Tính đến sáng ngày 16/6/2016, 1 ngày sau khi tắt sóng truyền hình 7 analog ở 3 thành phố Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM, ICTnews đã ghi nhận được tình hình thu sóng truyền hình số tại các địa phương đều ổn định. Thị trường đầu thu số DVB-T2 đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không có tình trạng tăng giá, ép giá hay cháy hàng khi người dân đổ xô đi mua đầu thu truyền hình số DVB-T2.
Vào lúc 23h ngày 15/6/2016, kênh HTV7 đã chính thức ngừng phát sóng analog, nâng tổng số kênh ngừng phát sóng analog ở 3 thành phố lên 7 kênh, đúng theo kế hoạch của Bộ TT&TT.
Tại Cần Thơ, ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ cho hay, sau 1 ngày Sở TT&TT chưa nhận được ý kiến nào trái chiều của người dân phản ánh về việc tắt sóng truyền hình analog. Địa bàn nào thu ít nhất cũng được 42 kênh truyền hình số, còn đa số các địa phương đều thu được trên 70 kênh truyền hình số, chất lượng phủ sóng số ở Cần Thơ tương đối tốt, đảm bảo nhu cầu thu xem của người dân. Đối với việc triển khai trợ cấp đầu thu truyền hình cho các hộ nghèo, cận nghèo tại Cần Thơ đã lắp đặt 24.000 đầu thu cho tổng số 29.143 hộ. Dự kiến hết tuần này (19/6/2016) nhà thầu sẽ hoàn thiện xong việc lắp đặt cho người dân.
Tại Hà Nội, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho hay, Sở TT&TT chưa nhận được những ý kiến phản ánh của người dân kể từ sau khi tắt sóng 3 kênh truyền hình analog. Việc triển khai hỗ trợ đầu thu số DVB-T2 cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo cũng đang được tiến hành tích cực, theo kế hoạch cho đến hết ngày 15/6/2016 phải lắp đặt xong.
Tuy nhiên, đại diện Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình cho hay, hiện tại có hai địa phương bắt đầu lắp đặt đầu thu nên bị chậm tiến độ là Hà Nội và Vĩnh Phúc. Tại Hà Nội vẫn đang lắp đặt, ước đạt khoảng hơn 50% số hộ nghèo, cận nghèo theo danh sách được cấp đợt này. Còn tại Vĩnh Phúc mới triển khai từ ngày 15/6/2016.
Ông Trần Gia Long, Giám đốc Sở TT&TT Vĩnh Phúc cho biết, trong ngày 15/6/2016, Sở TT&TT Vĩnh Phúc đã làm việc với doanh nghiệp trúng thầu về lắp đầu thu đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Sở TT&TT đã yêu cầu doanh nghiệp phải lắp đặt và cài đặt cho người dân sử dụng được chứ không thể phát cho dân là xong.
“Tôi thấy lực lượng triển khai lắp đặt cho doanh nghiệp hơi ít, mới bố trí được khoảng 4 - 5 người. Do đó, tôi đã đề nghị doanh nghiệp phải bố trí thêm nhân lực. Địa bàn Vĩnh Phúc dễ triển khai, nên mặc dù tiến hành chậm hơn nhưng dự kiến trong tháng 6 sẽ lắp đặt xong cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn”, ông Long cho biết.
Ông Long chia sẻ thêm, thị trường cung cấp mặt hàng đầu thu số DVB-T2 tại Vĩnh Phúc cũng khá sẵn nên những hộ dân không được nhà nước hỗ trợ đi mua sắm cũng dễ dàng.
Trong ngày 14/6/2016, Sở TT&TT Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Bộ TT&TT báo cáo về số lượng các hộ gia đình sẽ được nhận đầu thu của nhà nước. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc có hơn 21.183 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ và 5.586 hộ nghèo, cận nghèo mới phát sinh theo chuẩn mới. Theo kế hoạch của Bộ TT&TT số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới sẽ được triển khai hỗ trợ sau.
Đại diện Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình cho hay, tại Vĩnh Phúc vẫn còn sóng analog từ trạm phát sóng Tam Đảo, cho nên người dân cũng chưa bị ngắt sóng đột ngột, ai chưa có đầu thu vẫn có thể xem được.
Theo phản ánh của một số người dân ở Thái Bình, trước đây K29 do VTC phát sóng rất yếu, không thể thu xem được, nhưng kể từ ngày 15/6/2016 K29 phát sóng khỏe, nên người dân đã có thể thu xem được thêm các kênh này. Trong đó có phim "Cô dâu 8 tuổi" đang được nhiều khán giả ưa thích.
Tại TP Hải Phòng, tuy đợt này chưa bị ảnh hưởng bởi đợt tắt sóng mềm nhưng tại Hải Phòng đã triển khai hỗ trợ đầu thu xong cho 29.000 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ. Hiện chỉ còn vài nghìn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới sẽ đợi để hỗ trợ trong đợt sau.
Ông Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho hay, mọi việc triển khai số hóa truyền hình đều tốt, chất lượng phủ sóng tốt và người dân chưa có phản ánh nào về chất lượng đầu thu được hỗ trợ.