Với hiệu suất vượt xa internet vệ tinh truyền thống và không bị ràng buộc bởi những hạn chế của cơ sở hạ tầng viễn thông mặt đất, chùm vệ tinh tầm thấp Starlink sẽ cung cấp internet băng thông rộng tốc độ cao đến những địa điểm mà ở đó truy cập không đáng tin cậy hoặc hoàn toàn không khả dụng.
Cho đến nay, SpaceX đã phóng gần 900 vệ tinh Starlink, mặc dù số vệ tinh này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số vệ tinh cần thiết để phủ sóng internet băng rộng toàn cầu nhưng cũng đủ để bắt đầu cung cấp dịch vụ ở một số khu vực, bao gồm cả ở Tây Bắc Hoa Kỳ. Công ty đã bắt đầu hợp tác với một số tổ chức ở các vùng nông thôn mà vệ tinh Starlink trên quỹ đạo hiện đang bao phủ, chẳng hạn như bang Washington.
Theo chương trình thử nghiệm mang tên “Better Than Nothing Beta” bắt đầu từ ngày 26/10/2020 của SpaceX thì các dịch vụ ban đầu mà chùm vệ tinh Starlink nhắm đến trong năm 2020 là Hoa Kỳ và Canada, sau đó nhanh chóng mở rộng phạm vi phủ sóng toàn cầu đến các khu vực đông dân vào năm 2021.
Theo ghi nhận của một số khách hàng sử dụng dịch vụ internet băng rộng do chùm vệ tinh Starlink cung cấp cho thấy, tốc độ tải xuống nhanh nhất là 209,17 Mbps được ghi nhận tại thành phố New York và gần 215 Mbps ở bang Monata của Hoa Kỳ. Dự kiến tốc độ dữ liệu sẽ thay đổi từ 50 Mbps đến 150 Mbps và độ trễ từ 20ms đến 40ms trong thời gian tới khi SpaceX nâng cấp hệ thống Starlink.
Người dùng thử nghiệm bản “Better Than Nothing Beta” của SpaceX đã cho thấy tốc độ tải xuống đạt 175 Mbps ngay cả trong điều kiện gió tốc độ cao, tuyết dày và nhiệt độ đóng băng, điều này chứng tỏ chùm vệ tinh Starlink vẫn hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt .
Trước khi tung ra bản thử nghiệm beta công cộng này, SpaceX đã tiến hành cung cấp bản thử nghiệm beta dùng riêng cho nhân viên của mình, kết quả cho thấy những thước đo quan trọng đối với một nhà cung cấp dịch vụ internet như độ trễ mạng và tốc độ tải xuống đều đạt yêu cầu.
Hiện SpaceX đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng bản beta này với mức phí dịch vụ internet vệ tinh Starlink là 99 USD/1 tháng cộng với chi phí trả trước 499 USD cho bộ công cụ Starlink bao gồm một thiết bị đầu cuối người dùng để kết nối với vệ tinh, một giá ba chân và một bộ định tuyến Wi-Fi.
Theo một cuộc khảo sát qua email được Space X thực hiện vào tháng 6 năm 2020 cho thấy, sau hai tháng khảo sát công ty đã nhận được gần 700.000 phản hồi của khách hàng trên khắp Hoa Kỳ thể hiện sự quan tâm đến dịch vụ này.
Chùm vệ tinh tầm thấp Starlink là kế hoạch của SpaceX nhằm xây dựng một mạng lưới internet kết nối với hàng nghìn vệ tinh, được thiết kế để cung cấp internet tốc độ cao đến mọi nơi trên hành tinh. Cho đến nay, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã được Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ (FCC) cấp giấy phép để phóng gần 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo đến năm 2027. Tuy nhiên theo kế hoạch, SpaceX sẽ tiếp tục xin giấy phép để thiết lập một chùm vệ khổng lồ với tổng cộng khoảng 42.000 vệ tinh.
Mạng lưới này là một nỗ lực đầy tham vọng mà SpaceX cho biết sẽ tốn khoảng 10 tỷ USD hoặc nhiều hơn để xây dựng nó. Nhưng ban lãnh đạo công ty ước tính rằng chùm vệ tinh Starlink có thể mang lại doanh thu 30 tỷ USD mỗi năm cho công ty, hoặc gấp hơn 10 lần doanh thu hàng năm từ mảng kinh doanh tên lửa của mình.
Vào tháng 10 năm 2020, SpaceX đã công bố hợp tác với Microsoft để kết nối mạng điện toán đám mây Azure của gã khổng lồ công nghệ với mạng Starlink. SpaceX và Microsoft gần đây đã thử nghiệm phần mềm cần thiết để kết nối Starlink và Azure. Mối quan hệ hợp tác đặc biệt quan trọng đối với các trung tâm dữ liệu di động mới của Microsoft, mà công ty cho biết được thiết kế “dành cho những khách hàng cần khả năng điện toán đám mây trong các môi trường hỗn hợp hoặc nhiều thách thức, bao gồm cả những vùng xa xôi hẻo lánh”.