Dự án IRNSS được chính phủ Ấn Độ thông qua từ năm 2006 với mục tiêu triển khai hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường cho khu vực Ấn Độ và một số nước lân cận. Hệ thống IRNSS bao gồm 7 vệ tinh. Trong đó, 3 vệ tinh là các vệ tinh địa tĩnh tại các vị trí 34E, 83E và 131.5E. Bốn vệ tinh là các vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ với trái đất (cùng độ cao với vệ tinh địa tĩnh) và cắt mặt phẳng xích đạo tại các điểm 55E và 111.5E. Dự kiến tất cả 7 vệ tinh của Ấn Độ sẽ được phóng lên quỹ đạo trước năm 2015.
Vệ tinh IRNSS-1A là vệ tinh phi địa tĩnh hoạt động tại quỹ đạo đồng bộ trái đất có độ cao tương đương với vệ tinh địa tĩnh và cắt mặt phẳng xích đạo tại vị trí 55E với góc nghiêng là 29o. Hệ thống
IRNSS sẽ sử dụng các tần số định vị dẫn đường tại tần số L5 (1164.45 – 1188.45 MHz) và tại băng tần S (2483.5 - 2500.0 MHz), sử dụng các điều chế BPSK và BOC(5,2), tín hiệu của các vệ tinh được phân biệt nhờ sử dụng công nghệ CDMA. Hệ thống IRNSS sẽ cung cấp dịch vụ cho Ấn Độ và các nước lân cận.
Hiện nay trên thế giới có các hệ thống định vị cấp toàn cầu như GPS, Glonass, Galileo, Compass và một số hệ thống định vị cấp khu vực như Beidou-1 của Trung Quốc, QZSS của Nhật Bản. Trước đó, Ấn Độ đã triển khai hệ thống vệ tinh Gagan hoạt động dựa trên hệ thống GPS để tăng cường khả năng định vị dẫn đường phục vụ cho ngành hàng không. Ấn Độ được biết đến là quốc gia có ngành khoa học và công nghệ vũ trụ rất phát triển.