Đến nay, lần đầu tiên các nhà khoa học đã đưa Li-Fi ra khỏi phòng thí nghiệm, để thử nghiệm trong văn phòng và môi trường công nghiệp ở Tallinn (Estonia), báo cáo cho thấy rằng Li-Fi có thể đạt được tốc độ truyền phát dữ liệu 1 GB/s, nhanh hơn 100 lần tốc độ trung bình của Wi-Fi hiện nay.
“Chúng tôi đang thực hiện một số dự án trong các ngành công nghiệp khác nhau, nơi chúng tôi có thể sử dụng công nghệ VLC”, giám đốc điều hành của công ty công nghệ Velmenni của Estonia nói với IBTimes UK. “Hiện nay, chúng tôi đã thiết kế một giải pháp ánh sáng thông minh cho môi trường công nghiệp, nơi mà việc truyền dữ liệu được thực hiện nhờ ánh sáng. Chúng tôi cũng đang thực hiện một dự án thí điểm với một khách hàng cá nhân, ở đó chúng tôi đang thiết lập một mạng Li-Fi để truy cập internet trong không gian văn phòng của họ”.
Li-Fi đã được phát minh bởi Harald Hass từ đại học Edinburg (Scotland), khi lần đầu tiên ông chứng minh bằng việc nhấp nháy ánh sáng từ một đèn LED đơn có thể truyền dữ liệu nhiều hơn so với một trạm di động. Nên nhớ rằng, tốc độ được ghi nhận của Li-Fi trong phòng thí nghiệm là 224 Gb/s, đồng nghĩa với việc tải 18 bộ phim có dung lượng 1,5 GB chỉ mất 1 giây.
Công nghệ Li-Fi sử dụng ánh sáng nhìn thấy có tần số trong khoảng 400 đến 800 THz (terahertz). Nó hoạt động về cơ bản như một dạng của mã Morse, giống với việc tắt và bật một đèn pin theo một cách thức nhất định để có thể truyền tải một thông điệp bí mật, và việc nhấp nháy một đèn LED ở tốc độ cực cao có thể được dùng để ghi và phát thông tin gì đó theo mã nhị phân. Một vấn đề khác cần đề cập là không phải lo lắng về những gì nhấp nháy trong môi trường văn phòng có thể khiến người ta phát điên, bởi vì các đèn LED được bật và tắt với một tốc độ không thể nhận thấy bằng mắt thường.
Những lợi ích của Li-Fi so với Wi-Fi được ghi nhận là tốc độ truyền phát dữ liệu nhanh hơn nhiều lần và độ bảo mật thông tin tốt hơn, do ánh sáng không có khả năng xuyên tường (khác với sóng vô tuyến điện), điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu can nhiễu giữa các thiết bị.
Li-Fi có thể sẽ không hoàn toàn thay thế Wi-Fi trong vài thập kỷ tới, hai công nghệ có thể được sử dụng cùng nhau để đạt được hiệu quả và an toàn hơn. Hiện nay, nhà ở, văn phòng và các tòa nhà công nghiệp đã thực sự được trang bị hạ tầng để cung cấp Wi-Fi, gỡ bỏ tất cả những thiết bị này để thay thế bằng công nghệ Li-Fi là không khả thi, vì vậy ý tưởng được đưa ra là trang bị thêm thiết bị để có thể sử dụng công nghệ Li-Fi, song hành cùng Wi-Fi.
Tháng trước, các chuyên gia Li-Fi đã báo cáo rằng Haas và nhóm của ông ấy đã khai trương PureLiFi, một công ty cung cấp ứng dụng Plug-and-Play cho truy cập internet không dây bảo mật với tốc độ 11,5 MB/s, tương đương với Wi-Fi thế hệ đầu tiên. Công ty Oledcomm của Pháp cũng đang trong quá trình lắp đặt công nghệ Li-Fi riêng tại các bệnh viện địa phương. Nếu các ứng dụng như vậy và việc thử nghiệm của Velmenni ở Estonia thành công, chúng ta có thể hiện thực hóa giấc mơ được vạch ra bởi Haas vào năm 2011, tất cả mọi người đều được tiếp cận với internet thông qua các bóng đèn LED ngay trong nhà của họ.
“Tất cả những gì chúng ta cần phải làm là tích hợp một vi mạch nhỏ vào mỗi thiết bị chiếu sáng và như thế có thể kết hợp hai chức năng cơ bản: chiếu sáng và truyền dữ liệu không dây”, Haas nói. “Trong tương lai, chúng ta không chỉ có 14 tỉ bóng đèn, chúng ta có thể có 14 tỉ Li-Fi được triển khai trên toàn thế giới vì một tương lai sạch hơn, xanh hơn và tươi sáng hơn”.