Tháng 12/2016, ITU tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày thiết lập Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế (the ITU Radio Regulations) - Hiệp ước quốc tế quan trọng về việc sử dụng phổ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh cho thông tin vô tuyến. Việc thực thi Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế đảm bảo các hệ thống thông tin vô tuyến hoạt động không gây can nhiễu lẫn nhau và cung cấp các phương thức để tất cả các nước có thể tiếp cận công bằng phổ vô tuyến, quỹ đạo vệ tinh - Một nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, không phân biệt biên giới quốc gia và cần phải được hài hòa trên phạm vi toàn cầu.
Trong một thế giới "không dây" ngày càng gia tăng, các qui định của Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế cho phép tất cả các dịch vụ vô tuyến cùng chia sẻ phổ tần để đáp ứng yêu cầu phát triển của chúng trong khi vẩn bảo vệ được các dịch vụ đang cung cấp hiện có và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho số lượng người sử dụng và các ứng dụng ngày càng tăng.
Kể từ đầu những năm 1900, việc quản lý phổ tần số vô tuyến và các quy định về sử dụng phổ tần là nhiệm vụ chính của ITU với vai trò là điều phối viên phổ tần toàn cầu, giữa các nước thành viên ITU đã phát triển và liên tục cập nhật Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế.
Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế đầu tiên được thiết lập vào năm 1906, chủ yếu liên quan đến vô tuyến hàng hải. Hội nghị vô tuyến điện tín đầu tiên với sự tham dự của 30 quốc gia có hàng hải, ngày 03 tháng 11 năm 1906 tại Berlin đã phê chuẩn "Công ước vô tuyến điện tín quốc tế 1906 " thiết lập các nguyên tắc thông tin bắt buộc giữa các tàu trên biển và các đài trên đất liền. Phụ lục của Công ước này gồm các quy định đầu tiên về quản lý việc vô tuyến điện tín.
Công ước vô tuyến điện tín quốc tế được phê chuẩn bởi 30 quốc gia: Đức, Hoa Kỳ, Áchentina, Áo, Hungary, Bỉ, Brazil, Bulgaria, Chile, Đan Mạch, Ai Cập, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Mexico, Monaco , Montenegro, Na Uy, Hà Lan, Ba Tư, Bồ Đào Nha, Rumani, Nga, Siam, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, và Uruguay.
Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế ngày nay bao gồm các qui định áp dụng cho 40 dịch vụ thông tin vô tuyến khác nhau trên khắp thế giới với dải tần số từ 9 kHz đến 3000 GHz. Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế hiện nay gồm hơn 2.000 trang, xác định các nguyên tắc quản lý, cũng như các quyền và nghĩa vụ của 193 nước thành viên của ITU trong việc sử dụng tài nguyên phổ tần và quỹ đạo vệ tinh hiệu quả và theo phương thức phối hợp để không gây nhiễu có hại cho nhau. Kể từ năm 1906 đến nay, đã có tới 38 Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới được tổ chức để sửa đổi, bổ sung Thể lệ Vô tuyến quốc tế đáp ứng sự phát triển không ngừng của công nghệ và đời sống xã hội. Phiên bản Thể lệ Vô tuyến quốc tế năm 2016 (version 2016), đã được Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới năm 2015 thông qua và đã được đưa lên website của ITU (online).
110 năm qua, Thể lệ Vô tuyến quốc tế quốc tế đã được chứng minh là một công cụ hoàn toàn phù hợp cho việc quản lý sử dụng phổ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh dựa trên sự hợp tác quốc tế và sự hiểu biết lẫn nhau. Với sự kết nối ngày càng đa dạng của thế giới và các hệ thống vô tuyến có mặt ở khắp mọi nơi, điều quan trọng nhất hiện nay là duy trì thời gian tổ chức và tính hiệu quả của các Hội nghị thông tin vô tuyến, để đảm bảo sự phát triển kịp thời của công cụ luật pháp quốc tế quý giá này.
110 năm Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế