Băng tần lợi ích số hóa truyền hình cho 4G tại Việt Nam

22/02/2013

(rfd.gov.vn)- Truyền hình số mặt đất đem lại rất nhiều lợi ích. Đầu tiên là chất lượng chương trình truyền hình cao hơn hẳn so với truyền hình tương tự với âm thanh hình ảnh trung thực và sắc nét không có hiện tượng bóng ma như trong truyền hình tương tự. Thứ hai, một trong những ưu điểm nổi bật của truyền hình số là đem lại hiệu quả sử dụng tần số.

1. Giới thiệu

Nếu như với truyền hình tương tự, chỉ có thể truyền tải một kênh chương trình truyền hình  trên một kênh tần số 8 MHz, thì với kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2 cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình SD trên một kênh 8 MHz, nghĩa là truyền hình số sẽ cần ít phổ tần số hơn số với truyền hình tương tự. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành số hóa truyền hình sẽ có một phần băng tần dành cho truyền hình sẽ dôi dư. Băng tần này được gọi là Băng tần lợi ích số hóa truyền hình (sau đây gọi là băng tần Digital Dividend). Băng tần Digital Dividend được ITU-R đánh giá là băng tần tiềm năng cho công nghệ thông tin di động (TTDĐ) băng rộng IMT-Advanced (thông tin di động 4G).

Bài viết này sẽ đề cập tới vấn đề các nước trên thế giới đã và đang quy hoạch sử dụng băng tần Digial Dividend này cho TTDĐ 4G và kiến nghị việc quy hoạch sử dụng băng tần Digital Dividend cho Việt Nam.

2. Kinh nghiệm quốc tế quy hoạch sử dụng băng tần Digital Dividend

Băng tần Digital Dividend được mong đợi đem lại phát triển kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Hội nghị Vô tuyến thế giới (WRC-07) đã xác định được 108 MHz của Băng tần Digital Dividend (698-806 MHz) cho khu vực 2 của ITU 9 quốc gia trong khu vực 3 của ITU, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hội nghị vô tuyến thế giới 2012 (WRC-12) đã quyết định phân bổ thêm một phần băng tần UHF để triển khai các dịch vụ điện thoại di động tại  khu vực 1 của ITU gồm châu Âu, châu Phi và các bộ phận của Trung Đông. Việc phân bổ thêm băng tần (698-790) MHz cho TTDĐ dự kiến ​​có hiệu lực từ sau năm 2015. Việc kéo dài đến năm 2015 là cần có các nghiên cứu kỹ thuật cũng như những nghiên cứu về sự sẵn sàng các phương án phân chia băng tần mới này. Điều này được gọi là Digital diviend giai đoạn 2 cho  Khu vực 1 của ITU. Đoạn băng tần này liền kề với băng Digital diviend đầu tiên băng tần 800MHz (từ 790-862MHz).

Năm 2009, Hoa kỳ đã hoàn thành số hóa truyền hình và là thị trường đầu tiên trên thế giới bán đấu giá băng tần digital dividend (698-806) MHz và do đó có một lợi thế của sớm triển khai các mạng băng TTDĐ. Các nhà cung cấp dịch vụ lớn ở Mỹ đã đưa ra dịch vụ LTE thương mại giai đoạn 2010-2011. Quy hoạch băng tần này cũng đã đáp ứng một số yêu cầu cụ thể của Hoa Kỳ cho hệ thống an ninh công cộng và quảng bá. Quy hoạch băng tần Digital Dividend sớm ở Hoa kỹ đã mang lại cơ hội đi đầu về triển khai mạng TTDĐ băng rộng LTE-Advanced. Hoa Kỳ đã quy hoạch sử dụng băng tần Digital Dividend 700 MHz như Hình 1: Băng tần (698-746) MHz: 3 block FDD 2x6 MHz (A,B,C); 2 block TDD 6MHz (D,E) và Băng tần (746-806) MHz : chia làm 4 block FDD (C, A, D, B); 01 block FDD cho Public Safety 2 x 12MHz.

Hình 1

Tháng 9/2010, sau kết quả của một nghiên cứu sâu rộng, các nước Châu Á - Thái Bình Dương (APT) đã đạt được một thỏa thuận về hai phương án quy hoạch băng tần Digital Dividend băng (698-806) MHz hài hoà cho khu vực 3. Với tiềm năng to lớn cho phát triển  kinh tế, quy hoạch này sẽ mở đường cho sự phát triển di động băng thông rộng như là một lợi ích của Số hóa truyền hình. Hai phương án Quy hoạch của các nước APT như sau:

Phương án quy hoạch băng tần (698-806) MHz cho FD 

Năm 2010, châu Âu đã thông qua phương án quy hoạch  băng tần (790-862) MHz cho thông tin vô tuyến băng rộng như hình 2. Châu Âu dự kiến sẽ hoàn thành số hóa truyền hình vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013 và cùng với đó là giải phóng băng tần Digital Dividend (790-862) MHz. Một số nước Châu âu đã triển khai mạng thông tin di động LTE trên băng tần này. Châu Âu sẽ tiếp tục sắp xếp lại hệ thống truyền hình số và xem xét giải phóng băng tần digital Dividend giai đoạn 2 là băng 698-790 MHz.

Hình 2

3. Lợi ích sử dụng hài hòa băng tần Digital Dividend

Việc sử dụng hài hòa băng tần cho một nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện là khi các quốc gia, các khu vực có quan điểm chung về sử dụng băng tần cụ thể cho một loại nghiệp vụ thông tin vô tuyến . Vấn đề sử dụng hài hòa băng tần được xét đến với nhiều khía cạnh từ những lợi ích quản lý cho tới lợi ích kinh tế, xã hội.

Trong quản lý Tần số Vô tuyến điện, sử hài hòa băng tần giữa các quốc qia giúp cho việc phối hợp quản lý tần số tại khu vực có chung đường biên giới dễ dàng hơn, tránh can nhiễu có hại tại khu vực biên giới gây ảnh hưởng tới dịch vụ mạng thông tin vô tuyến. Trong trường hợp không đạt được sự hài hòa tại khu vực biên giới thì việc phối hợp quản lý tần số quốc tế trở nên hết sức phức tạp thậm trí là cản trở sự phát triển của hai nước trong lĩnh vực phát triển viễn thông, phát thanh truyền hình tại mỗi quốc gia.

Hài hòa sử dụng tần số vô tuyến điện đem lại nhiều lợi ích về kinh tế. Trong đó, việc sản xuất thiết bị được sản xuất đồng loạt và sử dụng nhiều nơi trên thế giới với quy mô lớn sẽ làm cho giá thành thiết bị đầu cuối giảm đáng kể. Bên cạnh đó, việc roaming cũng trở nên dễ dàng khi thuê bao có thể di chuyển tới nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, do có sự khác biệt về việc sử dụng băng tần cho truyền hình tương tự nên việc xác định băng tần Digital Dividend có sự khác biệt giữa các khu vực và các quốc gia. Tại khu vực 2, 3 các nước hầu như sử dụng băng tần dưới 806 MHz cho truyền hình tương tự nên trong quá trình số hóa truyền hình băng tần Digital Dividend được xác định là băng tần 700 MHz (698-806)MHz. Các nước khu vực 1 sử dụng băng tần UHF (470-862) MHz cho truyền hình mặt đất nên đã xác định giải phóng băng tần Digital Dividend giai đoạn 1 là băng tần (790-862) MHz. Trong thời gian tới, giai đoạn 2 được xác định là băng tần 700 MHz. Chính vì những  khác biệt này nên đã có một số khác biệt trong việc quy hoạch sử dụng băng tần Digital Dividend giữa các khu vực trên thế giới.

Theo nghiên cứu của GSMA và The Boston consulting Group đánh giá về lợi ích hài hòa băng tần 700MHz sử dụng cho TTDĐ băng thông rộng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế.

 Theo các biểu đồ trong Hình 3, việc phân bổ băng 700 MHz cho điện thoại di động, tới năm 2020 có thể có một tác động tích cực trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tạo ra một tăng trưởng GDP khoảng hơn 1000 tỷ USD (960 tỷ USD) và tăng trưởng doanh thu thuế 215 tỷ USD, cùng với việc tạo ra một 1,4 triệu kinh doanh bổ sung mới (bao gồm cả các bộ phận mới hoặc các đơn vị kinh doanh trong các doanh nghiệp hiện tại) và 2,7 triệu việc làm mới.

 Hình 3

Trong khi đó, theo các biểu đồ hình 4, nếu phân bổ băng tần 700 MHz cho dịch vụ phát thanh truyền hình tới năm 2020 tạo ra tăng trưởng GDP khoảng 111 tỷ USD, tăng doanh thu thuế USD 44 tỷ USD, cũng như 1.100 doanh nghiệp mới hoặc đơn vị kinh doanh và 69.000 việc làm mới.  

   Hình 4 

  Như vậy có thể nhận thấy theo kết quả nghiên cứu dự báo về lợi ích của việc sử dụng băng 700 MHz cho TTDĐ có tác động lớn tới nền kinh tế trong tương lai so với việc sử dụng băng 700 MHz cho truyền hình mặt đất.

 Đây chỉ là một kết quả nghiên cứu dự báo nhưng có thể nhận thấy lợi ích và tiềm năng kinh tế của băng tần 700 MHz được sử dụng cho dịch vụ TTDĐ băng rộng trong giai đoạn tới.

Do đó, mỗi quốc gia cần có định hướng quy hoạch sử dụng băng tần Digital Dividend sớm và cần hài hòa lợi ích quản lý, lợi ích kinh tế xã hội. Việc lựa chọn phương án quy hoạch của mỗi quốc gia theo số đông sẽ mở đường cho phát triển TTDĐ băng thông rộng và đem lại nhiều lợi ích cho người dân.

4. Đề xuất quy hoạch sử dụng băng tần Digital Dividend cho Việt Nam

Xác định băng tần Digital Dividend cho Việt Nam:

Đối với băng tần (698-806)MHz , trên thế giới đang có hai phương án quy hoạch băng tần đó là phương án quy hoạch của Hoa Kỳ và phương án quy hoạch băng tần của các nước APT mà Việt Nam đang là thành viên. Đối với phương án của Hoa Kỳ chỉ có duy nhất Canada tuyên bố sẽ áp dụng phương án quy hoạch này. Hầu hết các nước khác trong khu vực 2 của ITU (Hoa kỳ và Canada thuộc khu vực 2) tuyên bố sẽ áp dụng phương án quy hoạch băng (698-806) MHz –FDD của APT. Trong các nước khu vực 3 của ITU, ngoài Trung Quốc lựa chọn phương án quy hoạch (698-806) MHz- TDD, các nước còn lại lựa chọn phương án quy hoạch băng tần (698-806) MHz –FDD. Châu Âu đang xem xét việc quy hoạch hài hòa băng tần (698-790) MHz với phương án của APT.

Việc lựa chọn phương án quy hoạch của APT đang trở nên khá phổ biến với phương án FDD nhằm tương thích với các hệ thống TTDĐ hiện có. Do đó, Việt Nam có thể lựa chọn một trong hai phương án này. Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay Việt Nam cần xác định rõ băng tần lợi ích số hóa truyền hình đó là băng tần (698-806)MHz.

Việc xác định rõ băng tần Digital Dividend cho Việt Nam rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn số hóa truyền hình. Cần có định hướng rõ ràng về băng tần Digital Dividend để từ đó sắp xếp lại hệ thống truyền hình mặt đất. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Thông tư ban hành quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất đến năm 2020 nên cần có những định hướng quy hoạch sử dụng băng tần UHF (470-806) MHz để ngay khi hoàn thành số hóa truyền hình băng tần Digital Dividend có thể sẵn sàng cho thông tin vô tuyến băng rộng.

Lộ trình giải phóng băng tần Digital Diviend cho Việt Nam:

Đối với truyền hình tương tự: các kênh tần số dành cho truyền hình tương tự sẽ được giải phòng theo 4 giai đoạn theo Lộ trình số hóa truyền hình của Việt Nam từ nay tới 2020, nghĩa là các kênh tần số truyền hình tương tự đang sử dụng băng 700 MHz sẽ ngừng sử dụng giai đoạn sau 2020. Đối với việc ấn định mới kênh tần số cho truyền hình tương tự cần được định hướng sử dụng băng tần 700 MHz để sau 2020 các kênh tần số này sẽ tự động được giải phóng theo Lộ trình số hóa.

Đối với truyền hình số mặt đất:  băng tần 470-694 MHz (các kênh 21-48) cần định hướng  sử dụng ổn định lâu dài cho truyền hình số mặt đất. Băng tần 694-806MHz sẽ dành cho truyền hình số sử dụng tạm thời trong giai đoạn trước năm 2020.

Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy và yêu cầu các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số áp dụng các công nghệ tiên tiến của Truyền hình số đó là sử dụng các kênh tần số liền kề tại một vị trí phát sóng, triển khai mạng đơn tần diện rộng và hẹp để đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên tần số.

5. Kết luận

Truyền hình số không chỉ đem lại lợi ích về chất lượng chương trình truyền hình mà còn đem lại lợi ích về phổ tần số Vô tuyến điện. Truyền hình số mặt đất sẽ sử dụng phổ tần số ít hơn so với truyền hình tương tự. Sau khi hoàn thành số hóa truyền hình, một phần băng tần UHF  sử dụng cho truyền hình mặt đất được giải phóng và dành cho dịch vụ TTDĐ băng rộng và một số dịch vụ thông tin vô tuyến khác.

Nhiều nước trên thế giới đã hoàn thành số hóa truyền hình và đã giải phóng thành công băng tần Digital Dividend để triển khai dịch vụ TTDĐ 4G. Phương án quy hoạch băng tần số Digital Dividend (698-806) MHz của APT đang được hầu hết các nước áp dụng. Việt Nam cần xác định rõ băng tần Digital Dividend (698-806) MHz để có lộ trình giải phóng băng tần này và quy hoạch kênh tần số cho truyền hình số mặt đất trong giai đoạn số hóa truyền hình tới hết năm 2020 nhằm tránh việc giải phóng băng tần tốn kém và mất nhiều thời gian.

 Tài liệu tham khảo

[1]. GSMA- BCG.The Economic Benefits of Early Harmonisation of the Digital Dividend Spectrum & the Cost of Fragmentation in Asia-Pacific.

[2]. APT-AWF-REP-14 9th Meeting. 2010. “Harmonised Frequency

Arrangements For The Band 698-806 MHz”.

Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn thanh niên Cục Tần số VTĐ