Lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch băng tần 694-806 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT tại Việt Nam

25/07/2019

(rfd.gov.vn)- Băng tần 694-806 MHz (thường gọi là băng tần 700 MHz) được xem là băng tần có giá trị thương mại và giá trị sử dụng rất cao cho thông tin di động. Băng tần này đang được nghiên cứu quy hoạch và cấp phép cho các mạng 4G/5G trên thế giới. Để sớm cấp phép triển khai các hệ thống thông tin di động IMT 4G/5G trên băng tần 694-806 MHz, Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy hoạch băng tần 694-806 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT tại Việt Nam.

Theo quy định tại VTN7 của Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ), băng tần 700 MHz được quy hoạch để sử dụng cho hệ thống thông tin di động IMT.

Theo lộ trình của Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, đến năm 2020, phần băng tần 700 MHz đã và đang được sử dụng cho hệ thống truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng hoàn toàn. Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và phần lớn các tỉnh khu vực miền Trung đã ngừng phát sóng truyền hình trên các hệ thống sử dụng băng tần 700 MHz; các địa phương khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và các tỉnh còn lại sẽ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất trên băng tần 700 MHz trong năm 2020. Ngoài ra, chỉ một phần các đoạn băng tần 700 MHz hiện còn tạm thời được sử dụng cho hệ thống vô tuyến chuyên dùng. Như vậy, về cơ bản băng tần 700 MHz đã sẵn sàng để sử dụng cho thông tin di động IMT tại Việt Nam.

Nếu so sánh với các băng tần đã có quy hoạch cho thông tin di động IMT như 900 MHz, 1800 MHz hay 2100 MHz, thì băng tần 700 MHz có ưu điểm vượt trội về khả năng truyền sóng và xuyên thấu. Băng tần 700 MHz khi được sử dụng là băng tần có giá trị cao để giải quyết bài toán mở rộng vùng phủ sóng các mạng thông tin di động ở cả khu vực thành thị và nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh băng tần 900 MHz vẫn tiếp tục được sử dụng chủ yếu cho các mạng thông tin di động 2G/3G trong thời gian tới thì băng tần 700 MHz có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển các mạng thông tin di động 4G/5G.

Hiện tại, phương thức quy hoạch băng tần 700 MHz được sử dụng phổ biến trên toàn cầu là quy hoạch song công phân chia theo tần số (Frequency Division Duplex- FDD) do khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đề xuất  (APT700 FDD), được ITU-R khuyến nghị tại Khuyến nghị số ITU-R M.1036-5 xuất bản tháng 10/2015. Quy hoạch này cũng được tổ chức 3GPP định hướng sử dụng cho mạng vô tuyến mới 5G tại Phiên bản 15 (Release 15) ban hành tháng 9/2018. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (The Global Mobile Suppliers Association - GSA), hiện nay Châu Âu và trên 50 quốc gia (với khoảng 4 tỉ dân số toàn cầu) có định hướng hoặc đã quy hoạch băng tần 700 MHz theo phương án APT700 FDD. Trong đó, 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz cho triển khai thông tin di động 4G/5G.

So sánh diện tích vùng phủ sóng của 1 cell khi sử dụng các băng tần khác nhau  (Nguồn: GSMA)

Phương án APT700 FDD quy hoạch tối đa 2x45 MHz cho thông tin di động IMT (băng tần đường lên 703-748 MHz và băng tần đường xuống 758-803 MHz). Tuy nhiên, khi áp dụng các quốc gia có thể áp dụng phương án quy hoạch “song công thấp” 2x30 MHz (703-733/758-788 MHz) hoặc “song công cao” 2x30 MHz (718-748/773-803 MHz).

Dự thảo Quy hoạch băng tần 700 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT tại Việt Nam, được xây dựng và lấy ý kiến góp ý với một số nội dung chính như sau:

  • Phân chia 2x30 MHz để triển khai thông tin di động IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo (băng tần đường lên 703-733 MHz và băng tần đường xuống 758-788 MHz). Lượng phổ tần tối đa một doanh nghiệp được cấp là 2x10 MHz (10 MHz băng tần đường lên và 10 MHz băng tần đường xuống). Quy hoạch chi tiết được đề xuất với hai phương án như sau:

Phương án 1: Phân chia 2x30 MHz thành 3 khối FDD 2x10 MHz, mỗi doanh nghiệp được cấp phép 01 khối FDD 2x10 FDD.

Phương án 2: Phân chia 2x30 MHz thành 6 khối FDD 2x5 MHz, mỗi doanh nghiệp được cấp phép tối đa 02 khối FDD 2x5 MHz.

  • Khi sử dụng đoạn băng tần 786-788 MHz, tại các khu vực có yêu cầu bảo vệ các hệ thống chuyên dùng khỏi nhiễu có hại, mức cường độ trường từ các hệ thống trạm gốc di động IMT không vượt quá 42 dBµV/m/3MHz (đo ở độ cao 10m từ mặt đất); trong trường hợp nhiễu có hại xảy ra, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để xử lý hết nhiễu.
  • Đối với hệ thống khác hoạt động ở băng tần 733-758 MHz và 788-806 MHz phải có kế hoạch chuyển đổi và không phát triển mới.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan về Dự thảo Thông tư ban hành Quy hoạch băng tần 694-806 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT tại Việt Nam. Toàn văn của Dự thảo Thông tư này được đăng lên website của Bộ Thông tin và Truyền thông (từ ngày 04/7/2019); website của Chính phủ (từ ngày 09/7/2019). Thời hạn lấy ý kiến góp ý trên website của Bộ Thông tin và Truyền thông và website của Chính phủ là 02 tháng kể từ ngày đăng tải Dự thảo Thông tư.

CS&QHTS