Hội nghị là nơi trao đổi kinh nghiệm kiểm soát vệ tinh địa tĩnh, phi địa tĩnh của các quốc gia có hệ thống kiểm soát vệ tinh, các tổ chức hoạt động liên quan đến vệ tinh và là nơi giới thiệu những giải pháp công nghệ kiểm soát vệ tinh tiên tiến của các nhà sản xuất.
Tại cuộc họp dành cho các nhà quản lý, các đại biểu trình bày nhiều phương pháp, giải pháp liên quan đến kiểm soát vệ tinh. Một trong những chủ đề được quan tâm nhất là vai trò và sáng kiến của ITU để đảm bảo không có nhiễu đối với các nghiệp vụ không gian. Đây là chủ đề được các quốc gia tham dự đặc biệt quan tâm do liên quan đến phương thức phối hợp và xử lý nhiễu vệ tinh giữa các quốc gia thành viên của ITU.
ITU có những sáng kiến giúp giải quyết can nhiễu nhanh nhất để đảm bảo tính liên tục của hệ thống vệ tinh. Theo đó, khi xảy ra nhiễu giữa những nhà khai thác vệ tinh thuộc các quốc gia khác nhau, các bên cần chủ động phối hợp song phương; nếu không phối hợp được thì liên hệ với cơ quan quản lý của các nước. Trường hợp cơ quan quản lý các nước cũng không giải quyết được thì ITU sẽ giải quyết theo quy định của Thể lệ vô tuyến điện.
Hiện tại, ITU cũng đang nghiên cứu triển khai Hệ thống báo cáo và xử lý nhiễu vệ tinh trên nền tảng Web để 193 thành viên có thể sử dụng báo cáo khi có nhiễu. Ngoài ra, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Toàn quyền 186 tổ chức ở Busan – Hàn Quốc năm 2014, ITU triển khai ký kết thỏa thuận với các quốc gia thành viên có hệ thống thiết bị kiểm soát vệ tinh để chia sẻ thông tin, kiểm soát và phối hợp khi cần thiết. Tính đến nay, ITU đã ký kết thỏa thuận được với Đức, Việt Nam, Pakistan, Belarus Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và đang thảo luận với các nước Ukraine, Nga, Nhật Bản, Kazakhstan.
Tại phiên họp này, đại của Brazil đã chia kinh nghiệm kiểm soát và xử lý can nhiễu tại thế vận hội thế giới Rio – Brazil 2016; đại diện của Hàn Quốc giới thiệu về nhiễu và cách xác định nhiễu trong các trường hợp nhiễu vệ tinh lân cận, nhiễu do sử dụng không đúng băng tần số, nhiễu giữa vệ tinh phi địa tĩnh với vệ tinh địa tĩnh và đặc biệt nhiễu do bộ phát lặp của mạng thông tin di động đối với Đài trái đất.
Tại Hội nghị chuyên đề, nội dung tập trung về các kỹ thuật, phương pháp mới trong kiểm soát vệ tinh. Trong đó có phương pháp xử lý can nhiễu đối với tín hiệu TDMA sử dụng cho VSAT.
Dịch vụ VSAT là một trong những dịch vụ được sử dụng nhiều trong thông tin vệ tinh, nên nhiễu do các trường hợp VSAT gây ra chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số các vụ nhiễu vệ tinh hàng năm. Vì vậy, giải pháp mới được đưa ra là sử dụng gán ID cho các thiết bị đầu cuối trong mạng VSAT, qua đó giúp cho việc xác định được nguồn nhiễu nhanh và chính xác hơn.
Cùng với đó, giải pháp kết hợp xử lý can nhiễu bằng biện pháp kỹ thuật cũng được đưa ra đó là giải pháp loại bỏ tín hiệu nhiễu ngay tại đầu vào máy thu; kỹ thuật này đặc biệt quan trọng đối với những tín hiệu nhiễu có tỷ số S/N nhỏ hoặc là nhiễu bursts.
Trong các trường hợp nhiễu vệ tinh thì nhiễu sóng liên tục (CW) là một trong những trường hợp khó xác định chính xác vị trí nguồn nhiễu nhất. Tại Hội nghị kiểm soát vệ tinh lần này, các đại biểu đã được chia sẻ kinh nghiệm xác định nguồn nhiễu trong thực tế.
Theo đó, nhiễu xảy ra trong vài tuần và ảnh hướng tới một số bộ phát đáp của vệ tinh, gây nhiễu tới dải tần đường lên từ 14180 MHz – 14240 MHz. Qua quá trình kiểm soát và phân tích xác định đây là dạng tín hiệu nhiễu sóng liên tục. Sử dụng phần mềm ZODIAC DATA SYSTEMS CGL để ghi lại thông tin địa lý, trong hầu hết các trường hợp thời gian ghi 16 giây với mỗi 5 MHz băng thông. Điều này làm tăng khả năng thu được tín hiệu với khoảng thời gian dài phù hợp và cung cấp đủ băng thông để loại bỏ những sóng mang có khả năng gây nhiễu. Sau đó, sử dụng hệ thống định vị nguồn nhiễu bằng phương pháp TDOA/FDOA để đo và xác định vị trí nguồn nhiễu.
Tham dự Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam đã tích cực trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về công nghệ vệ tinh, các giải pháp kiểm soát, qua đótiếp thu được nhiều kinh nhiệm thực tế để phục vụ cho công tác kiểm soát vệ tinh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam cũng đã chia sẻ công tác kiểm soát vệ tinh với đại diện các Trung tâm Kiểm soát vệ tinh lớn trên thế giới như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil, Trung Quốc, Mỹ.