1. Hội nghị APG
Hội nghị thông tin vô tuyến khu vực Châu Á Thái Bình Dương thực chất là Hội nghị trù bị Thông tin vô tuyến (APG) của khu vực Châu Á Thái Bình dương chuẩn bị cho Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC). Đây là một trọng những hội nghị có những hoạt động quan trọng nhất của APT. APG được bắt đầu vào năm 1996 với mục tiêu là hài hòa quan điểm, phát triển và xây dựng đề xuất chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho Hội nghị WRC. APG là một mẫu mực minh chứng cho sự thành công trong việc thể hiện vai trò và quan điểm của khu vực tại các kỳ hội nghị WRC. Kết quả là hội nghị APG đã trở thành một sự kiện lớn của lĩnh vực thông tin vô tuyến khu vực với sự tham gia cao nhất của các thành viên trong khu vực. APG đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp APT thật sự nổi bật giữa các tổ chức khu vực và quốc tế khác.
2. Hội nghị APG15-2
Hội nghị APG15-2 được tổ chức tại Thái Lan đã thảo luận các đề xuất của các nước đối với các chương trình nghị sự của WRC-15 với 06 nhóm làm việc (Working Party). Mỗi nhóm làm việc lại được chia thành nhiều nhóm soạn thảo.
APG có nhiệm vụ phát triển các quan điểm chung của khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APT) và các quan điểm của APT đối với các chương trình nghị sự của Hội nghị vô tuyến thế giới WRC-15.
Hội nghị APG15-2 có nhiệm vụ:
- Xem xét các nghiên cứu của các Nhóm nghiên cứu (ITU-R);
- Phát triển các quan điểm chung sơ bộ của APT đối với các chương trình nghị sự của Hội nghị vô tuyến thế giới WRC-15;
- Hoàn thiện biện pháp, cách thức làm việc của APG;
- Xem xét các tài liệu của hội nghị RAG-13 và thực hiện các công việc liên quan tới việc chuẩn bị cho hội nghị RA-15;
- Phát triển các quan điểm của APT đối với RA-15 dựa trên các đề xuất của các nước;
- Bổ nhiệm các phát ngôn viên đại diện cho khu vực (APT) tại hội nghị WRC-15 đối với từng chương trình nghị sự.
3. Chủ tịch nhóm soạn thảo
Nhằm tăng cường vai trò, vị trí và đóng góp của Việt Nam tại khu vực, Cục Tần số đã ứng cử làm chủ tịch các nhóm soạn thảo của hội nghị APG chuẩn bị cho hội nghị vô tuyến quốc tế WRC-15 với thời gian đảm nhiệm các vị trí này từ hội nghị APG15-2 cho tới hội nghị vô tuyến thế giới WRC-15 (2015). Hội nghị APG15-2 đã chính thức phê chuẩn các vị trí Chủ tịch nhóm soạn thảo của Việt Nam tại các phiên họp đầu tiên của các Nhóm làm việc:
- Ông Phùng Nguyên Phương - Chủ tịch nhóm soạn thảo thuộc chương trình nghị 7 (nhóm 7B- phụ lục AP30B).
- Ông Bùi Hà Long: Chủ tịch nhóm soạn thảo thuộc chương trình nghị sự 1.15 (nghiệp vụ di động hàng hải).
- Ông Đinh Chí Hiếu: Chủ tịch nhóm soạn thảo (drafting group) thuộc chương trình nghị sự 1.4.
- Ông Nguyễn Huy Cương: Chủ tịch nhóm soạn thảo thuộc chương trình nghị sự 1.7 (nghiệp vụ vệ tinh)
Với 04 chủ tịch nhóm soạn thảo được phê chuẩn trong tổng số hơn 20 nhóm soạn thảo của hội nghị cho thấy sự Hội nghị đã ghi nhận sự vai trò, và sự đóng góp của Việt Nam trong thời gian qua tại diễn đàn lớn nhất của khu vực về thông tin vô tuyến. Việt Nam đã dẫn đầu các nước ASEAN trong lĩnh vực này không chỉ về đóng góp trực tiếp tại hội nghị, các đề xuất hài hoà quan điểm chung của khu vực mà còn còn tham gia điều hành, thảo luận, soạn thảo trực tiếp văn bản của hội nghị.
Hội nghị APG15-2 đã đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của Cục Tần số vô tuyến điện với 04 chủ tịch nhóm soạn thảo của Hội nghị. Chủ tịch các nhóm soạn thảo sẽ đảm nhận vai trò này tại các hội nghị của APG từ nay cho tới hội nghị WRC-15 (2015). Vai trò Chủ tịch các nhóm soạn thảo có ý nghĩa rất lớn vì các văn bản, các đề xuất chung của khu vực được bàn bạc, trao đổi, thống nhất rất chi tiết và chủ yếu tại các nhóm soạn thảo. Ở đó sẽ có các cuộc tranh cãi nẩy lửa giữa các nước từ các quan điểm khác nhau, các câu từ tiếng Anh sử dụng trong văn bản khác nhau. Vai trò của Chủ tịch các nhóm soạn thảo khó nhất là ở việc điều hành làm sao thống nhất, hài hoà được lợi ích giữa các nước, làm sao giải toả được các “cái đầu nóng” khi cuộc tranh cãi lên tới đỉnh điểm, là làm sao tìm được từ ngữ tiếng Anh chuẩn mực, dung hoà được lợi ích của các bên. Do đó yêu cầu đối với Chủ tịch các nhóm soạn thảo không chỉ ở khả năng nghe, nói, viết tiếng Anh thông thạo (với các giọng tiếng Anh khác nhau từ Ấn Độ, Úc, Singapore, Trung quốc…) mà còn phải thông thạo Thệ vô tuyến điện quốc tế, phải nắm được mọi ngóc ngách, điều khoản, sự kiện, diễn biễn đối với chương trình nghị sự mà mình đang điều hành không chỉ ở tầm khu vực Châu Á mà còn ở các khu vực khác, rộng hơn trên pham vị toàn thế giới. Qua đó mới có đủ sở cứ, bình luận, giải thích, soạn thảo và sửa văn bản trực tiếp tại hội nghị mỗi khi có các đề nghị sửa đổi từ đại biểu các nước.
4. Nôi dung hội nghị và các đề xuất của Việt Nam lên hội nghị APG-2
Tại hội nghị lần này, Cục Tần số có 12 đề xuất (contribution) tới hội nghị, cụ thể:
1)Agenda item 1.1– Tìm kiếm thêm băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất
Lưu lượng dữ liệu của thông tin đi động băng rộng trên toàn cầu sẽ tăng cao rất nhiều trong tương lai. Điều đó dẫn tới việc cần một lượng phổ tần lớn để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Lượng phổ tần hiện tại đã được phân chia cho IMT là không đủ đáp ứng, vì vậy cần phải tìm kiếm thêm các băng tần mới. Có rất nhiều băng tần đã được đề xuất để WRC-15 xem xét.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Nhóm nghiên cứu 4 đã nhấn mạnh vấn đề hôm nay giống hệt giai đoạn mà các nghiên cứu đã được thực hiện cho việc dùng chung trong đoạn băng tần 3400-4200MHz và 4500-4800MHz. Do đó Việt Nam có quan điểm là không cần nghiên cứu thêm đối với các đoạn băng tần này (mục đích là bảo vệ băng tần C của VINASAT)
Do đặc điểm của thị trường trong nước, Việt Nam ủng hộ tiến hành các nghiên cứu đối với các băng tần có vùng phủ sóng tốt sau:
- 1452-1492 MHz;
- 2 090-2 110 MHz và
- 2 200-2 215 MHz.
2) Agenda item 1.4 Phân chia băng tần cho nghiệp vụ Nghiệp dư
Nghiệp vụ vô tuyến nghiệp dư rất hữu ích trong các hoạt động hỗ trợ công tác cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong các tình huống khi mà hệ thống thông tin mặt đất, điện, giao thông bị phá hủy.
Hiện tại chưa có phân chia nào cho nghiệp vụ nghiệp dư trong băng tần 5 MHz. Để đảm bảo khả năng thông tin liên lạc ổn định, và truyền tin tới được nhiều khoảng các khác nhau, cần thiết phải có phân chia mới cho nghiệp vụ nghiệp dư trong băng tần 5 MHz, tốt nhất là 5 250-5 450 kHz.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Ở Việt Nam, băng tần 5 250-5 450 kHz đang được cấp phép rất nhiều cho các hệ thống thông tin trên các tàu cá, mang lại lợi ích cao và thiết thực.
Băng tần 5 250 – 5 275 MHz đã được phân chia cho nghiệp vụ Vô tuyến xác định trên toàn cầu. Ở Việt Nam băng tần 5 250 – 5 275 MHz được sử dụng để triển khai các Ra-đa hải dương học trên toàn quốc.
Vì vậy quan điểm của Việt Nam là các băng tần đã cấp phép để phục vụ thông tin cho tàu cá, và Ra-đa hải dương học cần được bảo vệ khỏi bất cứ can nhiễu có hại nào.
3)Agenda item 1.5– Máy bay không người lái
Theo WRC-12 và CPM15-1, nhóm nghiên cứu 5B của ITU-R phải nghiên cứu để đưa ra những đề xuất khả thi về kỹ thuật và thể lệ cho phép khai thác ứng dụng CNPC đối với UAS trong các băng tần FSS đảm bảo tiêu chí an toàn. Đồng thời ICAO sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng. Nhu cầu sử dụng UAS là hiện hữu và cần có các quy định để quản lý nhằm đảm bảo vận hành an toàn.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
- Hoạt động của các nghiệp vụ an toàn hàng không khác phải được đảm bảo.
- Không gây cản trở cho các nghiệp vụ đang tồn tại
- Xác định rõ ràng nhu cầu phổ tần cho UAS.
4)Agenda item 1.6 Tìm kiếm băng tần cho nghiệp vụ FSS trong dải tần 10-17GHz
Hiện nay băng tần Ku được sử dụng cho nghiệp vụ vệ tinh rất nhiều. Trong khi đó có sự bất đối xứng trong phân bổ băng tần đường lên/đường xuống băng tần Ku hiện nay. Đường xuống được phân bổ 1050MHz trong khi đó đường lên chỉ được phân bổ có 750MHz như vậy đường lên thiếu 300MHz. Do đó chương trình nghị sự 1.6 của WRC-15 sẽ xem xét nghiên cứu tìm kiếm thêm 300MHz trong dải tần từ 13-17MHz (khu vực 3) để phân bổ bổ sung cho nghiệp vụ FSS.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Trong số các băng tần (ứng cử) để nghiên cứu khả năng dùng chung với các nghiệp vụ khác để phân bổ cho nghiệp vụ FSS, Việt Nam đã triển khai một số lượng lớn viba trong đoạn băng tần 14.5-15.35GHz.
Do đó để bảo vệ Viba, Việt Nam đề xuất ủng hộ nghiên cứu dùng chung trong đoạn băng tần 15.7-16.6 GHz (đoạn băng tần này hiện tại mới chỉ được phân bổ nghiệp vụ định vị vô tuyến).
5)Agenda item 1.8 xem xét lại các qui định liên quan đến các trạm mặt đất đặt trên tàu biển
Hiện nay công nghệ đối với các trạm mặt đất đặt trên tàu biển đã thay đổi do đó các qui định hiện hành cần phải được xem xét lại để đưa ra các mức giới hạn hợp lý tránh can nhiễu.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Việt Nam đề xuất ủng hộ quan điểm xem xét lại các thống kê và các giả thiết (tham chiếu) để xây dựng các khuyến nghị mới hoặc footnote phù hợp.
6)Agenda item 1.15– Hệ thống thông tin nội bộ trên tàu biển
Nhu cầu về tần số cho hệ thống liên lạc UHF on-board cần được quan tâm để đảm bảo khả năng khai thác tàu tốt nhất (các chức năng như thả neo, cập bến, chỉ huy chữa cháy/tai nạn trên tàu, an ninh trên tàu, chống tấn công vào tàu, …).
Theo Quy hoạch, chú thích số 5.287 dành ra 6 kênh tần số phân kênh 25 kHz trong băng tần 450 – 470 MHz (457.525; 457.550; 457.575; 467.525; 467.550 và 467.575 MHz) cho nhu cầu này, tuy nhiên khả năng sử dụng của 6 tần số này không đồng nhất ở mọi quốc gia trong khi khả năng di chuyển của tàu biển là gần như tại mọi vùng biển. Việc sử dụng đối khi bị hạn chế do các hệ thống trên bờ hoặc nghẽn kênh do nhiều tàu tập trung, bản thân băng tần 450 – 470 MHz cũng đã được xác định dành cho IMT
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
- Ủng hộ ITU-R tổ chức nghiên cứu để áp dụng công nghệ bộ đàm số (DMR.dPMR) và phân kênh hẹp (12.5 / 6.25 kHz) có hiêu quả phổ tần cao hơn để sử dụng cho UHF on-board.
- Đề xuất xem xét khuyến nghị sử dụng các loại mã hóa thoại như CTCSS hoặc DCS hiện đang được sử dụng khá phổ biến cho các hệ thống trên bờ (PMR) để tránh gây nghẽn, tăng khả năng liên lạc.
- Việc nghiên cứu dùng chung và tương thích giữa các hệ thống UHF on-board đề xuất trên với IMT cần được ITU-R quan tâm thực hiện.
7)Agenda item 1.16- Ứng dụng AIS mới và nâng cao năng lực thông tin hàng hải
Thiết bị và ứng dụng AIS đã trở thành quy định bắt buộc đối với tàu biển theo Công ước an toàn trên biển (SOLAS) và cũng đã được sử dụng rất rộng rãi. AIS giúp hỗ trợ dẫn đường an toàn và hiệu quả, tránh va chạm tàu đặc biệt là trong các khu vực cản có mật độ tàu cao. Dịch vụ AIS cũng được tăng thêm độ tin cậy thông qua khả năng thu nhận tín hiệu AIS từ vệ tinh. Dữ liệu AIS (AIS VHF Data Link - VDL)trên 2 tần số AIS1 (161.975 Mhz) và AIS2 (162.025 MHz) hiện tại được ưu tiên dùng cho dẫn đường tránh va chạm, theo đó tại một số khu vực cảng lớn kênh thông tin này có khả năng bị nghẽn. Kết quả của WRC-12 đã mở ra khả năng phát triển thêm 1 số kênh AIS mới (cho phép thử nghiệm trên các kênh 27, 87, 28, 88).
Thông tin thoại hàng hải trong băng tần VHF giữa bờ - tàu, tàu – tàu đã được sử dụng từ khá lâu, tuy nhiên kỹ thuật truyền thống không đáp ứng được nhu cầu thông tin mới như truyền dữ liệu, thông tin số (thông tin thời tiết, bản đồ băng, hỗ trợ dẫn đường, …). WRC-12 cũng đã xác định một số kênh trong Phụ lục 18 sử dụng cho truyền dữ liệu (VHF Data Exchange - VDE) với mục tiêu nâng cao năng lực thông tin hàng hải, tuy nhiên đáng tiệc là sự bổ sung này chưa có được sự hài hòa toàn cầu như các quy định tần số hàng hải thường thấy. Nghiên cứu quy định sử dụng các kênh VDE sao cho hiệu quả và hợp lý là nhiệm vụ của AI 1.16.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
- Đối với ứng dụng AIS mới:
Đề xuất xem xét triển khai trên 2 kênh 2027 và 2028 để có thể tích hợp với thiết bị AIS truyền thống (sử dụng các kênh liền kề 2027, AIS1, 2028, AIS2). Tuy nhiên, việc tách đôi kênh song công 27 và 28 như vậy sẽ làm dư thừa 2 kênh 1027 và 1028, do đó cần có phương án để sử dụng 2 kênh này tránh lãng phí tần số.
- Đối với VDE:
Dựa trên đặc điểm các phân bổ tần số cho VDE theo kết quả của WRC-12 (hình vẽ trên), đề xuất xem xét quy hoạch các kênh 24, 84, 25, 85, 26, 86 cho VDE trên phạm vi toàn cầu; và các kênh 80, 21, 81, 22, 82, 23, 83 cho mục đích sử dụng trong Khu vực 3 và nội bộ quốc gia.
8) Agenda item 1.17– Hệ thống thông tin nội bộ tàu bay (WAIC)
Hệ thống WAIC được sử dụng để liên lạc giữa các trạm vô tuyến đặt trên các khu vực của tàu bay (liên lạc giữa bộ phần ở cánh máy bay, động cơ, lốp, … với trung tâm máy bay, liên lạc bên trong khoang máy bay; mục tiêu là để thay thể các truyền dẫn dùng dây cáp hiện tại nhằm giảm trọng lượng máy bay và dễ bảo dưỡng).
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Lợi ích của việc sử dụng WAIC là hiện hữu, tuy nhiên WAIC sẽ đặt ra thách thức đối với việc vận hành an toàn tàu bay.
Các quy định về kỹ thuật và khai thác được đặt ra để cho phép triển khai WAIC phải không ảnh hưởng đến các nghiệp vụ an toàn hàng không hiện hành, đồng thời không làm ảnh hưởng đến các nghiệp vụ mặt đất có liên quan.
9) Agenda item 1.18–Xem xét khả năng quy hoạch tần số cho nghiệp vụ Vô tuyến định vị để sử dụng cho Rada đặt trên ôtô trong bang tần 77.5 – 78 GHz.
Băng tần 76-81 GHz đang được quy hoạch cho các nghiệp vụ Vô tuyến thiên văn, Nghiệp dư qua vệ tinh. Vừa qua, tại một số nước phát triển, các thiết bị rada ôtô giúp tăng cường khả năng vận hành an toàn cho ôtô được phát triển khá nhiều. Rada này giúp chống va chạm, giảm nguy cơ tai nạn và là một thành phần quan trọng của hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
ITS giúp tăng thêm tính an toàn cho người và phương tiện trong giao thông đường bộ.
Ủng hộ ITU-R nghiên cứu về rada ôtô trong băng tần 77.5-78 GHz trên cơ sở không làm cản trở sự phát triển của các nghiệp vụ vô tuyến đã được quy hoạch.
10) Agenda item 7 Thủ tục liên quan đến việc đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh: đề xuất làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và vai trò của BR, RRB
Trong Phụ lục AP30B có các qui định ấn định tần số băng tần qui hoạch cho nghiệp vụ cố định qua vệ tinh được ghi tạm thời vào bảng tần số chủ với chỉ dẫn các nước chưa hoàn thành phối hợp, ấn định sẽ được chuyển trạng thái từ tạm thời sử dụng sang cố định nếu ITU được thông báo tất cả các yêu cầu phối hợp đã được thực hiện và hoàn thành. Để giải quyết vấn đề can nhiễu có hại gây ra bởi một ấn định được ghi tạm thời vào bảng tần số chủ điều khoản 6.29 được áp dụng, tuy nhiên hai vấn đề sau cần được làm rõ:
- Các cơ quan quản lý liên quan đến vấn đề xẩy ra can nhiễu nên làm gì;
- ITU có thể hủy ấn định đã ghi vào Danh sách dưới điều khoản 6.25 hay không.
Đối với băng tần qui không qui hoạch, WRC-12 đã thông qua đề xuất bổ xung điều khoản 11.42A làm rõ các vấn đề nói trên.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Hiện nay Việt Nam đã phóng vệ tinh VINASAT-2 sử dụng băng tần qui hoạch do đó việc bảo vệ chống can nhiễu là cần thiết trên cơ sở đó, Cục tần số đã xây dựng đề xuất bổ xung thêm một điều khoản vào Phụ lục AP30B về vấn đề làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và vai trò của BR, RRB trong việc xử lý can nhiễu gây ra do ấn định được ghi tạm thời dưới phụ lục AP30B. Việc làm rõ này có lợi cho Việt Nam là nước có vệ tinh có thể yêu cầu BR gửi vụ việc ra RRB nếu nước khác không hợp tác giải quyết can nhiễu hoặc cố tình gây can nhiễu cho VINASAT-2.
11)Agenda item 7 Thủ tục liên quan đến việc đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh: đề xuất làm rõ vấn đề đưa ấn định vào sử dụng và thời hạn tạm dừng ấn định
Tại hội nghị WRC-12, một số điều khoản đã được đưa vào thể lệ vô tuyến điện để làm rõ vấn đề đưa ấn định vào sử dụng và đưa ấn định vào sử dụng lại sau một chu kỳ tạm dừng sử dụng, mục đích của việc làm rõ này để hạn chế các vệ tinh giấy, khai báo nhưng không sử dụng, Hội nghị đồng thời thông qua việc tăng thời gian tạm dừng ấn định từ hai năm lên ba năm đủ để nhà khai thác vệ tinh tinh triển khai dự án vệ tinh mới. Các vấn đề này mới chỉ được thực hiện đối vơi băng tần không qui hoạch.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Do Việt Nam đã có vệ tinh sử dụng băng tần qui hoạch nên việc xây dựng các điều khoản minh bạch sẽ có lợi cho triển khai vệ tinh trong băng tần qui hoạch, tránh các nước sử dụng vệ tinh cũ để giữa nhiều vị trí quĩ đạo và việc tăng thời gian tạm dừng lên ba năm sẽ có lợi cho Việt nam khi triển khai dự án phóng vệ tinh thay thế khi vệ tinh đang sử dụng sắp hết hạn. Trên cơ sở đó Việt Nam đề xuất sửa điều khoản 6.33, điều khoản 8.17 và bổ xung phân phụ cuối trang 14bis để làm rõ khái niệm đưa ấn định vào sử dụng và tăng thời hạn tạm dừng vệ tinh từ hai năm lên ba năm cho băng tần qui hoạch nghiệp vụ cố định qua vệ tinh.
12) Agenda item 9 (chủ đề 9.1.2) Giảm cung quỹ đạo
WRC-12 đã giảm cung quĩ đạo phối hợp của các băng tần C và Ku, nhưng không quyết định về cơ chế kỹ thuật cho việc loại bỏ các phối hợp không cần thiết.
Để xử lý vấ đề này, nhóm nghiên cứu 4A đang thảo luận về khả năng thay thế tiêu chí ΔT/T bằng tiêu chí C/I.
Ưu điểm của phương pháp tính can nhiễu theo ΔT/T:
- Tiêu chí ΔT/T đang được sử dụng trong Điều 9 về phối hợp quĩ đạo vệ tinh của Thể lệ vô tuyến và tiêu chí C/I đang được sử dụng trong Điều 11 về công bố và ghi ấn định vào bảng tần số chủ, cả hai tiêu chí này đều dùng để xác định can nhiễu. Thay đổi việc áp dụng tiêu chí ΔT/T trong Điều 9 sẽ dẫn đến đồng nhất về tiêu chí kiểm tra kỹ thuật giữa hai Điều 9 và 11.
- Tiêu chí C/I gắn với các tham số mạng vệ tinh gần với thực tế và do đó đánh giá đúng hơn về mức độ can nhiễu.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Trên cơ sở đó, Việt Nam đề xuất ủng hộ phương án thay thế tiêu chí ΔT/T bằng tiêu chí C/I trong việc xác định can nhiễu.
5. Kết quả của hội nghị
Đoàn Việt Nam đã bảo vệ được các quan điểm của Việt Nam tại hội nghị, các quan điểm này đã được phản ánh trong các quan điểm sơ bộ của khu vực. Vì đây là hội nghị thứ 2 của APG trong 05 hội nghị chuẩn bị cho WRC-15 (2015) nên tại hội nghị lần này mới thiết lập, xây dựng các quan điểm sơ bộ của khu vực để các nước tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở các quan điểm sơ bộ đó.
Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng đã quyết định giữa nguyên 02 vị trí Phó chủ tịch hội nghị, không bổ sung thêm các Phó chủ mới.
Có thể nói đây hội nghị lần này là một thành công lớn của đoàn Việt Nam nói chung và của Cục tần số nói riêng. Việt Nam không những bảo vệ được các quan điểm của mình tại hội nghị mà còn có đóng góp quan trọng cho hội nghị với 04 chủ tịch nhóm soạn thảo. Các nhóm soạn thảo mà Việt Nam chủ trì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giải quyết các vấn đề thảo luận, hoành thành văn bản của nhóm soạn thảo gửi Nhóm nghiên cứu phê chuẩn chỉ với thời gian 01 buổi làm việc trong khi thời gian được phân bổ là 02 buổi làm việc.