Cục Tần số vô tuyến điện sơ kết công tác 06 tháng đầu năm, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2024

27/06/2024

(rfd.gov.vn)- Chiều ngày 24/6/2024, tại trụ sở 115 Trần Duy Hưng – Hà Nội, Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 06 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024. Tham dự Hội nghị có các Lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện; Trưởng, Phó các đơn vị thuộc Cục và một số Chuyên viên tiêu biểu của Cục. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã  được nghe báo cáo kết quả công tác 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024 và được nghe Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn trình bày làm rõ thêm những việc lớn mà Cục Tần số đã thực hiện được trong thời gian qua. Cụ thể, Cục trưởng đã nhấn mạnh vào một số điểm sau: Lần đầu tiên tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz), thu về cho ngân sách hơn 10 ngàn tỷ đồng; đã ban hành Quy chế cuộc đấu giá, thông báo công khai lần thứ nhất về việc đấu giá lại khối băng tần băng tần C3 (3800 – 3900 MHz) và khối băng tần 700 đang trong quá trình hoàn thiện kế hoạch để đưa ra đấu giá, thực hiện nghiên cứu mẫu đấu giá; Cục đã hoàn thành xây dựng và được Bộ ký ban hành 02 Thông tư về quy hoạch băng tần 1800 MHz; 900 MHz cho 5G; đang theo dõi, tổng hợp, các ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư Quy hoạch băng tần 850 MHz. Liên quan tới Đề án thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2, Cục đã có những hoạt động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; có Tờ trình báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định phê duyệt Đề án.

Trong công tác cấp phép 06 tháng qua, Cục đã cấp mới và gia hạn 12.842 giấy phép; đang trong quá trình xem xét kết quả xác định mức thu cơ sở đối với băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz phục vụ cho việc cấp lại giấy phép những băng tần này cho các doanh nghiệp thông tin di động.

Cục đã thực hiện tốt công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn thông tin cho các sự kiện lớn của Đất nước như Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, màn trình diễn ánh sáng bằng 2024 thiết bị bay không người lái tại Đêm giao thừa Tết Nguyên đán, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13, Lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang năm 2024; tiếp nhận, xử lý 15 vụ can nhiễu thiết bị smartkey; phối hợp với các đơn vị Công an bắt giữ 05 vụ BTS giả, 05 đối tượng sử dụng và chuyển cho cơ quan điều tra.

Công tác chuyển đổi số thời gian qua cũng được Cục chú trọng và đẩy mạnh hơn thông qua tích hợp và triển khai giải pháp tự động sinh QRCODE tự điền đầy đủ thông tin thanh toán trên thông báo phí điện tử, kết nối API với các ngân hàng để tự động cập nhật thông tin thanh toán phí/lệ phí sử dụng tần số; phối hợp với Cục Chuyển đổi số, Viettel triển khai thử nghiệm trợ lý ảo chuyên ngành theo đúng chất lượng, tiến độ yêu cầu;…

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt, tại Hội nghị Sơ kết lần này, bên cạnh những ý kiến phát biểu của các Phó Cục trưởng, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục, các đại biểu tham dự Hội nghị còn được nghe một số Chuyên viên tiêu biểu, nhân sự chủ chốt đã có đóng góp lớn trong việc triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ mới của Cục trình bày về quá trình mình trực tiếp thực hiện, đảm trách công việc được giao, đó là: Chuyên viên Nguyễn Hoàng Sơn (Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số) với nhiệm vụ xác định mức thu cơ sở các băng tần phục vụ cho việc cấp lại tần số và đấu giá tần số; Chuyên viên Vũ Sơn Tùng đến từ Phòng Kiểm soát tần số với chủ để “Can nhiễu từ thiết bị lặp thông tin di động” (hay còn gọi là thiết bị kích sóng di động); Trưởng Đài Kiểm soát - Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I Đoàn Minh Trang báo cáo về nội dung Tự động hóa trong công tác kiểm soát và chuyên viên Lê Đức Hạnh, Phòng Kiểm tra xử lý - Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II với nhiệm vụ phối hợp với công an tỉnh Phú Thọ xác định đối tượng sử dụng hệ thông SimBox phát tán tin nhắn, điện thoại lừa đảo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cảm ơn Cục Tần số đã đồng hành cùng với Thứ trưởng giải quyết một khối lượng lớn công việc trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng đánh giá trong giai đoạn từ khi Thứ trướng tới làm việc trực tiếp với Cục (21/4/2024) đến nay (24/6/2024), Cục đã rõ cách làm, làm xong 10/13 nhóm việc trọng tâm mà khi đó Cục Tần số thấy còn vướng mắc, khó khăn.

Những nhóm việc đã hoàn thành đó là: Đấu giá xong băng tần 2600 và 3700 MHz; xây dựng và  được ban hành đúng hạn 02 Thông tư quy hoạch băng tần 900 MHz và băng tần 1800 MHz, làm cơ sở cấp lại băng tần 900/1800/2100 cho các doanh nghiệp thông tin di động (Thông tư quy hoạch băng tần 2100 MHz đã ban hành trước đó); đã giải quyết được những vướng mắc, âu lo liên quan tới nguồn vốn cho Đề án thay thế 02 vệ tinh VINASAT-1, VINASAT-2; thực hiện nghiên cứu, rà soát các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia trên cơ sở kết quả Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2023; cơ bản giải quyết được công tác kiện toàn tổ chức bộ máy dù chưa triệt để; báo cáo gửi Bộ Chính trị về phân bổ băng tần thương mại thiết lập mạng 5G phục vụ cho mạng chuyên dùng của Bộ Công an cũng cơ bản giải quyết được; công tác chuyển đổi số trong hoạt động nội bộ của đơn vị, chuyển đổi số trong ngành và lĩnh vực đã làm tốt; vấn đề về cấp giấy phép tần số cho VTV, VTC không còn khó khăn và sẽ thực hiện được khi Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông ban hành;...

Với 3 nhóm vấn đề về xây dựng hệ thống thu thập và phân tích nền tạp nhiễu các trạm thông tin di động; quản lý thiết bị vô tuyến điện công suất thấp; cơ chế tài chính, tiền lương thu nhập cho Cục hiện còn vướng mắc, tồn đọng, Thứ trưởng đề nghị Cục tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu cách làm, tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới.

Thứ trưởng cũng bổ sung thêm một số vấn đề mà Bộ trưởng mới đặt ra gần đây để Cục Tần số vô tuyến điện đưa vào nội dung công tác trọng tâm 06 tháng cuối năm:

Thứ nhất là vấn đề xây dựng trợ lý  ảo, xây dựng hệ tri thức lĩnh vực mà Cục Tần số vô tuyến điện đã tích lũy được trong 31 năm qua. 31 năm đó là một kho kiến thức, kho tri thức khổng lồ đòi hỏi Cục phải số hóa, phải tổ chức cho hiệu quả để không những chúng ta khai thác mà các thế hệ anh chị em sau này còn khai thác.

Vấn đề thứ 2 là chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực. Cụ thể là chúng ta sẽ sử dụng nhiều dữ liệu do máy móc tự động sinh ra thay vì sử dụng dữ liệu do con người nhập vào hoặc do con người báo cáo; từ đó khai thác dữ liệu phục vụ quá trình ra quyết định và trong quá trình quản lý nhà nước, chúng ta hình thành lên các cơ sở dữ liệu, những công cụ dùng chung cho Cục, cho các cán bộ của các Sở Thông tin và Truyền thông trên toàn quốc cùng dùng, cùng khai thác.

Vấn đề thứ ba mà Bộ trưởng yêu cầu và Thứ trưởng Dũng nêu ra trong công tác quản lý nhà nước của tất cả các đơn vị là chúng ta cần phải giám sát trực tuyến tự động 100% tất cả các đối tượng quản lý của mình để phục vụ công tác phân tích, cảnh báo, giúp đảm bảo thực thi pháp luật được nghiêm minh, hạn chế tai nạn.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng đề nghị Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức tốt phiên họp của Uỷ ban Tần số vô tuyến điện trong 06 tháng cuối năm 2024; thể hiện được vai trò, vị thế dẫn dắt của Bộ, của Cục đối với lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Cuối cùng, Thứ trưởng bày tỏ niềm hy vọng trong thời gian tới, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ tổ chức được những đợt tuyển dụng với nhiều gương mặt mới hình thành nên một thế hệ tiếp theo cho Cục. “Một lần nữa, xin cảm ơn tất cả và xin chúc chúng ta trong 06 tháng cuối năm sẽ hoàn thành xuất sắc hơn nữa các nhiệm vụ và tận hưởng thêm niềm vui trong công việc khi chúng ta làm nên những việc mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội” – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

 

Hồng Hạnh