Vai trò của Phát thanh trong việc quản lý và khắc phục thảm họa

19/02/2016

(rfd.gov.vn)- Ngày 13/2 hàng năm được Liên Hợp Quốc lựa chọn để kỷ niệm Ngày Phát thanh thế giới, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế giữa Đài phát thanh các nước và thúc đẩy một mạng lưới phát thanh và cộng đồng bạn nghe Đài để tự do chia sẻ, tiếp cận thông tin và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới thông qua làn sóng phát thanh. Năm nay, Ngày Phát thanh thế giới tập trung vào chủ đề: “Vai trò của Phát thanh trong việc quản lý và khắc phục thảm họa”.

Phát thanh được xem là phương tiện truyền thông chi phí thấp, đặc biệt phù hợp với các cộng đồng vùng xa và vô cùng hiệu quả trong việc tiếp cận tới những người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa, trong khi các phương tiện truyền thông khác đang bị gián đoạn. Phát thanh mặt đất cũng đóng vai trò hữu ích trong việc cung cấp kịp thời những thông tin thực tế và có liên quan cho các cộng đồng đang bị hoảng loạn và nản lòng bởi tác động của thảm họa. Thông tin phát thanh còn hữu ích trong các tình huống khi mà những tiếp cận vật lý trở nên khó khăn và các nhóm viện trợ có thể phải mất vài ngày hoặc vài tuần mới có thể tới nơi hỗ trợ được những người dân đang chịu ảnh hưởng bởi thảm họa. 

Hiện nay, thảm họa thiên tai và thảm họa do con người gây ra là mối quan tâm rất lớn của cộng đồng toàn cầu. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Ông Ban Ki-moon khẳng định: “Trong thời kỳ khủng hoảng và tình huống khẩn cấp, Phát thanh chính là huyết mạch. Với người dân đang mắc kẹt bởi khủng hoảng hay thảm họa và đang tuyệt vọng chờ đợi tin tức thì Phát thanh sẽ là nguồn thông tin sống còn. Phát thanh hữu ích trong các hoạt động đối phó với tình huống khẩn cấp và hỗ trợ cho nỗ lực tái thiết. Năm nay, khi chúng ta bắt đầu thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta hãy cùng quyết tâm sử dụng phát thanh vì sự tiến bộ của con người. Trong ngày phát thanh thế giới này, chúng ta có thể khẳng định rằng phát thanh có thể cứu sống con người”.

Tổng thư ký ITU- Houlin Zhao chia sẻ: “Thông tin vô tuyến là phương tiện không thể thiếu được trong các hoạt động cứu trợ con người trong các tình huống khẩn cấp, thảm họa. Sự hợp tác và chia sẻ thông tin để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, thảm họa của mỗi nước, mỗi khu vực là rất quan trọng. ITU cam kết sẽ nỗ lực tối đa thúc đẩy việc này và sẽ có phản ứng nhanh nhất và hiệu quả nhất hỗ trợ các nước trong các tình huống khẩn cấp”.

Tổng Giám đốc UNESCO - Irina Bokova cho rằng: “Giữa đống đổ nát và khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp, các đài phát thanh thường là phương tiện đầu tiên có thể còn lại (sống sót). Đó là một lợi thế vô song, cho phép chống lại những cú sốc và tái truyền tải thông điệp về bảo vệ và phòng ngừa thiên tai cho nhiều người, tốt hơn và nhanh hơn so với các phương tiện khác để cứu sống con người”.

Sự phát triển của công nghệ vô tuyến, truyền dẫn, nội dung phát thanh, đặc biệt là thông qua các thiết bị di động và thông qua các phương tiện theo yêu cầu đã và sẽ tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tham họa. Những đổi mới về thông tin kỹ thuật số ngày càng quan trọng giúp phòng chống thiên tai có hiệu quả, trong khi củng cố tầm quan trọng của dịch vụ phát thanh cộng đồng. 

ITU đã phát triển một số tiêu chuẩn cho thông tin vô tuyến khẩn cấp, ghi nhận việc truyền thông trực tiếp qua đài phát thanh giúp giảm cảm giác bị cô lập, bơ vơ không nơi nương tựa của các cộng đồng đang phải chịu thảm họa. Khuyến nghị ITU-R BT.1774-2 qui định một loạt tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống cảnh báo khẩn cấp cho phát thanh truyền hình tương tự, trong đó tạo điều kiện cho việc sử dụng các cơ sở hạ tầng vệ tinh và phát sóng trên bờ để phát các cảnh báo công cộng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp.

Bên cạnh đó, năm 2015, Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới (WRC-15) đã xác định phổ tần của thông tin di động băng rộng cho các dịch vụ khẩn cấp, quan trọng mạnh mẽ và đáng tin cậy trong việc bảo vệ công chúng và cứu trợ thảm họa (PPDR), chẳng hạn như cho các đội cảnh sát, cứu hỏa, xe cứu thương và ứng phó thiên tai. WRC-15 cũng tăng cường bảo vệ cho các đèn hiệu tìm kiếm và cứu hộ tới các vệ tinh, chẳng hạn như hệ thống Cospas-Sarsat đã hỗ trợ trong việc cứu hộ hơn 37.000 người trên toàn thế giới kể từ tháng 12/2013.

Ngày Phát thanh thế giới đánh dấu mốc kỷ niệm buổi phát sóng đầu tiên của Đài phát thanh của Liên Hợp Quốc năm 1946 khi phát thanh lời kêu gọi đầu tiên của mình: "Đây là Liên Hợp Quốc kêu gọi các dân tộc trên thế giới". Kể từ đó, Đài phát thanh Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc là thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới. Ngày Phát thanh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát thanh, tạo điều kiện tiếp cận thông tin qua đài phát thanh và tăng cường kết nối các nhà đài trên phạm vi toàn cầu.

Nguyễn Huy Cương biên dịch (Theo ITU)