Theo đó, quá trình số hóa truyền hình mặt đất và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam đã được Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA) lựa chọn làm mô hình để phát triển các khuyến nghị chung cho các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.
Trong báo cáo, ông Peng Zhao, Giám đốc chính sách phổ tần của GSMA khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra 05 khuyến nghị cho ASEAN, gồm:
Một là, xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ thống truyền hình tương tự mặt đất và giải phóng băng tần 700 MHz trên cơ sở bảo đảm cân đối các mục tiêu, đồng thời tính đến mức độ hài hòa với khu vực và thế giới.
Hai là, cần xây dựng phương án tài chính và cách thức phân bổ hiệu quả nguồn tài chính cho thực hiện quá trình số hóa.
Ba là, cần xây dựng và công bố rộng rãi quy hoạch sử dụng băng tần số cho hệ thống truyền hình trong quá trình số hóa và sau số hóa; quy hoạch băng tần dôi dư sau số hóa cho thông tin di động băng rộng.
Bốn là, cần xây dựng phương án cấp phép minh bạch, hiệu quả, bảo đảm thúc đẩy cạnh tranh.
Năm là, cần xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền về số hóa truyền hình và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực do điều chỉnh thói quen của người xem truyền hình.
Ngoài ra, ông Peng Zhao cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ tham vấn, lấy ý kiến các bên liên quan để giải quyết các khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện.
ASEAN nỗ lực thúc đẩy số hóa truyền hình, thu hẹp khoảng cách số
Từ năm 2010, các quốc gia ASEAN đã thông qua tầm nhìn chung đến năm 2020 tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các khuyến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ di động băng rộng cho người dân trong khu vực, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nhận thấy xu hướng phát triển công nghệ, dịch vụ truyền hình và vai trò của băng tần số thấp trong việc phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ thông tin di động băng rộng, giảm khoảng cách cơ hội tiếp cận loại hình dịch vụ này giữa thành thị và nông thôn, vào năm 2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT các quốc gia thành viên ASEAN đã ra tuyên bố chung về thúc đẩy triển khai số hóa truyền hình, giải phóng băng tần 700 MHz để phát triển dịch vụ thông tin di động băng rộng.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy số hóa truyền hình, thu hẹp khoảng cách số tại các nước ASEAN” nói trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng Phòng Chính sách và quy hoạch tần số (Cục Tần số VTĐ), Chủ tịch Nhóm công tác tần số của ASEAN cho biết Việt Nam đã hoàn thành tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 28 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố và dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất và giải phóng băng tần 700 MHz tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ và Đồng bằng Nam bộ. Nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại Việt Nam đã được ông Tuấn chia sẻ tại Hội thảo.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các quốc gia thành viên ASEAN cần tiếp tục trao đổi, hợp tác để sớm hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất, nhằm tạo điều kiện cho người dân ASEAN được hưởng thụ và trải nghiệm các chương trình, dịch vụ truyền hình mặt đất với chất lượng tốt hơn, đa dạng hơn; đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số ở băng tần thấp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm khoảng cách tiếp cận dịch vụ di động băng rộng giữa các khu vực.
Về tình hình triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại Thái Lan, đại diện cơ quan quản lý tần số nước này, ông Supatrasit cho biết: Thái Lan đã ban hành và thực thi một loạt các chính sách thúc đẩy số hóa truyền hình, như tái cấu trúc thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất; thông qua quy hoạch sử dụng băng tần cho hệ thống truyền hình; áp dụng tiêu chuẩn DVB-T2 cho hệ thống thu - phát sóng tín hiệu truyền hình số mặt đất; tổ chức tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp và người dân nhận thức về lộ trình số hóa; hướng dẫn, trợ giúp người dùng trong việc cài đặt sử dụng thiết bị thu; thực thi chính sách hỗ trợ kinh phí cho dân chúng trong việc mua sắm đầu thu truyền hình số mặt đất;…
Cũng theo ông Supatrasit, việc phủ sóng tín hiệu truyền hình số tại Thái Lan đang được thực hiện theo đúng kế hoạch và bảo đảm chất lượng tín hiệu thu xem tốt; dự kiến đến đầu năm 2018 sẽ phủ sóng tín hiệu truyền hình số mặt đất đến trên 90% hộ dân.
Tuy vậy, ông Supatrasit cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực, cơ quan quản lý của Thái Lan đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức đó là: Thứ nhất, để phát sóng truyền hình số mặt đất trên các kênh 21-25 (dải tần 470-510 MHz), nước này phải giải phóng hệ thống liên lạc bộ đàm hiện đang hoạt động trên các kênh này; thứ hai, khi phát sóng truyền hình số trên các kênh 21-25, nhiều ăng-ten thu truyền hình của người dân hiện nay sẽ không thu được, vì không hỗ trợ thu ở dải tần 470-510 MHz (dải tần này đang sử dụng cho bộ đàm); thứ ba, hiện tại không chỉ có truyền hình mặt đất, mà còn có các thiết bị microphone không dây đang sử dụng băng tần 700 MHz, vì vậy muốn giải phóng được băng tần này, Thái Lan còn phải quy hoạch và phân bổ băng tần khác cho các thiết bị microphone không dây.
Tại Indonesia, việc phủ sóng tín hiệu truyền hình số mặt đất thời gian qua có những kết quả tích cực. Nước này dự kiến cuối năm 2018 sẽ cơ bản phủ sóng truyền hình số mặt đất đến trên 90% hộ dân. Mặc dù vậy, việc tắt sóng truyền hình tương tự đang gặp nhiều khó khăn, do phải chờ Chính phủ thông qua quy định mới về quản lý phát thanh truyền hình.
Vào đầu năm nay, cơ quan quản lý của Indonesia đã lên kế hoạch thí điểm tắt sóng truyền hình tương tự tại 05 tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm cho việc tắt sóng tại các khu vực còn lại. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý tần số của Indonesia cho biết họ đang xem xét áp dụng phương án giao một phần trách nhiệm giải phóng băng tần cho các doanh nghiệp viễn thông thắng đấu giá quyền sử dụng băng tần 700 MHz nhằm thúc đẩy việc giải phóng băng tần này.
Tại Hội thảo, các quốc gia ASEAN đều đánh giá cao những kết quả và giải pháp số hóa truyền hình của Việt Nam và mong muốn được tiếp tục trao đổi, học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong thời gian tới.
Lựa chọn phương án quy hoạch băng tần 700 MHz
Về quy hoạch băng tần 700 MHz dôi dư sau hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất, hầu hết các quốc gia ASEAN có chiều hướng lựa chọn phương án quy hoạch FDD do Hiệp hội thông tin vô tuyến Thái Bình Dương (APT) phát triển cho hệ thống thông tin di động băng rộng IMT.
Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực của Cục Tần số vô tuyến điện Việt Nam và cơ quan quản lý tần số của các quốc gia ASEAN trong việc cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ di động băng rộng với những thiết bị đầu cuối có giá thành hạ cho người dân nghèo, người dân sống tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Hội thảo “Thúc đẩy số hóa truyền hình, thu hẹp khoảng cách số tại các nước ASEAN” đã đem lại nhiều thông tin và bài học kinh nghiệm hữu ích cho các quốc gia trong khu vực và nhiều chuyên gia; tinh thần hợp tác sâu rộng giữa các quốc gia trong ASEAN đạt thêm những bước tiến mới. Việt Nam với nhiều sáng kiến, đề xuất tích cực đã đóng góp rất quan trọng vào quá trình hiện thực hóa tầm nhìn chung về thu hẹp khoảng cách số cho người dân của khu vực ASEAN.
Hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy số hóa truyền hình, thu hẹp khoảng cách số tại các nước ASEAN” được đồng tổ chức bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA). Đây là một trong những chuỗi sự kiện hợp tác đầu tiên giữa ASEAN và GSMA trong lĩnh vực quản lý tần số. Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, với vị trí là Chủ tịch Nhóm công tác tần số của ASEAN, đã khởi xướng hoạt động hợp tác này.
Hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của cơ quan quản lý tần số và viễn thông các quốc gia thành viên ASEAN, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về chính sách, kỹ thuật và nhiều doanh nghiệp truyền hình và thông tin di động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|