SpaceX cung cấp dịch vụ internet băng rộng vào giữa năm 2020

16/03/2020

(rfd.gov.vn)- SpaceX có kế hoạch bắt đầu cung cấp dịch vụ băng rộng cho khách hàng với chùm vệ tinh băng rộng Starlink vào giữa năm 2020, sau sáu đến tám lần phóng vệ tinh (mỗi lần phóng 60 vệ tinh) để đủ số lượng vệ tinh cung cấp vùng dịch vụ theo dự kiến.

Starlink là chùm vệ tinh được SpaceX phát triển gồm hàng ngàn vệ tinh, được thiết kế hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp. Cho đến nay, SpaceX đã được Ủy ban Truyền thông Mỹ cấp giấy phép để phóng gần 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo. Mới nhất, SpaceX đã nộp hồ sơ đăng ký với Liên minh Viễn thông Quốc tế mạng vệ tinh với 30.000 vệ tinh thuộc dự án chùm vệ tinh băng rộng Starlink. Điều đó có nghĩa là SpaceX dự định phóng khoảng 42.000 vệ tinh vào quỹ đạo.

Chùm vệ tinh Starlink

SpaceX cung cấp dịch vụ Internet băng rộng trở thành hiện thực

Khi nhu cầu internet băng rộng tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những nơi không có kết nối, giá dịch vụ internet quá đắt hoặc không đáng tin cậy, SpaceX đang thực hiện chiến lược nhắm tới nhóm khách hàng này qua việc tăng quy mô dung lượng của hệ thống cũng như tốc độ truyền dữ liệu của Starlink để đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu của người sử dụng.

Ở đợt phóng đầu tiên, SpaceX phóng 60 vệ tinh Starlink vào tháng 5/2019 (không kể lần phóng 02 vệ tinh thử nghiệm). Trong đó, ba vệ tinh thất bại khi không đi đúng vào vị trí quỹ đạo. SpaceX cũng cố gắng đưa hai vệ tinh khác tách ra khỏi quỹ đạo để minh chứng việc SpaceX có khả năng loại bỏ các vệ tinh khỏi không gian nếu cần thiết trước lo ngại của giới khoa học về rác vũ trụ. Các vệ tinh còn lại đã vào đúng vị trí quỹ đạo và hoạt động bình thường. Cho tới nay, SpaceX đã phóng 300 vệ tinh thuộc chùm vệ tinh Starlink vào quỹ đạo.

 SpaceX phóng chùm vệ tinh Starlink

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi người dùng có thể sử dụng dịch vụ internet băng rộng từ Starlink. Ngoài việc ra mắt các vệ tinh thuộc hệ thống chùm vệ tinh Starlink, SpaceX còn cần phải hoàn thành việc phát triển thiết bị đầu cuối người dùng (một thiết bị nhỏ mà khách hàng sẽ sử dụng để thu tín hiệu băng thông rộng từ các vệ tinh). Công ty cũng cần tìm ra các doanh nghiệp viễn thông trên toàn cầu sẽ cung cấp dịch vụ cho mình. Dịch vụ internet băng rộng có thể sẽ được cung cấp trực tiếp cho khách hàng, nhưng ở nhiều quốc gia khách hàng sẽ cần đăng ký dịch vụ thông qua nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nội địa.

Một điểm mấu chốt là giá dịch vụ cũng cần được xác định, đây là bài toán khó và nan giải đối với SpaceX. Thực tế thông tin về việc có 03 gói cước được SpaceX triển khai để người tiêu dùng lựa chọn, bao gồm StandardX, PremiumX và ProfessionalX, với mức giá thuê bao hàng tháng “siêu rẻ” là 9,99 USD, 19,99 USD và 29,99 USD chỉ là tin đồn.

SpaceX mong muốn phát triển chùm vệ tinh băng rộng Starlink để thúc đẩy lĩnh vực không gian, tuy nhiên đây là một hoạt động kinh doanh rất khác biệt đối với SpaceX.

Iridium, Globalstar và các công ty khác đã cố gắng xây dựng chùm vệ tinh tầm thấp để cung cấp dịch vụ viễn thông, internet từ không gian, tất cả họ  đều bị phá sản dù cuối cùng Iridium và Globalstar cũng đã gượng dậy từ sự phá sản đó để tiếp tục ra mắt các chùm vệ tinh thế hệ thứ hai. Đây là một thực tế mà Elon Musk đã thẳng thắn thừa nhận với các phóng viên trước khi ra mắt Starlink: Không có công ty nào từng thành công trong việc xây dựng chùm vệ tinh quỹ  đạo tầm thấp nhưng SpaceX vẫn tin rằng sẽ thành công dù đó không phải là một điều chắc chắn ngay ở giai đoạn đầu.

SpaceX hiện tại chưa nghĩ tới việc tách dự án Starlink để thành lập công ty riêng sau đó đưa lên thị trường chứng khoán. Hiện nay, SpaceX chỉ tập trung phóng vệ tinh, xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để có thể cung cấp dịch vụ vào giữa năm 2020 và cũng chưa nghĩ nhiều đến vấn đề lợi nhuận của dự án mà tập trung vào các phương án để tránh phá sản như các dự án của các công ty khác trước đây.

Tác động của chùm vệ tinh băng rộng đối với lĩnh vực viễn thông

Có một số lo ngại về tác động của chùm vệ tinh băng rộng. Dù vậy, các chuyên gia đánh giá chùm vệ tinh băng rộng của SpaceX cũng như của các công ty khác (Oneweb, O3B, Viasat,…) chỉ bổ sung cho hệ thống viễn thông hiện tại. Mục tiêu khách hàng của chùm vệ tinh này hướng tới là hàng tỷ người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng sa mạc, biển, đảo,… Nơi mà việc triển khai các dịch vụ viễn thông, internet mặt đất gặp nhiều khó khăn, chi phí đắt.

Tình trạng người dân được kết nối internet băng rộng qua điện thoại tại các khu vực trên thế giới năm 2018 (10% dân số không có vùng phủ sóng, 43% dân số không được kết nối internet)

Hơn nữa, việc phát triển chùm vệ tinh còn phải đối mặt với một số khó khăn:

- Thứ nhất: Đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém. Với vị trí quỹ đạo nằm ở tầm thấp, các vệ tinh có khối lượng nhỏ, tuổi thọ ngắn nên cứ khoảng 5 tới 8 năm là phải thay thế toàn bộ hàng chục nghìn vệ tinh với chi phí khổng lồ hàng tỷ đô la, chưa bao gồm chi phí phóng vệ tinh. Do vậy, giá dịch vụ rất khó cạnh tranh với giá dịch vụ của viễn thông mặt đất mặc dù với các công nghệ mới có thể giúp làm giảm giá thành đáng kể.

- Thứ hai: Khả năng kết nối. Người dùng trong nhà (building) không thể kết nối trực tiếp mà phải thông qua thiết bị trung gian do tín hiệu vệ tinh yếu và suy giảm nhanh chóng khi có vật chắn, đây là một trở ngại không dễ giải quyết, không dễ được chấp nhận.

- Thứ ba: Vấn đề cấp phép. Thủ tục xin cấp phép dịch vụ viễn thông ở nhiều nước phức tạp, đặc biệt khi dịch vụ cung cấp internet băng rộng của các chùm vệ tinh là xuyên biên giới sẽ liên quan tới an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia. Dó đó, ngay cả khi chùm vệ tinh Starlink đã có đủ số vệ tinh cần thiết để phủ toàn cầu thì vùng dịch vụ mà chúng có thể được phép cung cấp như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.

 

Tuy gặp các bất lợi trên, phát triển chùm vệ tinh vẫn nổi lên là một xu thế tất yếu, mạnh mẽ với sự tham gia của các tập đoàn viễn thông, dịch vụ, ngân hàng, công nghệ hàng đầu thế giới, tạo ra sự đột phá trong việc cung cấp dịch vụ internet băng rộng toàn cầu sau khi SpaceX chính thức cung cấp dịch vụ vào giữa năm nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] Elon Musk says SpaceX is thinking ‘zero’ about spinning off its Starlink business right nowBy Loren Grush@lorengrush 

[2] SpaceX aims to provide internet coverage with Starlink constellation as soon as mid-2020 - By Loren Grush

 

Ths. Nguyễn Huy Cương