Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến điện cầm tay

22/05/2013

(rfd.gov.vn)- Hiện nay, các hãng sản xuất thiết bị định hướng nguồn phát xạ vô tuyến điện trên thế giới đang tập chung phát triển hệ thống định hướng nguồn phát xạ vô tuyến điện cầm tay để phục vụ công tác kiểm soát (tiếp cận mục tiêu) tại khu vực mà các trạm kiểm soát (cố định,lưu động) không xác định được chính xác vị trí nguồn phát xạ vô tuyến điện, giao thông không cho phép trạm kiểm soát lưu động tiếp cận nguồn phát xạ vô tuyến điện (các thành phố có mật độ xây dựng cao).

1. Giới thiệu

Do yêu cầu cơ động nên hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến cầm tay được thiết kế tối giản khối lượng và kích thuớc các thiết bị, điều này sẽ hạn chế khả năng ứng dụng các kỹ thuật định hướng của hệ thống. Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến cầm tay hiện nay gồm 02 loại cơ bản là hệ thống sử dụng ăng ten có tính hướng cao (như ăng ten yagi/log- periodic) và hệ thống sử dụng ăng ten định hướng.

2.  Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến cầm tay sử dụng ăng ten có tính hướng cao. Hệ thống gồm các thiết bị cơ bản như: thiết bị máy thu/ phân tích phổ, ăng ten có hướng (như ăng ten yagi/log- periodic), nguồn điện (ắc quy hoặc pin), thiết bị định vị (GPS), la bàn điện tử.

Hệ thống thuờng sử dụng phương pháp định hướng nguồn phát xạ vô tuyến theo mức cực đại. Ưu điểm của hệ thống này là giá rẻ; có thể sử dụng nhiều loại máy thu, ăng ten (yêu cầu dải tần thu đo phù hợp với tần số nguồn phát xạ vô tuyến cần định hướng); kích thước và khối lượng của các thiết bị thường gọn nhẹ. Nhược điểm của hệ thống này là phạm vi định hướng hẹp (thường 100 – 300m); yêu cầu nguồn phát xạ có mức đủ lớn, thời gian phát khá liên tục; các thao tác thủ công nên mất nhiều thời gian để xác định nguồn phát xạ. Để thực hiện xác định hướng nguồn phát xạ vô tuyến, người dùng thực hiện các thao tác cơ bản theo thứ tự các bước như sau:

B1: Đặt tần số của nguồn phát xạ vô tuyến cần xác định vị trí.

B2: Người kiểm soát thực hiện quay 360o để xác định hướng thu được mức tín hiệu lớn nhất. Việc xác định hướng được thực hiện thủ công bằng cách theo dõi mức tín hiệu trên máy thu hoặc chỉ hướng của phần mềm hỗ trợ kèm theo thiết bị.

B3: Người kiểm soát thực hiện di chuyển theo hướng thu được mức tín hiệu lớn nhất, cứ sau khoảng 20 – 50 mét di chuyển (tuỳ thuộc vào địa hình và vật che chắn) người kiểm soát thực hiện lại các thao tác như Bước 3 để xác định xem hướng đang di chuyển tới nguồn phát xạ là hướng thu được mức tín hiệu lớn nhất hay hướng khác. Nếu hướng đang di chuyển không phải là hướng có mức tín hiệu lớn nhất thì đó có thể là hướng phản xạ của tín hiệu, người kiểm soát thực hiện di chuyển sang hướng có mức tín hiệu lớn nhất. Các thao tác này được thực hiện liên tục cho đến khi xác định được chính xác nguồn phát xạ cần tìm kiếm.

 Hình 1:  Định hướng nguồn phát xạ vô tuyến sử dụng ăng ten có hướng

3.  Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến cầm tay sử dụng ăng ten định hướng.

Do yêu cầu thiết bị ăng ten định hướng của Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến cầm tay phải gọn nhẹ nên thiết bị ăng ten định hướng cầm tay hiện nay thường sử dụng phương pháp Watson-Watt cho dải tần thấp và phương pháp giao thoa tương quan cho dải tần cao.

 Hệ thống định hướng này đã khắc phục được hoàn toàn các nhược điểm của hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến cầm tay sử dụng ăng ten có tính hướng. Cụ thể là phạm vi định hướng lớn hơn (> 1km, phụ thuộc vào độ cao của ăng ten định hướng); độ nhạy cao nên có khả năng định hướng nguồn phát xạ có mức phát thấp; thời gian xử lý nhanh nên định hướng được phát xạ xuất hiện trong thời gian ngắn; kết quả định hướng được tính toán tự động, độ chính xác cao và phần mềm ứng dụng hỗ trợ tốt cho việc xác định nguồn phát xạ nên rút ngắn thời gian tìm kiếm nguồn phát xạ. Hệ thống định hướng này cũng có thể lắp đặt lên các phương tiện cơ giới (như ô tô) để trở thành trạm kiểm soát tần số lưu động.

Hình 2:  Định hướng nguồn phát xạ vô tuyến sử dụng ăng ten định hướng

4. Khả năng cơ bản của hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến cầm tay sử dụng ăng ten định hướng hiện nay.

Thông số kỹ thuật thiết bị:

oDải tần số định hướng: 20 MHz  ÷ 6 GHz

oDải tần thu đo: 9 kHz ÷ 7.5GHz

oBăng thông IF: 10 MHz

oBăng thông giải điều chế 150 Hz ÷ 500 kHz

oTích hợp GPS và la bàn điện tử

oThời gian định hướng liên tục lớn hơn 2 giờ khi dùng pin.

oTổng khối lượng hệ thống từ 3.5 ÷ 6 kg.

- Phần mềm ứng dụng: Phần mềm ứng dụng hỗ trợ bản đồ số và các chỉ dẫn về hướng di chuyển để tiếp cận nguồn phát xạ vô tuyến điện.

5. Kết luận.

Cục Tần số vô tuyến điện là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước và là đơn vị có năng lực kỹ thuật hàng đầu về kiểm soát tần số vô tuyến điện trên phạm vi cả nước. Với hệ thống trạm kiểm soát cố định, trạm kiểm soát lưu động (xe kiểm soát) và hệ thống kiểm soát cầm tay đã được trang bị hiện nay, Cục hoàn toàn có khả năng xác định và xử lý tất các các nguồn phát xạ trái phép trên phạm vi cả nước.

Tài liệu tham khảo:

http://cdn.rohde-schwarz.com/dl_downloads/dl_common_library/dl_brochures_and_

datasheets/pdf_1/DDF007_bro_en.pdf

http://www.gewspecmon.co.za/Products/Sky-i7000.html

http://www.taiyomusen.co.jp/eng/products/direction_finder/#inside_shortwave

Lữ Văn Thắng – Đoàn TNC