Báo cáo với Thứ trưởng Phạm Đức Long tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung đã giới thiệu khái quát về hoạt động của Cục và báo cáo cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm mà Cục đã và đang tập trung thực hiện, như: Xây dựng Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi; xây dựng Nghị định của Chính phủ về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; quy hoạch các băng tần 2.3 GHz, 2.6 GHz, 3.5 GHz cho hệ thống thông tin di động IMT; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt băng tần được đấu giá tần số vô tuyến điện; Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia sửa đổi; xây dựng Đề án thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2; các nhiệm vụ về cấp phép, xử lý can nhiễu, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính;…
Sau khi nghe Cục Tần số báo cáo và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã có các ý kiến chỉ đạo mang tính định hướng chung và gợi ý một số giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn như: Công tác quy hoạch phải đảm bảo có tầm nhìn chiến lược và được kiểm soát chặt chẽ; cần xem xét tổng thể quy hoạch, đảm bảo đáp ứng định hướng lâu dài của đất nước trong tương lai. Hiện nay, Bộ TTTT đang chỉ đạo xây dựng hạ tầng số làm nền tảng, hạ tầng cho kinh tế số. Chính vì thế, hoạt động quản lý tần số cần thúc đẩy hạ tầng viễn thông, hạ tầng số đi trước một bước, tạo động lực cho kinh tế số phát triển.
Về nhiệm vụ xây dựng Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị Cục lập thời gian biểu triển khai chi tiết từ nay đến thời hạn ban hành và giao nhiệm vụ KPIs tới từng người, từng lãnh đạo.
Về quy định đấu giá tần số, xem xét kỹ các chế tài áp dụng sau khi đấu giá, đảm bảo các chế tài phát huy hiệu quả và các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết trước khi đấu giá.
Trên cơ sở mục đích, nguyên tắc quy hoạch tần số của nhà nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có định hướng quy hoạch băng tần đồng bộ lâu dài giúp cho các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể khi tham gia đấu giá, tránh lãng phí tài nguyên, nguồn lực tài chính.
Tần số là tài nguyên đặc thù, Thứ trưởng đề nghị Cục sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản về nguyên tắc định giá tài nguyên tần số. cũng như định giá các mức phí và lệ phí liên quan.
Về Đề án thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu Cục có báo cáo thường xuyên; đặc biệt sớm trình Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong triển khai Đề án.
Đối với các nhiệm vụ thực thi, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị Cục liên tục rà soát các công cụ thực thi để cái gì yếu, cái gì thiếu thì bổ sung ngay. Trong công tác cấp phép, triển khai dịch vụ công trực tuyến, Cục cần chứng minh cho người dân thấy tính ưu việt như rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí so với các hình thức khác; về cấp phép truyền thanh không dây cần có hướng dẫn và có các biện pháp để đảm bảo không phát sinh việc đầu tư thiết bị hoạt động trên băng tần không đúng quy hoạch; việc sử dụng thiết bị kích sóng không đúng quy định cần nghiên cứu quy định liên quan để phối hợp với các nhà mạng khắc phục tình trạng này.
“Công tác quản lý, quy hoạch, cấp phép, kiểm soát tần số rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ đang diễn ra rất nhanh. Cục Tần số VTĐ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cần có định hướng dẫn dắt lĩnh vực trong tương lai, dẫn dắt các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có hướng đi chung; tham khảo kinh nghiệm quốc tế áp dụng phù hợp với Việt Nam; sớm chuyển hoạt động của Cục Tần số VTĐ lên môi trường số” - Thứ trưởng nhấn mạnh.