OneWeb là nhà khai thác internet băng rộng qua vệ tinh thuộc sở hữu của Vương quốc Anh, đã được chính phủ Anh và Tập đoàn viễn thông khổng lồ Bharti Global của Ấn Độ giải cứu khỏi sự phá sản vào tháng 11 năm ngoái, đang nhắm mục tiêu cung cấp các dịch vụ internet băng rộng tới các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn cầu thông qua các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO).
Trong khi đó, nhà khai thác internet băng rộng qua vệ tinh SpaceX của Hoa Kỳ cũng có mục tiêu hoàn toàn tương tự nhưng SpaceX đang đi trước OneWeb một bước. Hiện SpaceX đã phóng lên quỹ đạo tầm thấp chùm vệ tinh Starlink với khoảng 1.300 vệ tinh ở độ cao 550 km so với mặt đất và có kế hoạch phóng 42.000 vệ tinh vào năm 2027.
Bắt đầu từ ngày 26/10/2020, SpaceX cũng đã thực hiện chương trình thử nghiệm mang tên “Better Than Nothing Beta” nhằm cung cấp phiên bản thử nghiệm beta công cộng cho người dùng internet băng rộng qua vệ tinh tại một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức và New Zealand trước khi mở rộng phạm vi phủ sóng ra toàn cầu. Được biết, trong phiên bản thử nghiệm này, SpaceX cung cấp tốc độ dữ liệu cho người dùng trong khoảng từ 50 Mbps đến 150 Mbps và độ trễ từ 20ms đến 40ms.
Gói cước dịch vụ internet vệ tinh Starlink trong phiên bản thử nghiệm beta là 99 USD/1 tháng cộng với chi phí trả trước 499 USD cho bộ công cụ Starlink bao gồm một thiết bị đầu cuối người dùng để kết nối với vệ tinh, một giá ba chân và một bộ định tuyến Wi-Fi.
Đối với OneWeb, sau lần phóng gần đây nhất diễn ra vào ngày 25 tháng 3 vừa qua, với 36 vệ tinh được đưa lên quỹ đạo, OneWeb đã có chùm vệ tinh với 146 vệ tinh ở độ cao 1.200 km so với mặt đất. Theo kế hoạch đề ra, OneWeb sẽ phóng lên quỹ đạo 648 vệ tinh để cung cấp dịch vụ internet băng rộng trên phạm vi toàn cầu.
Chris McLaughlin, Giám đốc phụ trách lĩnh vực pháp lý và quan hệ với chính phủ của OneWeb cho biết, lần phóng vệ tinh diễn ra vào ngày 25 tháng 3 vừa qua là lần thứ hai trong số năm lần mà OneWeb dự kiến sẽ thực hiện trong năm nay, nhằm cung cấp vùng phủ sóng internet băng rộng đến các vùng xa xôi của trái đất, xuống đến vĩ độ 50 độ, bao gồm Alaska, Canada, đảo Greenland, Nga, các nước thuộc Bắc Âu.
Theo kế hoạch, lần phóng vệ tinh thứ năm của OneWeb sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ internet băng rộng cho toàn Vương quốc Anh. Theo McLaughlin, vào giữa năm 2022, các khu vực có vĩ độ xuống đến 21 độ sẽ được phủ sóng, bao gồm cả phần còn lại của châu Âu và một phần châu Phi.
So với chùm vệ tinh Starlink của SpaceX hiện đã phủ sóng ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới thì OneWeb dường như bị tụt lại phía sau. Nhưng OneWeb cho rằng, đây là chiến thuật của họ.
McLaughlin cho rằng, cách mà các công ty vệ tinh lớn phóng hàng nghìn vệ tinh lên không gian không phải là cách làm có trách nhiệm để các thế hệ tiếp theo có thể hưởng lợi từ không gian. OneWeb đang áp dụng cách sử dụng không gian có trách nhiệm hơn.
Không giống như chùm vệ tinh của SpaceX, có quỹ đạo dọc theo các đường xích đạo, OneWeb có quỹ đạo từ cực này sang cực khác, có nghĩa là các vùng cực bắc và cực nam của Trái đất sẽ sớm trở thành giao điểm của chùm vệ tinh của OneWeb. McLaughlin cho biết, thế hệ vệ tinh OneWeb tiếp theo có thể sẽ có liên kết quang học, cho phép các vệ tinh trao đổi thông tin với nhau trong không gian. Điều đó có thể làm giảm nhu cầu về các trạm mặt đất đắt tiền ở các khu vực khó tiếp cận ở Bắc Cực. Hiện OneWeb chưa công bố thiết kế cho thiết bị đầu cuối của người dùng và giá cước hàng tháng cho gói dịch vụ internet băng rộng của mình.
Mặc dù, chùm vệ tinh của OneWeb chỉ có 648 vệ tinh, ít hơn nhiều so với hàng chục nghìn vệ tinh của SpaceX nhưng các vệ tinh của OneWeb nằm ở độ cao lớn hơn so với vệ tinh của SpaceX nên sẽ cho vùng phủ sóng rộng hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của vệ tinh ở độ cao lớn hơn là độ trễ sẽ lớn hơn.
Một đối thủ khác của OneWeb và SpaceX trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ internet băng rộng qua vệ tinh là Amazon hiện vẫn chưa phóng bất kỳ vệ tinh nào lên quỹ đạo tầm thấp trong dự án Kuiper nhưng họ đặt mục tiêu sẽ phóng chùm vệ tinh với 3.236 vệ tinh lên quỹ đạo ở độ cao 550 km so với mặt đất trong tương lai gần.
Xét về khía cạnh kinh doanh, OneWeb cũng có cách tiếp khác so với SpaceX, tức là không cung cấp trực tiếp dịch vụ internet băng rộng cho người dùng như SpaceX mà thông qua các doanh nghiệp, tức là nó sẽ cung cấp dịch vụ internet băng rộng cho các công ty viễn thông hiện có, những công ty này sau đó phân phối internet đến các hộ gia đình và doanh nghiệp. OneWeb cũng sẽ để các công ty viễn thông định giá cước dịch vụ vì họ cho rằng doanh nghiệp viễn thông là người hiểu rõ khách hàng của mình nhất.
Cho đến nay, SpaceX đã có hơn 10.000 người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ internet băng rộng thông qua chương trình thử nghiệm beta. Nhằm tiếp tục phát triển dịch vụ của mình, mới đây SpaceX đã nộp đơn lên Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ (FCC) để xin phép cung cấp dịch vụ internet băng rộng cho các phương tiện di chuyển lớn như xe tải, tàu, thuyền và máy bay.
Cùng với SpaceX, OneWeb hiện cũng đang có các cuộc thảo luận với chính phủ Vương quốc Anh để tham gia vào một phần của dự án cung cấp dịch vụ internet tốc độ Gigabit trị giá 6,9 tỷ USD. Đây là dự án được chính phủ Anh đưa ra nhằm cung cấp băng rộng tốc độ cao cho hơn 1 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp ở các vùng nông thôn của Anh.