Tới dự Hội nghị có ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Quốc hội; đại diện một số Ban, Bộ, Ngành và các Sở TT&TT.
Về phía Bộ TT&TT có ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT; các Thứ trưởng Bộ TT&TT, các đồng chí nguyên là Bộ trưởng Bộ BCVT, Bộ TT&TT qua các thời kỳ, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành TT&TT.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2016, công tác quản lý nhà nước tiếp tục được triển khai tốt trên tất cả các lĩnh vực của Ngành. Bộ đã nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước với tinh thần "Vì một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân"… Tổng doanh thu phát sinh toàn Ngành năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%). Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Ngành ước đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những cố gắng và kết quả đã đạt được của toàn ngành TT&TT trong năm qua. Năm 2016, công tác quản lý nhà nước của ngành TT&TT đã được triển khai tốt trên tất cả các mặt, tỉ trọng đóng góp vào ngân sách lớn, tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò của ngành TT&TT.
Năm qua, tình hình quốc tế và trong nước xảy ra nhiều sự cố ảnh hưởng đến ngành TT&TT, nhưng với sự nỗ lực của Lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành TT&TT đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó thể hiện qua mức doanh thu toàn Ngành tăng cao hơn mức trung bình 1,5 lần, tăng 9,3% so với năm 2015. Chất lượng báo chí có bước đổi mới. Bộ TT&TT đã có đóng góp tích cực vào việc xây dựng quy chế đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng điểm lại một số kết quả đã đạt được trên 5 lĩnh vực quản lý của ngành TT&TT:
Các cơ quan báo chí đã đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời các ngày lễ lớn của đất nước, về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; những vấn đề dư luận quan tâm; thông tin toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ; rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, viễn thông, thông tin điện tử,….
Năm 2016, lĩnh vực bưu chính có chỉ số phát triển tốt, doanh thu tăng 12%, đã mở rộng các loại hình dịch vụ, phục vụ đắc lực cho tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Đáng chú ý là vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành liên quan triển khai các nội dung của Quyết định số 45/QĐ-TTg về tiếp nhận hồ sơ trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Lĩnh vực Viễn thông có doanh thu tăng 7,5%. Đặc biệt, trong năm qua, Bộ TT&TT đã tập trung và thực hiện tốt việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông, hạn chế triệt để tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, được Chính phủ đánh giá cao.
Công tác ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn an ninh thông tin của Bộ tiếp tục được đẩy mạnh và tăng cường với việc hỗ trợ và xử lý nhanh các sự cố về an toàn an ninh mạng tại các cơ quan, đơn vị và Bộ, ngành khác; Thực hiện tốt chức năng điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính trong toàn quốc, cảnh báo kịp thời các vấn đề về mã độc, tấn công thăm dò, từ chối dịch vụ...
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong lĩnh vực quản lý của Bộ: Nhiều cá nhân và cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; Việc triển khai 4G còn chậm, vì vậy các doanh nghiệp viễn thông cần hết sức chú ý, cần cố gắng để bứt phá và vượt lên mạnh mẽ hơn.
Đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ phải quyết tâm thể hiện là vai trò tiên phong, đi đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, tăng cường giám sát để có những bước tiến cụ thể, xứng đáng với truyền thống của Ngành.
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định Bộ TT&TT sẽ đưa các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào Chương trình hành động của Bộ trong năm 2017. Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan của Bộ nghiêm túc tiếp thu, thực hiện và có ý kiến trả lời đối với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp.
Đánh giá hoạt động của Bộ trong năm 2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Bộ đã dành nhiều nguồn lực cho công tác triển khai, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho sự phát triển của toàn ngành TT&TT. Cụ thể, trong năm 2016, Luật Báo chí đã được Quốc hội thông qua, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ hoàn thiện, trình lên Ban cán sự Đảng Chính phủ; Các Nghị định hướng dẫn về Luật An toàn thông tin mạng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và nhiều đề án, nghị định, văn bản quy phạm pháp luật khác.
Trong lĩnh vực báo chí, Bộ TT&TT đã tăng cường vai trò quản lý nhà nước, nghiêm túc, quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đưa tin sai sự thật, vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp thông tin; vi phạm các quy định của pháp luật. Một số cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp đã bị đình bản hoặc thu hồi Thẻ Nhà báo; chất lượng tin, bài ở nhiều tờ báo, tạp chí chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu độc giả, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Đối với lĩnh vực Viễn thông và Tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng đánh giá, công tác quản lý nhà nước về viễn thông đã được tăng cường và đẩy mạnh. Các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng, mở rộng vùng dịch vụ. Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp viễn thông Việt Nam được cấp giấy phép 4G và một số doanh nghiệp đã bước đầu triển khai cung cấp dịch vụ di động băng rộng trên nền công nghệ 4G. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão bảo đảm thông suốt, kịp thời.
Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 đã được triển khai tích cực và đã hoàn thành giai đoạn 1 tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương và hiện đang triển khai giai đoạn 2.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm, công tác quản lý thuê bao trả trước, ngăn chặn SIM rác, khuyến mại đã được Bộ TT&TT triển khai quyết liệt. Đã phát hiện 12 triệu SIM thuê bao kích hoạt sẵn trên kênh phân phối mà chưa có thông tin chính xác, gần 600 nghìn thuê bao phải đăng ký lại. Tính đến ngày 22/12/2016, đã có 15 triệu thuê bao bị khóa tài khoản.
Tuy nhiên Bộ trưởng cảnh báo, các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định về giá, khuyến mại trong cạnh tranh. Một số doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động có thu cước nhưng không thông báo đầy đủ cho người tiêu dùng.
Bộ trưởng đặc biệt ghi nhận những nỗ lực đổi mới hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, tiêu biểu là sự chủ động, sáng tạo của VNPost. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị bưu chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử. Trong hợp tác, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tái ứng cử thành công vào Hội đồng Điều hành nhiệm kỳ 2017-2020 tại Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) lần thứ 26. Tuy nhiên, hoạt động bưu chính ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, việc duy trì Điểm Bưu điện Văn hóa xã còn khó khăn do thiếu nhân lực; thu nhập cho nhân viên thấp, các loại hình dịch vụ còn hạn chế.
Trong lĩnh vực CNTT, trong năm 2016, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai các đề án lớn về CNTT, phát triển công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực CNTT. Bộ đã ban hành nhiều đề án, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử. Đặc biệt, Bộ đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời xây dựng các báo cáo, đưa ra đề xuất chi tiết, cụ thể với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các xu thế công nghệ mới trên thế giới như: Thành phố thông minh, cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tuy nhiên, công nghiệp CNTT vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thiếu công nghiệp hỗ trợ, chưa phát triển những sản phẩm trong nước có khả năng xâm nhập và cạnh tranh trên thị trường thế giới; đội ngũ nhân lực công nghiệp phần mềm, phần cứng còn thiếu. Đầu tư cho ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước còn rất hạn chế; thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy còn phổ biến trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho xây dựng chính quyền điện tử.
Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với tần suất, quy mô và mức độ phức tạp với số lượng các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng cao. Nhiều trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước vẫn tồn tại lỗ hổng gây mất an toàn thông tin. Nhiều sản phẩm CNTT nhập khẩu từ nước ngoài cài sẵn phần mềm độc hại tạo ra các nguy cơ về an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, Bộ TT&TT đã tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra việc phát hành các xuất bản phẩm, xử lý các hành vi in lậu, chấn chỉnh hoạt động của các nhà xuất bản. Bộ cũng đang phối hợp xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, sắp xếp, chuyển đổi, tái cơ cấu các nhà xuất bản. Hiện nay, ngành xuất bản đang gặp nhiều khó khăn, trong đó đa số các nhà xuất bản hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ, bị đối tác liên kết chi phối, không kiểm soát được đối tác liên kết cũng như các quy trình liên kết xuất bản. Tình trạng chiết khấu giá sách bị đẩy lên cao vẫn phổ biến, tạo cơ hội cho sách giả, sách lậu có điều kiện phát triển.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao vai trò của các Sở TT&TT đã tham mưu hiệu quả chính sách cho chính quyền địa phương để triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển lĩnh vực TT&TT ở địa phương. Đây là những cơ sở quan trọng góp phần khẳng định vị trí của ngành trong sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên khắp cả nước.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo ngành TT&TT cần tiếp tục tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TT&TT, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa thụ hưởng những lợi ích do lĩnh vực TT&TT mang lại.
Bộ trưởng chỉ đạo cần thực hiện tốt Luật Báo chí; Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí; quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Bộ TT&TT cũng cần tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông. Triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao và kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định; xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau.
Trong lĩnh vực CNTT, Bộ cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả và mức độ ứng dụng CNTT và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo thực thi tốt chức năng quản lý nhà nước, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực TT&TT, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT&TT phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và Sở TT&TT đã có nhiều ý kiến và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị với Chính phủ và Bộ TT&TT về lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành tại địa phương.
Cũng tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 6 tập thể thuộc Bộ: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Bưu điện Trung ương, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra Bộ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Nhà Xuất bản TT&TT. Lãnh đạo Bộ TT&TT đã trao Cờ Thi đua của Bộ TT&TT cho 10 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và 30 Sở TT&TT; đồng thời phát động phong trào thi đua trong toàn ngành TT&TT năm 2017.