Trong trường hợp khẩn cấp, có thể triển khai nhanh chóng hệ thống HAPS phục vụ thông tin liên lạc khẩn cấp, an toàn cứu nạn, đặc biệt đường truyền liên kết giữa các HAPS cho phép cung cấp các dịch vụ trong điều kiện cơ sở hạ tầng mạng mặt đất chưa đáp ứng được.
Thể lệ Vô tuyến điện của ITU đã đưa ra định nghĩa về hệ thống HAPS là các đài vô tuyến nằm trên một vật thể bay ở độ cao 20-50 km và tại một điểm xác định và cố định so với Trái đất. Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới (WRC-19), diễn ra tháng 11 năm 2019 ở Ai Cập đã đạt được sự hài hòa toàn cầu về phát triển hệ thống HAPS. Điều này sẽ tạo điều kiện phát triển các dịch vụ HAPS và cho phép các thử nghiệm tiến tới triển khai thương mại.
Sự ra đời của hệ thống HAPS sẽ đóng góp vào Mục tiêu phát triển bền vững (công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng) bằng cách cho phép kết nối băng thông rộng hơn và các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Sự phát triển công nghệ và cấp thiết phải phổ cập dịch vụ băng thông rộng đã dẫn tới sự ra đời của hệ thống HAPS. Các trạm HAPS này có thể được dễ dàng triển khai ở tầng bình lưu khí quyển (20 km so với mặt đất), đủ cao để cung cấp dịch vụ cho một khu vực rộng lớn.
Hệ thống HAPS đã trở nên khả thi hơn nhờ sự phát triển vượt bậc của các công nghệ về hiệu suất tấm pin mặt trời, mật độ năng lượng pin, vật liệu tổng hợp composite siêu nhẹ, hệ thống điện tử hàng không tự động và ăng ten. Một số đơn vị sản xuất thiết bị đang thử nghiệm dịch vụ truy cập băng thông rộng qua hệ thống HAPS bằng cách sử dụng máy bay và khí cầu nhẹ, chạy bằng năng lượng mặt trời ở độ cao 20-25 km, hoạt động liên tục trong vài tháng. Kết quả thử nghiệm gần đây cho thấy hệ thống HAPS có khả năng cung cấp truy cập Internet băng rộng bằng cách sử dụng các trạm phát sóng cách mặt đất khoảng 20 km, đã chứng tỏ khả năng cung cấp kết nối cho các khu vực ở vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, các hệ thống HAPS phải đối mặt với thách thức để triển khai cung cấp dịch vụ băng thông rộng thương mại trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng yếu kém.
Theo tính toán của ITU-R, tổng lượng phổ tần cho hệ thống HAPS cần từ 396 MHz tới 2969 MHz cho chiều kết nối đường lên (từ mặt đất tới HAPS) và cần từ 324 MHz tới 1505 MHz cho chiều xuống (từ HAPS tới mặt đất). Lượng phổ tần này sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp ứng dụng đặc biệt (phục vụ cứu trợ thiên tai) và cho các ứng dụng kết nối băng thông rộng thương mại.
Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-97, WRC-2000 và WRC-12 đã xác định các băng tần cho HAPS gồm: 2 GHz, 6 GHz, 27/31 GHz và 47/48 GHz. Hội nghị WRC-19 đã thống nhất phân bổ băng tần 31-31.3 GHz và 38-39.5 GHz cho HAPS sử dụng nghiệp vụ cố định trên toàn thế giới; băng tần 47.2-47.5 GHz và 47.9-48.2 GHz cũng đạt được sự hài hòa toàn cầu cho triển khai hệ thống HAPS.