhưng phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
3. Đối với thiết bị vô tuyến cự ly ngắn có thể hoạt động ở nhiều mức công suất phát khác nhau hoặc nhiều băng tần khác nhau hoặc có dải tần số hoạt động rộng, trong đó có trường hợp không phù hợp với quy định tại Thông tư này, tổ chức, cá nhân chỉ được phép sử dụng, sản xuất, nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam nếu thiết bị có khả năng cố định các thông số về tần số, mức công suất hoạt động theo quy định tại các Phụ lục tương ứng ban hành kèm theo Thông tư này.”
Bổ sung băng tần và điều kiện sử dụng cho Nhóm thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn:
Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT quy định Nhóm thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn được miễn giấy phép gồm 14 chủng loại thiết bị như sau:
- Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng cho mục đích chung
- Điện thoại không dây
- Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MICS) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS)
- Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID)
- Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện
- Thiết bị âm thanh không dây
- Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện
- Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN)
- Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện
- Thiết bị truyền hình ảnh không dây
- Thiết bị truyền dữ liệu băng rộng
- Thiết bị truyền dữ liệu băng siêu rộng
- Thiết bị ra-đa ô tô
- Thiết bị vòng từ
Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng can nhiễu vô tuyến điện, nhu cầu triển khai thực tế các ứng dụng vô tuyến điện cự ly ngắn tại Việt Nam và hài hòa băng tần sử dụng theo Khuyến nghị của các tổ chức vô tuyến trong khu vực và quốc tế, dự thảo Thông tư đã bổ sung các băng tần cho thiết bị vòng từ và thiết bị âm thanh không dây.
Đối với thiết bị vòng từ: Dự thảo Thông tư quy định thêm các băng tần, bao gồm: Băng tần 148,5 kHz đến 190 kHz (áp dụng cho thông tin trong lĩnh vực y tế cấy ghép); băng tần 3 951-4 517 kHz (áp dụng cho kết nối thông tin điều khiển trong lĩnh vực giao thông đường sắt) và băng tần 10,2-11 MHz (áp dụng cho các công nghệ vòng từ nói chung).
Đối với thiết bị âm thanh không dây: Dự thảo Thông tư quy định bổ sung băng tần 1795-1800 MHz để đáp ứng thêm yêu cầu về tần số cho loại hình ứng dụng này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Riêng đối với thiết bị âm thanh không dây sử dụng băng tần 470-608 MHz ở công suất phát trên 30 mW ERP nhưng không quá 250 mW ERP, đây là nhóm thiết bị được sử dụng trong các cơ sở sản xuất, điều hành chương trình phát thanh, truyền hình và thiết bị có khả năng gây can nhiễu có hại cho các hệ thống vô tuyến điện đang được cấp phép hoạt động. Do vậy, để bảo đảm quản lý nhiễu có hại từ thiết bị hoạt động với mức công suất cao và đáp ứng nhu cầu triển khai loại hình ứng dụng này tại các cơ sở truyền dẫn, sản xuất chương trình phát thanh truyền hình, Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về sử dụng thiết bị như sau:
“Thiết bị âm thanh không dây sử dụng băng tần 470-608 MHz trong lĩnh vực sản xuất, điều hành chương trình phát thanh, truyền hình với mức công suất phát trên 30 mW ERP nhưng không quá 250 mW ERP được sử dụng khi có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.”
Quy định về sử dụng thiết bị nhận dạng vô tuyến (RFID) sử dụng băng tần 866-868 MHz:
Theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT, thiết bị nhận dạng vô tuyến RFID được quy định sử dụng băng tần 866-868 MHz, băng tần 918-923 MHz, 433,05-434,79 MHz và một số băng tần khác.
Theo Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia (Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg), chú thích VTN8 quy định: “Băng tần 851-915 MHz được dành cho các hệ thống thông tin di động IMT... không phát triển mới hệ thống thông tin vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ Cố định, Di động trên băng tần 806-824 MHz, 851-869 MHz…”.
Để chuẩn bị cho việc giải phóng băng tần 850 MHz phục vụ cho quy hoạch băng tần này cho hệ thống thông tin di động băng rộng tại Việt Nam trong thời gian tới, theo quy định tại Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, Dự thảo Thông tư quy định xóa bỏ việc sử dụng băng tần 866-868 MHz cho thiết bị nhận dạng vô tuyến điện RFID. Việc xóa bỏ này không tác động lớn đến nhu cầu triển khai loại hình ứng dụng này tại Việt Nam, vì bên cạnh băng tần 866-868 MHz, Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT cũng đã quy định sử dụng băng tần 918-923 MHz, 433,05-434,79 MHz và một số băng tần khác cho thiết bị nhận dạng vô tuyến RFID.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người sử dụng được tiếp tục sử dụng các thiết bị đã trang bị sau thời điểm Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành, vừa bảo đảm quản lý khả năng không gây can nhiễu có hại từ thiết bị, Dự thảo Thông tư quy định thời hạn chuyển tiếp như sau:
“Tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng thiết bị nhận dạng vô tuyến điện hoạt động tại băng tần 866-868 MHz trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng nhưng phải ngừng sử dụng khi gây nhiễu có hại cho các thiết bị vô tuyến điện được hoạt động hợp pháp.”
Bên cạnh những nội dung nêu trên, Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác có liên quan đến định nghĩa, thuật ngữ của thiết bị vô tuyến cự ly ngắn, điều kiện sử dụng đối với thiết bị an toàn cứu nạn hàng hải,…
Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Thông tư:
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT. Toàn văn của Dự thảo Thông tư này được đăng lên website của Bộ Thông tin và Truyền thông (từ ngày 21/6/2018); website của Chính phủ (từ ngày 25/6/2018. Thời hạn lấy ý kiến góp ý trên website của Bộ Thông tin và Truyền thông và website của Chính phủ là 02 tháng kể từ ngày đăng tải Dự thảo Thông tư.