Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả công tác phối hợp quản lý tần số VTĐ trên địa bàn các năm 2020-2022 và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Sở TTTT trên địa bàn, Lãnh đạo Trung tâm Tần số VTĐ khu vực II (Trung tâm II), Lãnh đạo một số phòng chuyên môn thuộc Cục Tần số VTĐ, các đơn vị chức năng của Trung tâm II và các Sở TTTT.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2020-2022, Cục Tần số VTĐ đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ trọng tâm lớn như: Hoàn thành Đề án số hóa truyền hình mặt đất, tắt sóng truyền hình tương tự trên cả nước; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Tần số VTĐ; nghiên cứu, xây dựng các Nghị định, các Thông tư, Quyết định về quy hoạch, đấu giá các băng tần, đặc biệt là các băng tần dành cho thông tin di động như Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; Thông tư 19/2019/TT-BTTTT về quy hoạch băng tần 694-806 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam; thực hiện chuyển đổi số trong công tác kiểm soát, xử lý can nhiễu; tổ chức kiểm soát, xử lý can nhiễu tần số an toàn, phục vụ sự thành công của Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Game 31) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục vẫn duy trì hiệu quả công tác phối hợp với các Sở TTTT để thực thi quản lý nhà nước về tần số tại địa phương, như: Tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ; phối hợp quản lý chất lượng thiết bị VTĐ; triển khai cấp phép thiết bị giám sát hành trình tàu cá;...
Về kết quả phối hợp giữa Trung tâm II và các Sở TTTT trong công tác quản lý tần số VTĐ 03 năm vừa qua, ông Nguyễn Cảnh Thế - Phó Giám đốc, Phụ trách Trung tâm II cho biết: Về cấp phép và quản lý thiết bị VTĐ, đã cấp 1246 giấy phép cho mạng nội bộ, 463 giấy phép đài truyền thanh không dây (TTKD), 507 giấy phép đài tàu cá; quản lý hiệu quả các đài TTKD trong lộ trình triển khai Quyết định 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/09/2021 về Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Chi Cục Thuỷ sản, Đài Thông tin Duyên hải, UBND các địa phương ven biển thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng để lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác xa bờ. Về công tác kiểm tra - xử lý, đã thực hiện 05 đợt thanh tra – kiểm tra theo kế hoạch và 56 cuộc kiểm tra đột xuất, xử lý 49 vụ việc vi phạm hành chính về sử dụng tần số, thiết bị phát sóng VTĐ; xử lý 89 vụ can nhiễu (73 vụ xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh và 16 vụ tại các tỉnh còn lại). Về công tác kiểm soát, đã khai thác 17 trạm cố định và các xe lưu động để thực hiện thường xuyên các nội dung kiểm soát như kiểm soát theo băng tần và nghiệp vụ, kiểm soát phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kiểm soát bảo đảm an toàn thông tin phục vụ các sự kiện chính trị trên địa bàn như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026,...
Cũng tại Hội nghị Tổng kết, đại diện các đơn vị chuyên môn của Cục Tần số VTĐ đã trình bày 05 báo cáo Chuyên đề gồm: “Công tác quản lý thiết bị âm thanh không dây”, “Công tác quản lý thiết bị RFID tại các trạm ETC”, “Tàu bay không người lái và các quy định liên quan”, “Kinh nghiệm phối hợp giữa Trung tâm, Sở TTTT và các đơn vị liên quan trong công tác cấp phép tần số cho tàu cá” và “Vấn đề thiết bị giả mạo trạm gốc thông tin di động”. Các báo cáo Chuyên đề cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ vô tuyến mới trong giai đoạn tới, giúp hình dùng về những thách thức lớn đối với công tác phối hợp quản lý tần số VTĐ vì mục tiêu đảm bảo sử dụng hiệu quả phổ tần, hạn chế can nhiễu có hại và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ thông tin viễn thông, phục vụ phát triển kính tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Thảo luận sôi nổi tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới các đối tượng quản lý mới nổi lên như: UAV (thiết bị bay không người lái – điều kiển bằng vô tuyến), LoraWAN (thiết bị công suất thấp cự ly rộng), thành phố thông minh (ứng dụng nhiều kết nối không dây),… đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý tần số tại địa phương như các hạn chế về nhân lực, vấn đề micro không dây trong băng tần 700 MHz, đấu tranh phòng chống BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo, quản lý các thiết bị RFID,… Bên cạnh sự thống nhất cao với báo cáo do Trung tâm II trình bày, các Sở TTTT cũng đóng góp nhiều đề xuất mới, kiến nghị Bộ TTTT, Cục Tần số VTĐ tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ các Sở, đặc biệt là về nhân sự, thiết bị và cập nhật thông tin chuyên môn có tính định hướng, để đẩy mạnh việc chủ động quản lý các mảng thiết bị, công nghệ và ứng dụng mới.
Trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề thực tiễn được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị, Ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ đã chia sẻ thêm nhiều nội dung liên quan mật thiết đến các Sở TTTT mà Cục Tần số VTĐ đang quan tâm nghiên cứu, triển khai như: Xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số VTĐ, lộ trình triển khai mạng thông tin di động IMT trên băng tần 700 MHz, lộ trình tắt sóng di động 2G và qui hoạch, đấu giá các băng tần cho 4G và 5G, đẩy mạnh cấp phép và quản lý thiết bị giám sát hành trình tàu cá,…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ông Trần Mạnh Tuấn đánh giá cao những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong công tác phối hợp giữa các Sở TTTT và Trung tâm II trong giai đoạn 2020 – 2022. Ông Trần Mạnh Tuấn chỉ đạo Trung tâm II tiếp thu những ý kiến đưa ra tại Hội nghị, cùng các Sở nghiên cứu, bổ sung để Kế hoạch phối hợp quản lý tần số VTĐ năm 2023 bám sát mảng công tác trọng tâm của các Sở về quản lý tần số nói riêng và ICT nói chung, phục vụ tốt hơn cho lĩnh vực thông tin – truyền thông, chiến lược Chuyển đổi số quốc gia và sự phát triển tổng thể của địa phương.