Theo đó, ông Bùi Hà Long (Phó Trưởng phòng Ấn định và Cấp phép tần số) đảm nhận vị trí Chủ tịch Nhóm làm việc phụ trách các nội dung về hàng hải, hàng không và nghiệp dư. Vị trí này được phê chuẩn tại APG19-1 và ông Bùi Hà Long giữ vai trò Chủ tịch nhóm trong toàn bộ các Hội nghị của APG19 (từ APG19-1 đến APG19-5). Đây là lần đầu tiên Việt Nam giữ vị trí này tại các Hội nghị Thông tin vô tuyến khu vực Châu Á Thái Bình dương.
Tại APG19-2, Hội nghị chính thức đã phê chuẩn ông Phùng Nguyên Phương (Trưởng phòng Hợp tác và Phối hợp tần số quốc tế) đảm nhận vị trí Chủ tịch Nhóm soạn thảo Chương trình nghị sự 7B (DG7) về thủ tục đăng ký, phối hợp vệ tinh, ông Nguyễn Huy Cương (Phó Trưởng phòng HT&PHTSQT) là Chủ tịch Nhóm soạn thảo Chương trình nghị sự 1.7 (DG1.7) về vệ tinh phi địa tĩnh và ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số) là đồng Chủ tịch Nhóm soạn thảo Chương trình nghị sự 1.14 (DG1.14) về hệ thống HAPS.
Nhiệm vụ của APG19-2 gồm: Phát triển các quan điểm chung sơ bộ của APT đối với các chương trình nghị sự của WRC-19; phê chuẩn Chủ tịch các nhóm soạn thảo; rà soát các phương pháp làm việc của APG, các vấn đề liên quan tới từng chương trình nghị sự của WRC-19; xem xét, thảo luận kết quả nghiên cứu của các Nhóm Nghiên cứu (ITU-R), thông tin được cung cấp từ AWG.
APG19-2 chia ra 06 nhóm làm việc để thảo luận các đề xuất của các nước đối với các chương trình nghị sự của WRC-19. Trong mỗi nhóm làm việc được chia thành nhiều nhóm soạn thảo; tổng số có 28 nhóm soạn thảo.
Tham dự APG19-2, Đoàn Việt Nam gồm 13 thành viên, do Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn làm trưởng đoàn đã có nhiều đóng góp tích cực tại Hội nghị.
Việt Nam có đề xuất đối với 13/28 chương trình nghị sự của WRC-19
Tại APG19-2, Đoàn Việt Nam đã có các đề xuất đối với 13 trong tổng số 28 chương trình nghị sự của WRC-19. Các đề xuất của Việt Nam liên quan đến các vấn đề: Xác định thêm băng tần mới dành cho thông tin di động IMT; sử dụng hài hòa về tần số và công nghệ cho hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của tàu điện; quy hoạch băng tần 50-54 MHz; hiện đại hóa hệ thống an toàn cứu nạn hàng hải toàn cầu; bảo vệ an toàn cứu nạn hàng không khỏi ảnh hưởng can nhiễu từ các thiết bị hàng hải hoạt động đơn lẻ; quy hoạch tần số cho thành phần vệ tinh của hệ thống truyền dữ liệu hàng hải băng tần VHF; vấn đề dùng chung giữa vệ tinh phi địa tĩnh và vệ tinh địa tĩnh ở băng tần 40/50GHz; phổ tần tín hiệu điều khiểncho vệ tinh phi địa tĩnh ở dải tần dưới 1GHz; thủ tục đăng ký phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh.
Các quan điểm, đề xuất của đoàn Việt Nam đã được ghi nhận, phản ánh trong các quan điểm sơ bộ của khu vực APT, là cơ sở để các nước tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong 03 kỳ hội nghị tiếp theo của APG19.
Bên cạnh việc bảo vệ thành công các quan điểm của quốc gia, tại APG19-2, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung quan điểm chung sơ bộ của khu vực, và các vị trí Chủ tịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giải quyết thấu đáo các vấn đề thảo luận, hoàn thành văn bản của Nhóm soạn thảo trình Hội nghị phê chuẩn.