• Trang chủ
  • Tin tức
  • Đề án số hoá truyền hình

Tọa đàm “Kinh nghiệm và giải pháp triển khai số hóa truyền hình mặt đất”

22/03/2017

(rfd.gov.vn)- Chiều ngày 21/3/2017, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo - Tọa đàm “Kinh nghiệm và giải pháp triển khai số hóa truyền hình mặt đất” với các Đài PTTH trên cả nước. Cùng tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ TTTT, các đơn vị, công ty truyền dẫn phát sóng truyền hình. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm đến dự và chỉ đạo Hội thảo - Tọa đàm.

Toàn cảnh buổi Hội thảo - Tọa đàm

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan đã trình bày báo cáo về một số vấn đề trong việc triển khai Đề án số hóa truyền hình giai đoạn 2017-2020. Theo đó, tính đến nay đã có 13 tỉnh, thành phố với dân số chiếm gần 50% của cả nước đã thực hiện xong số hóa truyền hình mặt đất. Trong thời gian này, Ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện các công việc để tiến tới tắt hoàn toàn sóng truyền hình tương tự và chuyển sang phát sóng số tại 15 tỉnh tiếp theo trước ngày 01/7/2017.

Cục trưởng Đoàn Quang Hoan cho biết hiện có 3 nhóm vấn đề cần quan tâm khi triển khai số hóa truyền hình cho các giai đoạn tiếp theo, đó là: Truyền dẫn, phát sóng và phủ sóng truyền hình số mặt đất; kết hợp truyền hình số mặt đất và truyền hình vệ tinh để đảm bảo tiến độ của Đề án; hỗ trợ đầu thu truyền hình qua vệ tinh.

Về truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất các kênh chương trình truyền hình thiết yếu của địa phương, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan đã đưa ra và phân tích ưu nhược điểm của 04 phương án để xem xét, gồm: Thành lập mới doanh nghiệp TDPS phạm vi khu vực và sử dụng các kênh tần số ưu tiên của khu vực để triển khai dịch vụ trên toàn khu vực; mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp TDPS khu vực hiện có, sử dụng các kênh tần số ưu tiên cho khu vực để triển khai dịch vụ; doanh nghiệp TDPS khu vực hiện có triển khai dịch vụ truyền dẫn, phát sóng cho từng tỉnh và sử dụng kênh tần số khu vực; doanh nghiệp và đơn vị TDPS triển khai dịch vụ cho từng tỉnh, sử dụng tần số hiện có của doanh nghiệp, đơn vị. 

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ  Đoàn Quang Hoan trình bày báo cáo tại Hội thảo - Tọa đàm

Trong phần tọa đàm, các đại biểu tham dự đã thảo luận, chia sẻ về những khó khăn của các Đài truyền hình địa phương trong việc triển khai số hóa truyền hình mặt đất; làm rõ các mong muốn và cam kết của doanh nghiệp TDPS khi tham gia thị trường TDPS; các định hướng chính sách của Bộ TTTT trước mắt và dài hạn;…

Phát biểu kết luận tại buổi Hội thảo - Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm đánh giá: Đề án số hóa truyền hình đã đi được hơn nửa chặng đường, gần 50% dân số Việt Nam đã có thể hưởng lợi ích của số hóa truyền hình; việc triển khai thành công số hóa truyền hình tại 13 tỉnh được xã hội và nhiều quốc gia đánh giá cao. Tuy vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 có rất nhiều khó khăn, thách thức, các địa phương triển khai số hóa sắp tới đều khó khăn về kinh tế và có địa hình đồi núi phức tạp. 

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo - Tọa đàm

Về việc lựa chọn hạ tầng TDPS, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng vấn đề này tùy thuộc vào kinh tế, kỹ thuật của từng địa phương, khó có thể  đưa ra giải pháp chung cho tất cả các địa phương và Nhà nước cũng không ấn định một giải pháp cụ thể nào. Việc lựa chọn hạ tầng TDPS là vấn đề khó của các Đài PTTH địa phương trong thời điểm này. Do đó, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, Cục Tần số VTĐ, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Kế hoạch Tài chính phải có hướng dẫn mang tính phương pháp luận để giúp các Đài PTTH địa phương có thể lựa chọn mô hình TDPS hiệu quả nhất. Thứ trưởng mong muốn có một Đài PTTH tiên phong đăng ký làm việc với các cơ quan thuộc Bộ, làm đơn vị mẫu phân tích các tình hình thực tế tại địa phương, từ đó lựa chọn ra được hạ tầng TDPS triển khai phù hợp với địa phương.

Với vấn đề kinh phí triển khai số hóa, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: TDPS các kênh truyền hình thiết yếu là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của địa phương. Khi đề xuất sửa đổi Quyết định 2451/2012/QĐ-TTg, Bộ TTTT sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quy định rõ hơn trách nhiệm của địa phương nhằm tạo điều kiện cho các Đài, các Sở TTTT chủ động trong đề xuất nguồn kinh phí; đồng thời Bộ cũng sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép hỗ trợ TDPS lên vệ tinh các kênh truyền hình thiết yếu. Chỉ khi nào thấy rằng giải pháp số hóa qua vệ tinh hiệu quả hơn số hóa qua mặt đất, thì mới có thể đưa vào diện xem xét hỗ trợ bằng nguồn từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích - Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Đối với vấn đề lựa chọn doanh nghiệp TDPS, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng hiện chưa có giải pháp nào trọn vẹn. Chính vì thế, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu xem xét các giải pháp điều hành, trên cơ sở quy hoạch tần số hiệu quả để các tổ chức, doanh nghiệp TDPS thực hiện TDPS có chi phí thấp hơn nữa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp TDPS nên xem xét lại đơn giá truyền dẫn phát sóng và căn cứ theo các yêu cầu cụ thể của địa phương để đưa ra đơn giá phù hợp hơn, tiến tới hợp tác lâu dài.

Về phía các địa phương, khi xem xét lựa chọn doanh nghiệp TDPS cần xem xét trên góc độ tổng thể và lâu dài; trước mắt có thể có những khó khăn, hạn chế, nhưng về lâu dài và vì lợi ích tổng thể việc làm này sẽ giúp tối đa hóa lợi ích đầu tư của toàn xã hội - Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phân tích.

Hồng Hạnh