Kết quả tuyên truyền giai đoạn I (2013-2015)
Báo cáo kết quả công tác tuyên truyền cho Đề án số hóa truyền hình giai đoạn 2013-2015, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong giai đoạn 2013-2015, kết quả công tác thông tin tuyên truyền cho Đề án số hóa đã cung cấp kiến thức đến 2.200 lượt cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, cán bộ thông tin cơ sở cấp quận, huyện, thị xã, thị trấn và 340 cán bộ, biên tập viên của các đài phát thanh truyền hình, Sở TT&TT của 5 thành phố trực thuộc Trung ương và Bắc Quảng Nam thuộc nhóm I lộ trình số hóa. Năm 2015, hoạt động tập huấn còn được mở rộng tới các tỉnh thành phố thuộc nhóm II của lộ trình số hóa.
Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua, Cục Báo chí đã phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử tập trung chỉ đạo cơ quan báo chí, các đài phát thanh truyền hình trên cả nước tham gia tích cực vào hoạt động tuyên truyền số hóa thông qua các buổi họp giao ban báo chí tuần và các văn bản chỉ đạo về nghiệp vụ. Các cơ quan báo chí một mặt tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên nâng cao kiến thức về số hóa truyền hình, mặt khác đã mở các chuyên trang, chuyên mục đăng phát thông tin về số hóa truyền hình, điển hình như báo Nhân dân, VTV, VOV, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, báo điện tử Chính phủ, VietNamNet, Dân Trí, VNexpress, báo Bưu điện Việt Nam, báo HàNộimới, Sài Gòn giải phóng…
Về hệ thống thông tin hỗ trợ, từ năm 2013, Trung tâm Thông tin đã chủ trì tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT tuyển chọn mẫu biểu trưng số hóa truyền hình. Mẫu biểu trưng hiện nay được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin với nguồn kinh phí thường xuyên đã chủ động xây dựng chuyên trang về số hóa truyền hình tại các địa chỉ
mic.gov.vn/shth và
sohoatruyenhinh.gov.vn, trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với địa phương và với người dân. Đối với việc thiết lập tổng đài giải đáp, hỗ trợ thông tin số hóa, Trung tâm Thông tin đã triển khai ký kết hợp đồng với Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng, dự kiến đầu tháng 6/2016, tổng đài sẽ đi vào hoạt động.
Từ sự nỗ lực của Ban chỉ đạo, công tác thông tin tuyên truyền về Đề án số hóa đã và đang được phổ biến rộng rãi đến người dân thông qua báo in, báo điện tử, sóng phát thanh, truyền hình và cả các pano quảng cáo. Người dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản đã được tiếp cận đầy đủ thông tin về số hóa truyền hình, như: vùng phủ sóng, doanh nghiệp phát sóng, thiết bị hợp quy trên thị trường, cách thức chuyển đổi số hóa, lợi ích số hóa truyền hình mang đến cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước...
Đặc biệt, người dân trên cả nước từng bước nắm được những thông tin cơ bản nhất về số hóa truyền hình, có các thông tin về kết quả thực hiện, kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình tại những thành phố thuộc nhóm I. Đối chiếu với mục tiêu tuyên truyền đã đề ra, nhìn chung các sản phẩm truyền thông về số hóa truyền hình giai đoạn 2013 – 2015 đã đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Kế hoạch tuyên truyền giai đoạn II (2016-2020)
Theo lộ trình số hóa, giai đoạn 2016-2020, trước thời điểm chấm dứt truyền hình tương tự 1 tháng, các cán bộ thông tin cơ sở, nhân viên kinh doanh thiết bị truyền hình tại các cửa hàng điện máy tại địa phương sẽ được tập huấn về lợi ích, thời điểm, nội dung và kiến thức cơ bản của việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất; thời điểm 06 tháng trước khi chấm dứt truyền hình tương tự mặt đất trên địa bàn, hầu hết số hộ dân có máy thu hình tại địa phương được phổ biến và nắm được thông tin cần thiết về việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số mặt đất. Như vậy, đến hết 2020 hầu hết người dân trên cả nước được phổ biến nắm được thông tin cần thiết về việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất thông qua các hình thức tuyên truyền khác nhau.
Trên cơ sở đó người dân sẽ được tuyên truyền về mục tiêu, nội dung lộ trình thực hiện, lợi ích của người dân, doanh nghiệp khi chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số và tình hình triển khai số hóa trên phạm vi toàn quốc với những thông tin quan trọng về thiết bị thu xem, thời gian chấm dứt sóng truyền hình tương tự tại địa bàn của mình và các phương thức thu xem truyền hình cáp, vệ tinh, IPTV.
Dự kiến giai đoạn 2016 – 2020 công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là công tác tập huấn sẽ tập trung vào đối tượng là lãnh đạo, cán bộ thông tin cơ sở cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm II, III, IV theo lộ trình số hóa.
Tại hội thảo, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, vừa qua, theo khảo sát các hộ gia đình xem truyền hình tương tự ở nhiều địa phương cho thấy, tại Hà Nội chỉ có 53% số hộ dân biết đến Đề án số hóa truyền hình; Hòa Bình là 33,4%; Hải Phòng là 46%; Bắc Giang là 53%; TP. HCM là 45,3%; Đồng Tháp là 98%. Trên cơ sở khảo sát đó, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, đối tượng cần tập trung tuyên truyền trong giai đoạn 2016-2020 chính là các hộ dân phía Bắc và cần tập trung tuyên truyền về thời hạn tắt sóng, phương tiện thu xem truyền hình khi tắt sóng tới các hộ dân đang xem truyền hình analog ở địa phương.
Đại diện các thành viên Ban chỉ đạo Đề án số hóa cũng đã trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền Đề án số hóa giai đoạn vừa qua và triển khai những nội dung trọng điểm trong công tác tuyên truyền giai đoạn sắp tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao về công tác thông tin tuyên truyền Đề án số hóa truyền hình trong giai đoạn 2013-2015.
Trong giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho Đề án số hóa cần chi tiết, cụ thể và phù hợp với Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 25/6/2016 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam. Đồng thời, công tác tuyên truyên cần bám trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép giữa Trung ương và địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền cụ thể, đi vào đối tượng người dân đang xem truyền hình tương tự với nội dung thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu. Phương thức đưa thông tin phải chú trọng vào thông tin cơ sở, phù hợp với vùng miền và kết hợp hỗ trợ đầu thu cho người dân.
Về kinh phí thực hiện, Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo Ban chỉ đạo Đề án cần bám sát nguyên tắc hiệu quả, tránh trùng lặp, đảm bảo tính kế thừa của giai đoạn trước, đồng thời tận dụng kinh phí từ địa phương và lồng ghép các chương trình khác. Đặc biệt để phát huy kết quả thực hiện từ giai đoạn trước, bổ sung thêm nhiệm vụ điều phối, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa đơn vị sản xuất nội dung với đơn vị phân phối thông tin, Ban chỉ đạo cần chọn ra một đơn vị điều phối các công việc này. Thứ trưởng cũng gợi ý là đơn vị điều phối có thể là Cục Tần số Vô tuyến điện hoặc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.
"Viện Chiến lược TT&TT và Vụ Thông tin cơ sở tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng thông tin cơ sở. Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức triển khai báo cáo tổng thể, chi tiết về việc tắt sóng ngày 15/8/2016 tới đây để trình Bộ trưởng Bộ TT&TT và Thủ tướng Chính phủ", Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo.
Được biết, dự kiến ngày 15/6/2016, 3 thành phố là Hà Nội, TP. HCM và Cần Thơ sẽ tiến hành tắt sóng mềm 07 kênh truyền hình không thiết yếu và ngày 15/8/2016, sẽ tắt sóng hoàn toàn các kênh analog tại 04 Thành phố lớn (Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Hải Phòng)./.