Phối hợp tần số, quỹ đạo vệ tinh giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a

06/09/2024

(rfd.gov.vn)- Từ ngày 26 đến 29 tháng 8 năm 2024, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp phối hợp tần số, quỹ đạo vệ tinh giữa cơ quan quản lý hai nước Việt Nam và In-đô-nê-xi-a. Tham dự cuộc họp, về phía Việt Nam có: Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam), Tập đoàn VNPT; về phía In-đô-nê-xi-a có: Cục Chính sách và Quy hoạch phổ tần (Bộ Truyền thông và Thông tin In-đô-nê-xi-a), 04 nhà khai thác mạng vệ tinh In-đô-nê-xi-a (PT Bank Rakyat Indonesia, PT Wahana Telekomunikasi Dirgantara, PT Sarana Mukti Adijaya và Pasifik Satelit Nusantara Group).

Toàn cảnh cuộc họp phối hợp tần số, quỹ đạo vệ tinh giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a

Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh công nghệ vệ tinh đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để đảm bảo tối ưu hóa tài nguyên tần số và giảm thiểu nguy cơ can nhiễu giữa các mạng vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo. Với sự tham gia của các chuyên gia từ hai nước, cuộc họp nhằm mục đích: Giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến khả năng can nhiễu giữa các mạng vệ tinh của Việt Nam và In-đô-nê-xi-a (phối hợp giữa 12 mạng vệ tinh của Việt Nam và 16 mạng vệ tinh của In-đô-nê-xi-a); trao đổi thông tin cập nhật về các mạng vệ tinh của cả hai quốc gia; thúc đẩy hợp tác trong quản lý và khai thác tài nguyên vệ tinh, đặc biệt là tại các vị trí quỹ đạo chiến lược.

Việt Nam hiện có 02 vệ tinh viễn thông hoạt động trên quỹ đạo: vệ tinh VINASAT-1 được phóng lên quỹ đạo 132°E (độ Đông) vào năm 2008; vệ tinh VINASAT-1 là vệ tinh đầu tiên của Việt Nam, có 08 bộ phát đáp băng tần C và 12 bộ phát đáp băng tần Ku. Vệ tinh VINASAT-2 được phóng lên quỹ đạo 131.8°E vào năm 2012; vệ tinh VINASAT-2 có 24 bộ phát đáp  băng tần Ku.

Việt Nam đã đăng ký và có các hồ sơ mạng vệ tinh ở các vị trí 107E, 129.5E, 131.8E, 131.9E và 132E để phục vụ cho nhu cầu phóng vệ tinh thay thế và phát triển trong tương lai.

In-đô-nê-xi-a có 07 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo, cũng đã đăng ký nhiều mạng vệ tinh gồm:

KOMINFO Series: Các vệ tinh KOMINFO-1, KOMINFO-2 và KOMINFO-3 lần lượt ở các vị trí quỹ đạo 146°E, 123°E và 113°E cung cấp các dịch vụ viễn thông thiết yếu cho In-đô-nê-xi-a.

BRIsat: Vệ tinh BRIsat của ngân hàng BRI ở vị trí 150.5°E, là vệ tinh được dành riêng cho dịch vụ tài chính, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kết nối viễn thông cho hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính tại In-đô-nê-xi-a.

NUSANTARA Series: Chuỗi vệ tinh NUSANTARA, bao gồm NUSANTARA-PS3-A, NUSANTARA-PS4-A và NUSANTARA TIGA (Satria 1), được triển khai tại nhiều vị trí quỹ đạo 113E, 106E, 129E, 146E cung cấp dịch vụ truyền thông và Internet băng rộng cho toàn bộ khu vực.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp

Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phối hợp cho các mạng vệ tinh tránh can nhiễu khi hoạt động. Đặc biệt, các cuộc thảo luận tập trung vào việc phối hợp tần số tại các vị trí quỹ đạo quan trọng như 132E, 117.5E, nhằm đảm bảo sự ổn định và hiệu quả hoạt động của các vệ tinh. Cuộc họp đã đạt được kết quả tích cực trong đó đã hoàn thành phối hợp 11 mạng vệ tinh của của Việt Nam với 07 mạng vệ tinh của In-đô-nê-xi-a.  

Cuộc họp này không chỉ giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a trong lĩnh vực thông tin vệ tinh. Sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý hai nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thông tin vệ tinh của hai nước hoạt động hiệu quả, không can nhiễu.

Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đã đạt được thỏa thuận ký kết phối hợp giữa các hệ thống mạng vệ tinh của hai nước

Sau 04 ngày làm việc tích cực, cuộc họp phối hợp tần số, quỹ đạo vệ tinh giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đã thành công tốt đẹp. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác, duy trì các kênh liên lạc thường xuyên để tiếp tục phối hợp giải quyết các vấn đề còn lại trong thời gian sớm nhất.

Phòng HTQT

Các bài viết khác