Chính sách thúc đẩy mạng Open RAN của một số quốc gia điển hình trên thế giới

04/06/2021

(rfd.gov.vn)- Đặc điểm chung khi triển khai mạng Open RAN và mạng RAN truyền thống là đều cần có đủ lượng phổ tần để triển khai các công nghệ mạng 2G/3G/4G và 5G và Open RAN. Chính sách liên quan tới Open RAN cần đảm bảo tính linh hoạt không chỉ dựa trên khía cạnh triển khai công nghệ mạng 5G mà còn các công nghệ mạng khác như 2G/3G/4G. Cơ quan quản lý của các nước trên thế giới đang tăng cường hỗ trợ phát triển Open RAN và hiện đã nhiều quốc gia triển khai các dự án đầu tư, đổi mới và triển khai mạng Open RAN (1).

Các nhà mạng đang triển khai mạng Open RAN sử dụng nhiều băng tần khác nhau, trong đó bao gồm cả băng tần mmWave

Tại Nhật Bản, tháng 4/2019, Bộ Nội vụ và Truyền thông đã cấp phép trực tiếp băng tần 5G cho các nhà mạng. Nhà mạng Rakuten được cấp 500 MHz phổ tần (3800-3900 MHz và 27-27,4 GHz), lượng phổ tần mà Rakuten được cấp tương đương với phổ tần mà các nhà mạng 5G khác của Nhật Bản được cấp. Rakuten cam kết với Chính phủ Nhật Bản triển khai dịch vụ 5G trên toàn quốc trong vòng hai năm. Tháng 4/2021, Rakuten đã được cấp thêm băng tần 1,7 GHz (1860-1880 MHz) để sử dụng cho 5G. Rakuten đã đề ra một số mốc quan trọng trong triển khai mạng 4G, cụ thể: Tới tháng 3/2021, mạng lưới có 3 triệu người dùng; có hơn 11.000 trạm phát sóng với vùng phủ đến 74,9% dân số. Hệ thống mạng có hiệu suất cao (sếp hạng thứ nhất về tốc độ tải lên 16,8 Mbps, theo đánh giá của OpenSignal). Mạng 5G mang lại hiệu suất ấn tượng cho người dùng, với thông lượng 1,77 Gbps, tốc độ tải xuống trung bình của người dùng 719,42 Mbps.

Tại Ấn Độ, nhà mạng Jio đã không đạt được kỳ vọng như kế hoạch đã đề ra do không được đáp ứng về nhu cầu phổ tần. Nhà mạng Jio đã không xin được giấy phép thử nghiệm 5G ở các băng tần 26,5-29,5 GHz và 24,25-27,5 GHz và 3,5 GHz. Phiên đấu giá phổ tần 4G (băng 7) – không bao gồm băng tần 3300-3600 MHz đã kết thúc vào ngày 2/3/2021. Nhà mạng Jio chỉ được cấp phép băng tần 800 MHz, 1800 MHz và 2300 MHz.

Tại Hoa Kỳ, nhà mạng DISH cam kết với chính phủ xây dựng mạng 5G trên nền tảng Open RAN sử dụng băng tần 700 MHz và 600 MHz đã được cấp phép. Tới tháng 6/2023, DISH cam kết phủ sóng 70% dân số bằng băng tần 700 MHz và phủ sóng 75% dân số bằng băng tần 600 MHz. Nếu DISH đáp ứng được tiêu chí phủ sóng tối thiểu 50% dân số của Hoa Kỳ vào tháng 6/2023, các mốc thời hạn này sẽ được kéo dài đến tháng 6/2025. Ngược lại, nếu không đáp ứng được các mốc thời hạn triển khai mạng 5G nêu trên, DISH sẽ bị thu hồi giấy phép và bị phạt rất nặng. DISH cũng có kế hoạch sử dụng phổ tần 3,5 GHz để triển khai 5G. Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu DISH phải cung cấp các dịch vụ băng thông rộng 5G chứ không phải là các dịch vụ IoT hay các dịch vụ không phải là 5G.

Bảng 1: Phổ tần số để triển khai Open RAN

Nhà mạng

Phổ tần số để triển khai Open RAN

Rakuten của Nhật Bản

Phổ tần cho 4G: 1,7 GHz (1825 – 1845 MHz), với độ rộng 2x5 MHz dự kiến được sử dụng từ cuối năm 2021.

Phổ tần cho 5G: 1,7 GHz (1860 – 1880 MHz), 3800 – 3900 MHz, 27 – 27,2 GHz

Jio của Ấn Độ

Phổ tần cho 4G: 800 MHz, 850 MHz, 1800 MHz.

Phổ tần cho 5G: Tháng 3/2021, nhà mạng Jio được phép sử dụng băng tần 800 MHz, 1800 MHz và băng tần 2300 MHz để sử dụng cho 5G. Mạng 5G sử dụng kiến trúc mạng không độc lập (Non-standalone).

DISH Networks của Hoa Kỳ

Phổ tần cho 5G: 850 MHz, 700 MHz, AWS-3 (1,7GHz và 2,1 GHz), AWS-4 (2000 – 2020/2180 – 2200 MHz), 600 MHz và 3,5 GHz.

Chính sách thúc đẩy mạng Open RAN của một số quốc gia điển hình trên thế giới

Tại Hoa Kỳ, Ủy ban FCC đã ban hành chính sách “sử dụng linh hoạt” cho phép các nhà mạng có thể lựa chọn dịch vụ và công nghệ để triển khai trong một băng tần nhất định, trong phạm vi giới hạn công suất, mức độ can nhiễu và khu vực triển khai dịch vụ. Với chính sách này, FCC không giới hạn việc sử dụng phổ tần cho 3G, 4G hoặc 5G hoặc có thể cung cấp các dịch vụ vô tuyến cố định hoặc di động. Hoa Kỳ đang đẩy mạnh triển khai “mạng di động sạch” nhằm phát triển mạng truyền thông quốc gia an toàn và bảo mật, một số quốc gia khác cũng đang thực hiện các biện pháp để bảo đảm tính đa dạng chuỗi cung ứng và an toàn bảo mật.

Nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái và khuyến khích triển khai Open RAN.

Bảng 2: Một số chính sách nổi bật

Chính sách

Triển khai thực tiễn

Hỗ trợ ngân sách quốc gia để thay thế thiết bị mạng di động có nguy cơ mất an ninh quốc gia.

Ủy ban FCC của Mỹ đã ban hành văn bản quy định việc loại bỏ và thay thế thiết bị mạng tiềm ẩn rủi ro cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Các nhà mạng sẽ  được hỗ trợ nguồn kinh phí hợp lý để thay thế các thiết bị mạng di động cũ bằng các thiết bị mới sử dụng công nghệ 4G LTE hoặc 5G.

Các chính sách nhằm thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ trong nước.

Liên minh Châu Âu EU đề ra mục tiêu sản xuất 20% sản phẩm chất bán dẫn toàn cầu vào năm 2030.

Tại Ấn Độ, Chính phủ sẽ hỗ trợ nhà mạng triển khai Open RAN và ưu tiên sử dụng thiết bị 4G/5G nội địa được sản xuất tại Ấn Độ. Khi đấu thầu mua sắm thiết bị mới, các nhà mạng phải đảm bảo sản phẩm có tính an toàn bảo mật.

Các chính sách thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng.

Nước Anh đã thực hiện chương trình đa dạng hóa công nghệ 5G với nguồn vốn đầu tư 250 triệu bảng Anh và ba yếu tố cốt lõi: Hỗ trợ các nhà mạng hiện có; thu hút các nhà mạng mới; tăng tốc phát triển và triển khai các giải pháp mở.

Ưu đãi thuế

Tháng 5/2020, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật về cải thiện tính minh bạch và công bằng của các nền tảng kỹ thuật số được định rõ (Act on Improving Transparency and Fairness of Specified Digital Platforms), trong đó quy định doanh nghiệp đầu tư trạm gốc 5G sẽ được giảm thuế khi đáp ứng các yêu cầu về ngăn ngừa rò rỉ thông tin.

Chiến lược thúc đẩy 5G của Nhật Bản (Beyond 5G Promotion Strategy) quy định các doanh nghiệp phát triển, cung cấp hoặc triển khai trạm gốc 5G phải đáp ứng tiêu chí về: An toàn bảo mật và độ tin cậy; sự ổn định của nguồn cung ứng và sử dụng công nghệ mở.

Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển Open RAN

Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật sử dụng chiến lược liên minh 2020 (Utilizing Strategic Allied Act 2020), trong đó phê duyệt 750 triệu USD để tài trợ phát triển công nghệ Open RAN. Đạo luật  ủy nhiệm quốc phòng 2021 (National Defense Authorization Act 2021), trong đó đã thành lập Quỹ đổi mới chuỗi cung ứng và đã phân bổ 50 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển Open RAN.

Đức chi 2 tỷ Euro để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và triển khai Open RAN.

Tại Anh, cơ quan quản lý viễn thông đã báo cáo Chính phủ cần tập trung nỗ lực phát triển và nghiên cứu về Open RAN theo các khía cạnh chính sau:

- Phát triển và thiết kế sản phẩm tập trung vào kiến trúc mạng, hệ điều hành và ứng dụng quản lý.

- Hỗ trợ hệ sinh thái tích hợp các hệ thống hiện có của Anh.

- Hỗ trợ việc thử nghiệm Open RAN tại khu vực thành thị và nông thôn.

- Thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp giải pháp Open RAN để xây dựng hạ tầng tại Anh.

Chính sách hỗ trợ môi trường phát triển phần mềm (test-bed)

Dự án NeutrORAN giữa chính phủ Anh và Tập đoàn NEC sẽ phát triển và kiểm thử giải pháp máy chủ trung lập (neutral host) sử dụng hệ sinh thái Open RAN.

Tại Anh, Trung tâm Tương thích mạng SmartRAN Open (SmartRAN Open Network Interoperability Centre - SONIC)  đã được thành lập nhằm tạo nền tảng cho nhà mạng hiện tại và nhà mạng mới có thể kiểm tra khả năng tương thích và tính tương tác của các giải pháp phần mềm mạng mở nói chung và Open RAN nói riêng.

Tham gia vào phát triển các tiêu chuẩn quốc tế

Tại Mỹ, trong bản Chiến lược quốc gia về Thực hiện an toàn bảo mật 5G ngày 06 tháng 01 năm 2021 (National Strategy to Secure 5G Implementation Plan January 6, 2021) đã đề ra những chiến lược quan trọng, trong đó bao gồm nhiệm vụ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phát triển, xây dựng 5G trên toàn cầu.

Tìm kiếm các đối tác

Ủy ban FCC của Mỹ đã ban hành Thông báo để tìm kiếm những khuyến nghị liên quan tới việc phát triển tiêu chuẩn, hệ sinh thái Open RAN, cũng như các chính sách liên quan.

 

Tháng 5/2020, Hiệp hội Chính sách Open-RAN (Open-RAN Policy Coalition)(2) được thành lập. Tới nay, Hiệp hội Open-RAN đã có 56 công ty công nghệ toàn cầu tham gia nhằm đẩy nhanh việc triển khai tiêu chuẩn mở trong truy cập vô tuyến Open-RAN, thúc đẩy hệ sinh thái mạng đa dạng, cạnh tranh và an toàn bảo mật. Nhóm các công ty toàn cầu này bao gồm Google, Samsung, Cisco, Vodafone, AT&T, IBM, Microsoft, Verizon, Rakuten Mobile, Telefonica,...

Hiệp Hội Chính sách Open RAN cũng đã xây dựng lộ trình chính sách Open RAN nhằm khuyến nghị, hướng dẫn Chính phủ các nước một số vấn đề liên quan tới ưu đãi tài chính (tài trợ nghiên cứu và phát triển, ưu đãi thuế), các vấn đề về công nghệ và hợp tác phát triển.

 Tài liệu tham khảo:

[1]: Open RAN implications for spectrum strategies and government policies – https://www.policytracker.com/spectrum-dashboard/open-ran-implications-for-spectrum-strategies-and-government-policies

[2]: https://www.openranpolicy.org/open-ran-a-year-in-review.

Duy Hiếu (Tổng hợp)