Bế mạc Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2015

30/11/2015

(rfd.gov.vn)- Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2015 (WRC-15) đã tổ chức phiên bế mạc vào ngày 27/11/2015. Các nước đã tiến hành ký kết văn kiện hội nghị sửa đổi Thể lệ vô tuyến điện - văn kiện pháp lý quốc tế quy định về việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

Có khoảng 3300 đại biểu đến 162 quốc gia cùng với khoảng 500 quan sát viên từ các doanh nghiệp cơ quan, tổ chức tham gia Hội nghị. WRC-15 đã xem xét và giải quyết hơn 40 chủ đề liên quan đến phân bổ và dùng chung tần số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh. Kết quả của Hội nghị sẽ đảm bảo cho sự phát triển của hạ tầng thông tin vô tuyến của các nghiệp vụ thông tin di động, vệ tinh, hàng hải, hàng không, thông tin cứu hộ cứu nạn. Ngoài ra, Hội nghị cũng đã đặt ra chương trình nghiên cứu cho 4 năm tiếp theo cho nhiều nghiệp vụ thông tin vô tuyến.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị WRC-15

Hội nghị WRC-15 đã kết thúc thành công với nhiều quyết định có tính mở đường cho việc triển khai các hệ thống thông tin vô tuyến trong tương lai. Các kết quả chính của Hội nghị bao gồm:

Thông tin di động băng rộng

WRC-15 đã quyết định phân bổ bổ sung tần số để đáp ứng nhu cầu phổ tần cho di động băng rộng. Hội nghị thông qua phân bổ băng tần L (1427-1518 MHz) cùng với một số đoạn băng tần khác hoạt động trong điều kiện không gây nhiễu đến nghiệp vụ khác đã được cho di động băng rộng (IMT).

Để giải quyết các khó khăn trong việc tìm kiếm tần số bổ sung cho IMT ở tần số dưới 6 GHz, WRC-15 đã quyết định xây dựng chương trình làm việc cho WRC-19 về việc xác định các băng tần phù hợp dưới 6 GHz cho phép triển khai các công nghệ thông tin vô tuyến tốc độ cao. Trên cơ sở các quyết định trên, cơ quan quản lý các nước và doanh nghiệp có thể tập trung phát triển khung pháp lý và các công nghệ cần thiết để thực hiện IMT-2020.

WRC-15 đã đưa ra quyết định phân bổ băng tần 694-790 MHz cho nghiệp vụ di động ở Vùng 1. Quyết định này giúp hài hòa tần số trên toàn cầu cho IMT. Các quyết định được thông qua bởi WRC-15 cũng cho phép bảo vệ hệ thống truyền hình, hệ thống dẫn đường hàng không hoạt động trong băng tần.

Phân bổ tần số cho nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư

ITU-R đã xem xét việc thông tin vô tuyến điện nghiệp dư thường được sử dụng trong các thông tin khẩn cấp khi có xảy ra thảm họa tự nhiên. Thông tin vô tuyến sử dụng sóng HF giúp duy trì liên lạc và hỗ trợ hoạt động ứng cứu thảm họa trong khu vực bị thiên tai tàn phá.

WRC-15 đã quyết định phân bổ đoạn băng tần 5351.5-5366.6 kHz cho nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư. Quyết định này sẽ giúp thông tin được duy trì ổn định ở các khoảng cách khác nhau đặc biệt cho thông tin cứu hộ, cứu nạn.

Thông tin an ninh, khẩn cấp và giảm thiểu thảm họa

WRC-15 đã xác định băng tần 694-894 MHz cho phép triển khai thông tin băng rộng cho các nghiệp vụ cần tính tin cậy cao và các trường hợp khẩn cấp trong các hệ thống an ninh, khẩn cấp và giảm thiểu thảm họa.

Tìm kiếm, cứu nạn

WRC-15 đã tái khẳng định việc bảo vệ tần số 406-406.1 MHz cho tín hiệu tìm kiếm và cứu nạn sử dụng cho tuyến lên của vệ tinh như các hệ thống Cospas-Sarsat. Nghị quyết 205 được sửa đổi nhằm đảm bảo tính đến đặc tính dịch tần số của các máy thăm dò vô tuyến hoạt động ở tần số trên 405 MHz nhằm tránh việc trôi tần số đến 406 MHz. Các cơ quan quản lý được yêu cầu tránh phân bổ tần số cho các nghiệp vụ di động và cố định trong các băng lân cận để tránh nhiễu đến đoạn băng tần 406-406.1 MHz.

Vệ tinh thăm dò trái đất

Do số lượng ngày càng nhiều các dự án vệ tinh thăm dò trái đất khiến lưu lượng thông tin từ đài trái đất đến vệ tinh thăm dò trái đất ngày càng lớn. Tần số dùng cho thông tin điều khiển vệ tinh (tuyến lên) được quy định tại Điều 5 của Thể lệ. Hiện nay, có hơn 1100 vệ tinh thăm dò trái đất được khai báo và có nhiều vệ tinh khác có kế hoạch được triển khai bao gồm nhiều vệ tinh nhỏ khiến việc phối hợp tần số ngày càng trở nên khó khăn trong các băng tần hiện có.

WRC-15 đã đồng ý phân bổ tần số mới trong băng 7-8 GHz đáp ứng yêu cầu thông tin tuyến lên cho nghiệp vụ thăm dò trái đất qua vệ tinh. Quyết định của WRC-15 sẽ giúp phần nào giải quyết các vấn đề hiện nay đối với tần số điều khiển của vệ tinh thăm dò trái đất.

Với sự tiến bộ về công nghệ các vệ tinh quan sát trái đất sử dụng cảm biến tích cực (vệ tinh radar) có độ phân giải ngày càng cao. Độ phân giải của ảnh do vệ tinh radar thực hiện phụ thuộc vào lượng băng thông cần thiết của tín hiệu radar. Do đó nhu cầu về băng tần cho nghiệp vụ thăm dò trái đất qua vệ tinh sử dụng cảm biết tích cực ngày càng tăng trong các năm gần đây. Hội nghị WRC-07 đã quyết định phân bổ bổ sung 200 MHz băng tần đoạn từ 9.3-9.5 GHz cho Nghiệp vụ thăm dò trái đất qua vệ tinh (tích cực) và phân bổ đoạn từ 9.8-9.9 GHz là nghiệp vụ phụ. ITU-R đã tiến hành các khảo sát nghiên cứu và đánh giá rằng nhu cầu phổ tần cho chụp ảnh vệ tinh radar cần 1200 MHz tần số liên tục. Trên cơ sở đó, chương trình làm việc 1.12 của WRC-15 đã xem xét khả năng phân bổ bổ sung 600 MHz tần số cho nghiệp vụ Thăm dò trái đất qua vệ tinh (tích cực).

Hội nghị WRC-15 đã quyết định phân bổ tần số bổ sung 600 MHz trong băng tần 9-10 GHz cho nghiệp vụ Thăm dò trái đất (tích cực). Như vậy, cùng với 600 MHz trong đoạn băng tần 9.3-9.9 GHz việc phân bổ này sẽ giúp phát triển các công nghệ viễn thám băng rộng hiện đại. Các ứng dụng khoa học và thông tin địa lý sẽ có thể cung cấp các thông tin chất lượng cao trong mọi điều kiện thời tiết phục vụ cho các hoạt động như giảm thiểu thiên tai, an toàn cứu nạn, giám sát mặt đất và bờ biển trên phạm vi lớn.

Các hệ thống máy bay không người lái

Nhu cầu về sử dụng máy bay không người lái ngày càng đa dạng. Các hệ thông máy bay không người lái hiện nay chỉ có thể hoạt động trong phạm vi nhất định do giới hạn về phạm vi điều khiển của thiết bị. Giới hạn trên đã đặt ra yêu cầu điều khiển máy bay không người lái sử dụng các kết nối vệ tinh trong đó người phi công ở dưới đất có thể điều khiển máy bay bằng kết nối từ đái trái đất đến vệ tinh và đến máy bay. Hội nghị đã xem xét việc sử dụng các băng tần hiện phân bổ cho nghiệp vụ cố định qua vệ tinh không nằm trong các băng tần quy hoạch cho AP30, 30A và 30B để cho phép sử dụng trong các hệ thống máy bay không người lái. Quyết định của WRC-15 đưa ra các điều kiện pháp lý trên phạm vi quốc tế và đã mở đường cho ICAO phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu cho các hệ thống máy bay không người lái.

WRC-15 cũng đồng ý về phổ tần cho phép sử dụng hệ thống thông tin không dây (WAIC) thay thế cho hệ thống dây điện trên máy bay hiện nay. Thông tin WAIC là hệ thống thông tin vô tuyến nội bộ trên máy bay và không được sử dụng để liên lạc với mặt đất hoặc giữa các máy bay. Các ứng dụng quan trọng của hệ thống WAIC đó là các ứng dụng trao đổi thông tin của cảm biến không dây về thông số kỹ thuật được bố trí tại nhiều vị trí trên máy bay; các ứng dụng dữ liệu, thoại và video. Các thế hệ máy bay hiện tại và trong tương lai được kỳ vọng sẽ có thể trang bị các hệ thống WAIC. Việc sử dụng hệ thống WAIC giúp nâng cao tính an toàn và hiệu quả hoạt động cũng như giúp giảm giá thành sản xuất máy bay và giảm chi phí cho hành khách.

Hệ thống theo dõi hành trình bay toàn cầu

WRC-15 đã phân bổ băng tần 1087.7-1092.3 MHz cho Nghiệp vụ di động hàng không qua vệ tinh cho phép triển khai hệ thống thu tín hiệu theo dõi hành trình bay (ADS-B) từ vệ tinh. Quyết định của WRC-15 đã nhanh chóng đáp ứng sự mong đợi của công đồng quốc tế đối vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan giám sát hành trình bay. Tần số  1087.7-1092.3 MHz hiện đang được sử dụng để các máy bay phát tín hiệu ADS-B đến các trạm thu đặt trên mặt đất trong tầm nhìn thẳng. Quyết định của Hội nghị WRC-15 sẽ cho phép sử dụng băng tần này cho hoạt động thu phát tín hiệu từ máy bay đến vệ tinh. Điều này sẽ giúp việc giám sát hành trình của máy bay có thể được thực hiện tại mọi nơi trên trái đất như trên các đại dương, các vùng sâu, xa và các vùng cực của trái đất. Quyết định này đã cho thấy phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của ITU đối với các thảm họa hàng không xảy ra trong thời gian gần đây.

Hệ thống thông tin hàng hải nâng cao

Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) là hệ thống bắt buộc sử dụng theo Công ước quốc tế về an toàn trên biển (SOLAS) và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng hàng hải. AIS được sử dụng trên các hành trình của tàu cho phép nhận dạng thông tin về tàu. Hệ thống cũng cung cấp phương thức đến các tàu trao đổi thông tin về định danh, vị trí, hướng đi và tốc độ với các tàu lân cận và các đài bờ. Trên thực tế tín hiệu AIS có thể thu được từ vệ tinh tuy nhiên khả năng ứng dụng thực tế thấp do tại vệ tinh thường xảy ra hiện tượng va chạm bản tin từ nhiều tàu cùng phát tại một thời điểm. Ngoài ra hệ thống AIS ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ do sự phát triển của ngành hàng hải và sự hữu ích của hệ thông này khiến lượng bản tin AIS ngày càng nhiều khiến quá tải các kênh tần số đã được phân cho AIS (kênh AIS1 và AIS2). Các vấn đề trên đặt ra yêu cầu xem xét các quy định quốc tế và phân bổ tần số cho phép giảm tải cho hai kênh AIS cũng như nâng cao hiệu quả của thông tin hàng hải.

WRC-15 đã xem xét các quy định và phân bổ tần số cho phép nâng cao ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và các ứng dụng thông tin vô tuyến hàng hải. WRC-15 đã quyết định phân bổ các băng tần 161.9375-161.9625 MHz và 161.9875-162.0125 Mhz cho nghiệp vụ di động qua vệ tinh. Các nghiên cứu sẽ tiếp tục về khả năng tương thích giữa nghiệp vụ di động hàng hải qua vệ tinh (MMSS) (chiều xuống) trong băng tần 161.7875-161.9375 MHz với các nghiệp vụ đã có trong cùng băng tần và trong băng lân cận.

Nâng cao an toàn giao thông

WRC-15 đã thông qua việc sử dụng băng tần 79 GHz cho radar ô tô. Quyết định này cung cấp khung pháp lý trên toàn cầu cho việc sử dụng hệ thống radar cự ly ngắn trên ô tô nhằm ngăn chặn tai nạn và nâng cao tín an toàn của các phương tiện giao thông. Theo số liệu của Liên hợp quốc, có hơn 1,25 triệu ca tử vong mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ trên toàn thế giới. Quyết định của WRC-15 hứa hẹn giúp triển khai hệ thống hỗ trợ an toàn giao thông trên toàn cầu. Đây cũng sẽ là thành phần quan trọng của hệ thống giao thông thông minh trong tương lai.

Hệ thống vệ tinh băng rộng

WRC-15 đã đồng ý cho phép triển khai trên toàn cầu các đài trái đất chuyển động (ESIM) trong băng tần 19.7-20.2 GHz và 29.5-30.0 GHz sử dụng nghiệp vụ cố định qua vệ tinh. Quyết định này đã mở đường cho các hệ thống vệ tinh cung cấp kết nối băng rộng trên các phương tiện giao thông. Đài trái đất đặt trên máy bay có thể kết nối thông tin với vệ tinh cho phép cung cấp thông tin tốc độ cao 10-50 Mbits/s.

Tương lai của giờ quốc tế

Hội nghị WRC-15 đã quyết định không thay đổi định nghĩa về giờ UTC hiện nay. Giờ UTC được định nghĩa bởi Thể lệ vô tuyến điện tại điều khoản 1.14 áp dụng khuyến nghị ITU-R TF.460-6 quy định việc duy trì sự sai khác giữa giờ UTC với giờ theo tốc độ quay của trái đất trong vòng 0.9 giây. Do quy định này mà giờ UTC đã từng 26 lần tiến hành bổ sung thêm 01 giây kể từ khi ra đời. Hội nghị WRC-15 đã đi đến quyết định duy trì giờ UTC như hiện nay áp dụng Khuyến nghị ITU-R TF.460-6 cho đến Hội nghị WRC-23. Như vậy việc chèn giây nhuận vào giờ UTC sẽ tiếp tục thực hiện cho đến quyết định tiếp theo của WRC-23 vào năm 2023.

HTQT