Dưới đây là một số dự án điển hình về triển khai và thử nghiệm Open RAN trên thế giới:
Nhà mạng Rakuten (Nhật Bản) đã chính thức khai trương dịch vụ 5G thương mại dựa trên nền tảng hệ thống mạng vô tuyến phần mềm mở (Open RAN) của mình. Open RAN sử dụng phần mềm để chạy các chức năng mạng trên đám mây. Rakuten lựa chọn Open RAN cho mạng 4G/5G sử dụng thiết bị Open RAN của Altiostar, NEC, Fujitsu, Nokia(2).
NTT DOCOMO (Nhật Bản) đã thử nghiệm và xác nhận khả năng tương thích lẫn nhau giữa thiết bị trạm gốc của Fujitsu, NEC và Nokia với các giao diện X2, Fronthaul tuân thủ Open RAN.
Vodafone (Anh) yêu cầu các thiết bị 4G/5G mới cần hỗ trợ bởi công nghệ Open RAN. Vodafone triển khai trạm Open RAN đầu tiên vào tháng 8/2020 sử dụng phần mềm của Mavernir, phần cứng cho CU/DU (Khối tập trung: Centralized Unit/Khối phân tán: Distributed Unit) từ Dell và Kontron. Vodafone sẽ tiếp tục triển khai 2600 trạm Open RAN 4G trên mạng (thay thế cho khoảng 35% trạm Huawie)(3)(4).
Deutsche Telekom (Đức) đang làm việc với các nhà cung cấp Dell, Fujitsu, NEC, Mavenir và cam kết năm 2021 triển khai dự án thử nghiệm thương mại quy mô nhỏ mang tên “O-RAN Town”, theo đó thử nghiệm 150 trạm Open RAN 4G/5G trong khu vực thị trấn Neubrandenburg, phía bắc thành phố Berlin, với dân số khoảng 65.000 người(5).
DISH (Mỹ) đã lựa chọn hãng Mavenir và Altiostar làm đơn vị cung cấp phần mềm Open vRAN, MTI và Fujitsu sẽ là đơn vị cung cấp phần cứng vô tuyến, Intel cung cấp kiến trúc giải pháp FlexRAN cũng như các chip vi xử lý.
Telefonica (Tây Ban Nha) đã thành lập cộng đồng Open RAN bao gồm các công ty phần cứng và phần mềm với mục tiêu phát triển và triển khai Open RAN 4G, 5G bao gồm thiết kế, tích hợp, phát triển, khai thác và các hoạt động thử nghiệm liên quan đến Open RAN. Tháng 8/2020, CTIO của Telefonica chia sẻ tham vọng sẽ sử dụng đến 50% trạm gốc Open RAN trong mạng 4G, 5G của nhà mạng trong giai đoạn năm 2022 – 2025(6).
Bharti Airtel (Ấn Độ) lựa chọn hãng Altiostar để triển khai Open vRAN tại các thành phố trong Ấn Độ.
Nhà mạng Indosat Ooredoo (Indonesia) hợp tác với Smartfren để triển khai thử nghiệm Open RAN.
Tháng 11/2020, Altiostar và NEC đã phối hợp để thử nghiệm thiết bị Massive MIMO RU (Radio Unit) kết nối với thiết bị phân tán được ảo hóa DU chạy trên máy chủ thương mại (COTS: Commercial-off-the-shelf) để kiểm tra các đặc tính của giao diện Fronthaul theo chuẩn của O-RAN. Giao diện Fronthaul chia tách theo lựa chọn Option 7.2x của O-RAN cho phép kết nối thiết bị O-DU được ảo hóa của Altiostar với thiết bị NR O-RU (cho 5G) của NEC(7).
AT&T là một trong những thành viên sáng lập và hiện giữ chức Chủ tịch của Hiệp hội O-RAN. AT&T cũng đã thử nghiệm Open RAN tại Dallas (Mỹ) sử dụng thiết bị Open RAN của Ericsson và Samsung.
Tại Việt Nam, khi Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G cho các nhà mạng đều tạo điều kiện và khuyến khích các nhà mạng ưu tiên thử nghiệm triển khai mạng truy cập vô tuyến theo chuẩn Open RAN. Các nhà mạng lớn của Việt Nam đều đã lên kế hoạch triển khai cụ thể, như: Tập đoàn Viettel đang theo dõi sát sự phát triển của chuẩn Open RAN để xác định khả năng ứng dụng trên mạng viễn thông của Viettel. Trong năm 2021, Viettel sẽ triển khai thử nghiệm thương mại trạm phát sóng Macro-cell 5G theo chuẩn Open RAN với các thiết bị vô tuyến hỗ trợ cấu hình 8T8R và dự kiến thử nghiệm các cấu hình cao hơn trong năm 2022. Tập đoàn Viettel cùng Công ty Vinsmart thuộc Tập đoàn Vingroup cùng hợp tác phát triển các thiết bị vô tuyến RU theo chuẩn Open RAN để tích hợp với các thiết bị CU, DU Open RAN(8).
Tổng công ty MobiFone cũng đã đặt vấn đề và tìm hiểu để áp dụng chuẩn Open RAN trên mạng lưới của mình với quan điểm các thiết bị Open RAN phải đáp ứng các thông số kỹ thuật đã được tiêu chuẩn hóa, giá thành cạnh tranh và có khả năng tương thích với mạng lưới hiện hữu. Cụ thể, MobiFone đã tham gia Hiệp hội O-RAN trong năm 2021; mua phần cứng (chipset, server) hỗ trợ ảo hóa RU và BBU, nền tảng ảo hóa (NFVI Platform), hệ thống core giả lập 5GC Emulator (Non-stand Alone và Stand Alone).
Với VNPT, tháng 11/2020, Tập đoàn đã phê duyệt chủ trương gia nhập thành viên Hiệp hội O-RAN và đang hoàn thiện các thủ tục tham gia Hiệp hội này.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.parallelwireless.com/wp-content/uploads/iGR-OpenRAN-Integration-White-Paper.pdf
[2] https://www.rcrwireless.com/20201104/5g/japans-rakuten-mobile-joins-o-ran-alliance
[3] https://www.rcrwireless.com/20201119/carriers/vodafone-uk-expanding-open-ran-deployment-ireland-up-next
[4] https://www.lightreading.com/vodafone-uk-to-swap-big-part-of-huawei-for-open-ran/d/d-id/765104
[5] https://www.telecomtv.com/content/open-ran/deutsche-telekom-preps-2021-open-ran-rollout-40429/
[6] https://www.lightreading.com/open-ran/telefonica-ctio-5g-will-rely-on-open-networks/a/d-id/763368
[7] https://www.nec.com/en/press/202011/global_20201112_04.html
[8] https://egov.mic.gov.vn/documents/20182/6903236/6.+VHT_5G_OpenRAN_VietnamOpenSummit_20201117_2-final.pdf/b8e038d0-9e2c-4988-8dfb-83f1cbada087