Các băng tần chuẩn bị đấu giá cho triển khai 4G/5G tại Việt Nam

28/08/2023

(rfd.gov.vn)- Ngày 18/08/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 1568/QĐ-BTTTT về việc tổ chức xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 700 MHz (703-733 MHz và 758-788 MHz), 2600 MHz (2500-2600 MHz), 3700 MHz (3560-4000 MHz). Đây là bước đầu tiên kích hoạt quá trình triển khai đấu giá để cấp quyền sử dụng tần số các băng tần này cho 4G/5G tại Việt Nam.

Tại Quyết định 1568/QĐ-BTTTT nêu trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Tần số vô tuyến điện lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá (tổ chức thẩm định giá) xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 703-733 MHz và 758-788 MHz, 2500-2600 MHz, 3560-4000 MHz; trên cơ sở kết quả do tổ chức thẩm định giá xác định, giao Cục Tần số vô tuyến điện trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định mức thu cơ sở đối với các băng tần này. Việc xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 63/2023/NĐ-CP ngày 18/08/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15.

Một số thông tin về các băng tần chuẩn bị đấu giá cho triển khai 4G/5G tại Việt Nam như sau:

1. Băng tần 700 MHz

1.1. Tình hình quy hoạch, sử dụng băng tần 700 MHz tại Việt Nam

Tại Việt Nam, băng tần 700 MHz trước đây chủ yếu được sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất. Tuy vậy, hệ thống này đã được thay thế bởi truyền hình số mặt đất theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (ban hành tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Từ 0h ngày 28/12/2020, Việt Nam đã chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trên cả nước và băng tần 700 MHz đã được giải phóng để sẵn sàng cho triển khai hệ thống thông tin di động IMT.

Ngày 25/12/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BTTTT, quy hoạch băng tần 694-806 MHz cho hệ thống thông tin di động của Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/02/2020. Theo đó, băng tần 694-806 MHz được quy hoạch cho triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo. Băng tần 700 MHz được quy hoạch 3 khối song công phân chia theo tần số, mỗi khối có độ rộng 10 MHz.

Hình 1: Phương án quy hoạch băng tần 694-806 MHz

Trong đó, đoạn băng tần 703-733 MHz được dành làm băng tần đường lên, gồm 03 khối: B1, Bvà B3; đoạn băng tần 758-788 MHz được dành làm băng tần đường xuống, gồm 03 khối: B1’, B2’ và B3’.

Doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 01 khối trong tổng số 03 khối song công phân chia theo tần số (FDD) là B1-B1’, B2-B2’, B3-B3’ và được sử dụng theo quy định trong giấy phép sử dụng băng tần.

Đoạn băng tần 694-703 MHz được dành làm băng tần bảo vệ.

Đối với đoạn băng tần 733-758 MHz và 788-806 MHz, Thông tư 19/2019/TT-BTTTT quy định: Các hệ thống vô tuyến chuyên dùng hiện đang tạm thời hoạt động trong các đoạn băng tần này phải có kế hoạch chuyển đổi tần số để giải phóng băng tần, không được triển khai mới hệ thống vô tuyến chuyên dùng trong các đoạn băng tần này.

Riêng đoạn băng tần 786-788 MHz, khi sử dụng tại một số khu vực, doanh nghiệp phải bảo đảm mức cường độ điện trường không vượt quá 42 dBµV/m/3MHz đo ở độ cao 10 mét từ mặt đất, nhằm không gây nhiễu có hại cho hệ thống vô tuyến chuyên dùng hiện đang tạm thời hoạt động trong đoạn băng tần này; trong trường hợp nhiễu có hại xảy ra, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để xử lý hết nhiễu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện).

Về điều khoản thực hiện quy hoạch, Thông tư 19/2019/TT-BTTTT quy định: Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng mới và triển khai thêm các thiết bị vô tuyến điện không phải là IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo trong băng tần 700 MHz; các doanh nghiệp triển khai hệ thống thông tin di động IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo trong băng tần 700 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và áp dụng các biện pháp phòng tránh nhiễu có hại.

Việc ban hành Quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội: Doanh nghiệp có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để tiến hành đấu giá và cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz;  mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân khi dịch vụ thông tin di động 4G/5G được phát triển, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi.

1.2. Tình hình sử dụng băng tần 700 MHz trên thế giới

Trên thế giới, có 02 phương án quy hoạch và sử dụng băng tần 700 MHz, phổ biến nhất là quy hoạch US 700 MHz và quy hoạch APT 700 MHz (Quy hoạch của Việt Nam đang áp dụng là quy hoạch APT 700 MHz).

Theo báo cáo của GSA tháng 6/2022, có 205 nhà mạng đã đầu tư xây dựng mạng LTE trong băng tần 700 MHz, trong đó có 165 nhà mạng đầu tư theo quy hoạch APT 700 MHz (band 28) với 153 nhà mạng đã được cấp phép băng tần và 74 nhà mạng trong số đó đã triển khai 4G LTE hoặc 5G thương mại. Số nhà mạng triển khai theo phương án quy hoạch US 700 MHz ít hơn, với 98 nhà mạng.

 

Hình 2: Các quốc gia lựa chọn phương án quy hoạch US 700 MHz và APT 700 MHz (theo báo cáo của GSA tháng 6/2022)

2. Băng tần 2600 MHz

2.1. Tình hình quy hoạch, sử dụng băng tần 2600 MHz tại Việt Nam

Ngày 20/08/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BTTTT, quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06/10/2020. Theo đó, băng tần 2500-2690 MHz được quy hoạch cho triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo. Băng tần 2600 MHz được quy hoạch 02 khối song công phân chia theo thời gian (TDD) bao gồm: khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) và khối băng tần B2 (2600-2690 MHz).

 

Hình 3: Phương án quy hoạch băng tần 2500-2690 MHz

Các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số trong cùng băng tần 2500-2690 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để tránh can nhiễu có hại, đồng bộ về khung dữ liệu của phương thức TDD và thực hiện theo các quy định của giấy phép sử dụng băng tần.

Hiện nay, băng tần 2500-2600 MHz đã sẵn sàng để cấp phép chính thức cho các nhà mạng triển khai 4G/5G trên toàn quốc.

2.2. Tình hình sử dụng băng tần 2600 MHz trên thế giới

Băng tần 2600 MHz được ITU (tại Khuyến nghị M.1036) và 3GPP (tại Phiên bản 15) quy hoạch với 2 phương án phổ biến là quy hoạch FDD (band 7 + band 38) và quy hoạch TDD (band 41)

Băng tần 2,6 GHz phương án FDD:

Băng tần 2,6 GHz phương án TDD:

Trên thế giới, hầu hết các nước đã cấp phép băng tần 2600 MHz theo quy hoạch FDD từ khá lâu (từ năm 2009). Quy hoạch TDD từ năm 2018 đến nay được một số nước quan tâm, áp dụng nhiều hơn do linh hoạt trong việc triển khai mạng theo tiêu chuẩn LTE và nâng cấp lên các phiên bản công nghệ tiếp theo khi có nhu cầu. Với quy hoạch TDD, các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan đã cấp phép; Bahrain, Jordan, Myanmar chuyển quy hoạch từ FDD sang TDD giai đoạn cuối 2018 và 2019; Indonesia đang xem xét theo quy hoạch theo TDD sau khi giải phóng được hệ thống vệ tinh ở băng này.

Theo báo cáo của GSA, băng tần 2500-2690 MHz đã được ấn định cho các nhà khai thác di động ở ít nhất 108 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đối với băng tần 2600 MHz FDD (n7) có tổng cộng 240 nhà khai thác tại 94 quốc gia/vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư vào 4G LTE, trong đó 237 nhà khai thác đã nắm giữ giấy phép, đã triển khai hoặc đang lập kế hoạch để triển khai mạng; 02 nhà khai thác đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm và 01 nhà khai thác đã triển khai mạng 5G. Băng tần 2600 MHz TDD hiện cũng đã được 108 nhà khai thác đầu tư vào việc triển khai 4G LTE, trong đó có 81 nhà khai thác đầu tư vào băng n38 (2570 MHz – 2620 MHz), 20 nhà khai thác đầu tư vào băng n41 (2496 MHz – 2690 MHz). Bên cạnh đó, băng tần 2600 MHz TDD cũng đang được các nhà khai thác di động quan tâm để đầu tư vào việc triển khai mạng 5G. Theo báo cáo của GSA, hiện có 17 nhà khai thác đã được xác định là đầu tư vào 5G trong băng tần này, trong đó 16 nhà khai thác sử dụng phổ tần số trong băng n41 và 01 nhà khai thác sử dụng băng n38.

3. Băng tần 3700 MHz

3.1. Hiện trạng quy hoạch, sử dụng tại Việt Nam

a. Hiện trạng quy hoạch

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia đã quy hoạch băng tần 3400-4200 MHz cho các nghiệp vụ Di động, Cố định, Cố định qua vệ tinh (đường xuống từ vệ tinh) và Vô tuyến định vị (radar), trong đó băng tần 3560-4000 MHz được xác định cho hệ thống IMT.

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia cũng quy định các hệ thống thuộc nghiệp vụ cố định qua vệ tinh nằm trong băng tần 3400-3560 MHz đường xuống (chiều từ vũ trụ tới trái đất) cần có các bộ lọc thu đạt tiêu chuẩn về lọc các tín hiệu ngoài băng.

Hiện nay, quy hoạch băng tần 3560-4000 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi và hoàn thiện. Dự kiến phương án quy hoạch băng tần này cụ thể như sau:

Hình 4: Dự kiến phương án quy hoạch băng tần 3560-4000 MHz

- Băng tần 3600-3980 MHz được phân chia thành 04 khối theo phương thức truyền dẫn song công phân chia theo thời gian TDD như sau:

+ Khối C1 có độ rộng 100 MHz, từ tần số 3600 MHz đến 3700 MHz;

+ Khối C2 có độ rộng 100 MHz, từ tần số 3700 MHz đến 3800 MHz;

+ Khối C3 có độ rộng 100 MHz, từ tần số 3800 MHz đến 3900 MHz;

+ Khối C4 có độ rộng 80 MHz, từ tần số 3900 MHz đến 3980 MHz.

- Các băng tần 3560-3600 MHz và 3980-4000 MHz được dành làm băng tần bảo vệ.

- Các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số trong băng tần 3600-3980 MHz có trách nhiệm đồng bộ về khung dữ liệu của phương thức TDD và phối hợp với nhau để tránh can nhiễu có hại.

b. Hiện trạng sử dụng

Băng tần 3400-3700 MHz đang được sử dụng làm băng tần đường xuống cho hệ thống vệ tinh Vinasat-1. Theo số liệu thống kê, hiện có 820 đài trái đất hoạt động trong băng tần 3400-4200 MHz. Theo đơn vị quản lý khai thác vệ tinh Vinasat-1, có khả năng dồn dịch được các tần số sử dụng của đài trái đất để dành ra đoạn băng tần 3560-3700 MHz cho triển khai 5G trừ tần số đang sử dụng cho các đài điều khiển vệ tinh Vinasat đặt tại huyện Hoài Đức - TP. Hà Nội và huyện Bến Cát - tỉnh Bình Dương (hoạt động trong đoạn băng tần 3694-3700 MHz). Bên cạnh đó còn có Đài Thông tin Vệ tinh Mặt đất Inmarsat Hải Phòng (HPLES) đặt tại TP. Hải Phòng hoạt động trong đoạn băng tần 3600-3620 MHz thuộc hệ thống an toàn cứu nạn toàn cầu, hiện nhà khai thác vệ tinh chưa có kế hoạch thay đổi tần số.

Hiện trạng sử dụng băng tần 3400-4200 MHz (số liệu tới 26/6/2023)

Mạng đài

Băng tần 3400-3560 MHz

Băng tần 3560-4000 MHz

Băng tần 4000-4200 MHz

Đài VSAT

356

6

58

Đài TVRO chỉ thu

(không có giấy phép tần số)

318

62

24

Tổng

674

68

82

Ngoài các đài trái đất, hiện còn có một số đài chuyên dùng hoạt động trong băng tần 3400-4200 MHz.

Các quốc gia trên thế giới, tùy thuộc vào hiện trạng sử dụng tần số của mình thường chỉ quy hoạch được một phần trong băng tần 3400-4200 MHz cho 5G. Băng tần này có hệ sinh thái thiết bị 5G lớn nhất nên sẽ có vai trò quyết định để Việt Nam có thể sớm triển khai thành công mạng 5G. Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia, để hạn chế can nhiễu thì hệ thống di động 5G và vệ tinh, radar sẽ không sử dụng chung băng tần. Do đó, Việt Nam cần sắp xếp lại tần số của Vinasat-1 và radar, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh can nhiễu có hại.

3.2. Tình hình sử dụng trên thế giới

Băng tần 3,5 GHz được ITU (tại Khuyến nghị M.1036 phiên bản 2019) và 3GPP (tại Release 17) quy hoạch cho triển khai IMT theo phương thức TDD, 3GPP gọi là n78 cho đoạn 3400-3800 MHz và n77 cho đoạn 3400-4200 MHz với 5G, chi tiết như hình dưới đây:

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị di động (GSA), tính đến tháng 03/2023, trên thế giới có 81 nước đã cấp phép và 43 nước đang nghiên cứu, xem xét sử dụng băng tần 3400-4200 MHz với khoảng 270 mạng 5G được triển khai. Trong 61 nước có thông tin cụ thể về quy hoạch/cấp phép ở băng tần 3400-4200 MHz:

- Băng tần 3400-3600 MHz có 55 nước.

- Băng tần 3600-3700 MHz có 50 nước.

- Băng tần 3700-3800 MHz có 48 nước.

- Băng tần trên 3800 MHz có Hoa Kỳ và Nhật Bản đã triển khai; Canada đã ban hành quy hoạch băng tần 3650-3980 MHz cho 5G và dự kiến tháng 7/2023 sẽ đấu giá; Hàn Quốc dự kiến công bố quy hoạch băng tần 3700-4000 MHz cho 5G giữa năm 2023; Australia đã công bố băng tần 3700-4000 MHz cho 5G sẵn sàng để cấp phép từ sau Quý 2/2023; Ả-rập Saudi đã công bố dành băng tần 3800-3980 MHz cho 5G và đang tham vấn về đấu giá; 06 nước khác gồm Bỉ, Croatia, Lithuania, Anh, Bahrain, Kuwait đang xem xét.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị di động thế giới (GSA) về hệ sinh thái thiết bị 5G, băng tần 3,5 GHz (n77/n78) là băng tần 5G có hệ sinh thái lớn nhất.

Tính đến tháng 01/2023 đã có khoảng gần 1000 mẫu thiết bị đầu cuối được công bố hỗ trợ băng tần 3,5 GHz trong tổng số hơn 1400 mẫu thiết bị đầu cuối 5G. Theo dữ liệu của GSMArena tháng 3/2023, trong tổng số 846 mẫu điện thoại 5G trên thị trường, có 736 (~87%) mẫu hỗ trợ n78, 707 (~83%) mẫu hỗ trợ n41 (băng 2,6 GHz) và 599 (~71%) mẫu hỗ trợ n77.

Từ những thông tin đưa ra có thế thấy, với việc kích hoạt quá trình đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các băng tần 700 MHz, 2600 MHz, 3700 MHz, kỳ vọng sẽ có thêm hơn 500 MHz băng thông (cả ở băng tần low-band và các băng tần mid-band) được bổ sung cho hệ thống thông tin di động IMT để triển khai 4G/5G tại Việt Nam. Lượng tần số mới được bổ sung sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ “đảm bảo tần số cho di động băng thông siêu rộng và phổ cập”, góp phần hoàn thành sứ mệnh của ngành viễn thông trong giai đoạn mới sắp tới về Xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn”.

Để có thêm thông tin tham khảo về kết quả đấu giá băng tần 703-733 MHz và 758-788 MHz, 2500-2600 MHz, 3560-4000 MHz tại một số quốc gia trên thế giới, mời truy cập đường dẫn: https://rfd.gov.vn/quy-hoach/pages/quy-hoach-bang-tan.aspx?ItemID=3134

Hồ Quang Sơn