Theo đó, so với Quy hoạch trước đây được ban hành bởi Quyết định số 125/2009/QĐ-TTg ngày 23/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch lần này có những nội dung sửa đổi chính sau:
Phân chia thêm băng tần cho một số nghiệp vụ: Nghiệp vụ cố định thêm 01 băng tần, di động thêm 09 băng tần, hàng không thêm 06, hàng hải thêm 05 và vô tuyến định vị thêm 13 băng tần. Đối với các hoạt động khác như nghiên cứu vũ trụ, trợ giúp khí tượng nghiệp dư cũng được phân chia thêm 04 băng tần. Song song đó, xóa 03 băng tần đã phân chia cho nghiệp vụ di động, bổ sung điều kiện sử dụng tương ứng đối với các băng tần số vô tuyến điện được phân chia thêm.
Đặc biệt, Quy hoạch mới đã sửa đổi 9, loại bỏ 4, bổ sung 6 quy định về điều kiện sử dụng riêng của Việt Nam với các điểm quan trọng như: Bổ sung tần số được dành riêng cho chức năng gọi, trợ giúp thông tin an toàn, cứu nạn và trực canh cấp cứu hàng hải Quốc gia, trên cơ sở các tần số hiện đang được Vishipel, Bộ đội Biên phòng và Hải quân triển khai hoạt động để cung cấp thông tin, hỗ trợ cho tàu cá trong việc bảo đảm an toàn, an ninh trên biển; bổ sung quy định các hệ thống thuộc nghiệp vụ di động hàng hải hoạt động trong một số băng tần HF/VHF phải tuân theo các quy định mới trong Phụ lục 17, 18 của Thể lệ vô tuyến điện nhằm thúc đẩy việc triển khai công nghệ số và tăng thêm số lượng kênh truyền tin (đơn công) cho điều hành tàu và bờ.
Nâng mức độ ưu tiên của nghiệp vụ thăm dò trái đất qua vệ tinh từ nghiệp vụ phụ lên thành nghiệp vụ chính để bảo vệ ở mức cao nhất các vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam, như hệ thống VNREDSat đang được triển khai; xác định băng tần 470-694 MHz được ưu tiên sử dụng cho nghiệp vụ quảng bá; cho phép triển khai Ra-đa hải dương học tại hai băng tần 4438-4488 kHz, 5250-5275 kHz và tại một số băng tần khác đã được ITU phân chia cho Khu vực 3; bổ sung nghiệp vụ vô tuyến định vị kèm theo điều kiện hoạt động vào Bảng phân chia phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam, qua đó xác lập chính thức quyền sử dụng của nghiệp vụ vô tuyến định vị của Việt Nam trong băng tần VHF; cho phép triển khai các hệ thống thông tin phục vụ an ninh công cộng và phòng chống thiên tai (PPDR) tại băng tần 4940-4990MHz.
Bên cạnh đó, Quy hoạch lần này cũng quy định nguyên tắc phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, trong đó cụ thể hoá nguyên tắc trong thời bình, ưu tiên dành các băng tần được sử dụng phổ cập toàn cầu cho mục đích kinh tế - xã hội vào mục đích kinh tế - xã hội. Quy hoạch cũng đã có những điều chỉnh phù hợp đối với các băng tần được sử dụng dịch vụ cho vô tuyến băng rộng. Quy hoạch này là cơ sở để triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết hơn, như quy hoạch băng tần.
Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia được ban hành với mục tiêu nhằm phát triển mạng thông tin vô tuyến điện theo hướng hiện đại, đồng bộ và ổn định lâu dài, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, đáp ứng các nhu cầu về thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Quy hoạch là cơ sở để các Bộ, ngành, các tổ chức và cá nhân định hướng trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất, nhập khẩu, lắp đặt và khai thác các thiết bị vô tuyến điện trên lãnh thổ Việt Nam. Quy hoạch mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2014.