IoT di động (Cellular IoT) cho phép kết nối các thiết bị vật lý (như các loại cảm biến) với Internet dựa trên cơ sở hạ tầng mạng di động đang sử dụng cho điện thoại thông minh mà không phải thiết lập một mạng mới để chứa các thiết bị IoT. IoT di động cung cấp một giải pháp thay thế cho các mạng diện rộng công suất thấp (LPWAN: Low Power Wide Area Network) như các công nghệ LoRaWAN và Sigfox, hoạt động ở các băng tần không cần cấp phép.
Mạng di động có khả năng cho phép truyền tải các luồng dữ liệu khổng lồ, hiện đang được sử dụng phổ biến trên toàn cầu, vì vậy chúng ta không cần phải xây dựng bất kỳ cơ sở hạ tầng vật lý mới nào để hỗ trợ IoT di động. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các thiết bị IoT hỗ trợ di động đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng, điều này đã gây ra hạn chế đối với nhiều ứng dụng. Giờ đây, các cảm biến hỗ trợ di động mới có thể truyền lượng dữ liệu hợp lý qua những khoảng cách đáng kể mà không làm tiêu hao pin. Và trong tương lai 5G sẽ là công nghệ tuyệt vời cho kết nối IoT di động.
Báo cáo của Strategy Analytics chỉ ra rằng, kết nối IoT dựa trên 5G chỉ chiếm chưa đến 1% kết nối IoT trong năm 2020 nhưng sẽ chiếm 40% trong tổng số 3,5 tỷ kết nối IoT di động vào năm 2030. Đến năm 2026, kết nối 5G vẫn còn hạn chế, trong khi 4G vẫn là công nghệ thống trị trên phạm vi toàn cầu.
Năm 2020 chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến do đại dịch Covid-19 bùng phát, với sự gia tăng nhẹ về tổng số kết nối trên thị trường toàn cầu. Dự báo của Strategy Analytics cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng kết nối trong năm 2021 cũng tương tự như năm 2020, trong đó nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sức khỏe từ xa, đặc biệt là theo dõi và chẩn đoán bệnh nhân từ xa tăng lên.
Nhận định về việc áp dụng 5G, ông Andrew Brown - Giám đốc Điều hành về kinh doanh và nghiên cứu IoT tại Strategy Analytics cho biết: “Việc áp dụng 5G có thể sẽ diễn ra trong các giai đoạn khác nhau ở các thị trường lớn nhất, với các ứng dụng băng rộng di động nâng cao (enhanced mobile broadband - eMBB) sẽ được áp dụng hàng loạt trước tiên, tiếp theo là các ứng dụng thông tin độ tin cậy cực kỳ cao với độ trễ thấp (ultra-reliable and low-latency communications - uRLLC) và truyền thông máy số lượng cực lớn (massive machine type communications mMTC) sẽ được áp dụng sau cùng”.
“Việc áp dụng sẽ không chỉ được xác định bởi nhu cầu ứng dụng, mà còn bởi tính khả dụng của chipset dành cho 5G, tốc độ và phạm vi phủ sóng của việc triển khai mạng 5G, cũng như sự phát triển của các quy định. Ngay cả khi 5G phát triển, 4G vẫn tiếp tục tồn tại, cung cấp phạm vi phủ sóng rộng rãi với chi phí thấp hơn và vẫn rất quan trọng trong kết nối IoT”, ông Andrew Brown nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông David Kerr, Phó Chủ tịch cấp cao của Strategy Analytics cho biết thêm: “Thời điểm mang tính bước ngoặt cho kết nối IoT qua mạng 5G xảy ra khi có sự hỗ trợ của ứng dụng mMTC, phần cứng giảm giá và phạm vi phủ sóng rộng rãi, cùng với đó là mạng truyền thông IoT băng thông hẹp (NB-IoT: Narrowband-IoT) và Cat M (hay còn gọi là LTE-M: Long Term Evolution for Machines) được đưa vào tiêu chuẩn và các thiết bị 5G. Vì lý do này, chúng tôi nghĩ rằng việc xoay trục sang 5G trong kết nối IoT sẽ là một quá trình dần dần, thay vì một sự thay đổi mạnh mẽ”.