Ngay khi ra đời, nhiệm vụ của CCIR là thực hiện các nghiên cứu kỹ thuật về thông tin VTĐ. Cho đến năm 1992, CCIR đã xuất bản nhiều tiêu chuẩn quốc tế, báo cáo và sổ tay mô tả các thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực thông tin VTĐ, đặc biệt trong việc sử dụng tối ưu phổ tần số. Trong số này có các tiêu chuẩn toàn cầu cho truyền hình tương tự, truyền hình kỹ thuật số và phát thanh. CCIR cũng đã tiến hành các nghiên cứu để hỗ trợ cho các quyết định của Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới về quy hoạch phổ tần và các quy định kỹ thuật liên quan.
Vào năm 1992, CCIR được sáp nhập vào ITU-R. ITU-R được Hội nghị toàn quyền tại Geneva lập ra trong khuôn khổ cuộc cải cách của Liên minh Viễn thông quốc tế nhằm giúp cho hoạt động của tổ chức này linh hoạt hơn, thích nghi với một môi trường viễn thông ngày càng phức tạp, đầy tính tương tác và cạnh tranh. Ba lĩnh vực hoạt động chính của ITU đã được tổ chức thành các bộ phận (Sector), bao gồm: Thông tin vô tuyến điện (ITU-R), Tiêu chuẩn hóa viễn thông (ITU-T) và Phát triển viễn thông (ITU-D).
Ngày nay, các nghiên cứu của CCIR trước đây tiếp tục được thực hiện bởi các Nhóm Nghiên cứu ITU-R, với phạm vi mở rộng để bao quát cả các nghiên cứu về các vấn đề về quy định và thủ tục để khai thác tài nguyên tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Thành tựu của các Nhóm Nghiên cứu thuộc ITU-R được công nhận là minh chứng cho sự hợp tác đầy cảm hứng trên toàn cầu để tạo ra các quy định, tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất được áp dụng phổ biến, thể hiện qua sự phát triển liên tục của thông tin vô tuyến trong 30 năm qua với một thế giới được kết nối không dây.
Hiện nay, có hơn 5.000 chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý, giới công nghiệp viễn thông và các tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới tham gia vào các hoạt động của các Nhóm Nghiên cứu thuộc ITU-R với các chủ đề: Sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên phổ tần/quỹ đạo, truyền sóng vô tuyến, các đặc tính và hiệu năng của các hệ thống thông tin VTĐ trong tương lai, bao gồm các hệ thống cố định, di động hàng không, hàng hải và mặt đất, cứu trợ thảm họa bảo vệ cộng đồng, phát thanh truyền hình, vô tuyến định vị, thông tin vệ tinh, vô tuyến dẫn đường, khám phá trái đất, khí tượng học, khoa học vũ trụ và vô tuyến thiên văn.
Từ năm 1993 đến 2000, Việt Nam, đại diện là Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tham dự nhiều cuộc họp của các Nhóm Nghiên cứu ITU-R. Tuy vậy, việc tham gia vào các Nhóm Nghiên cứu này thực sự khởi sắc sau giai đoạn này. Từ sau năm 2000, Cục Tần số VTĐ đã đề ra chủ trương đổi mới vai trò và cách thức tham dự các hoạt động nghiên cứu tại ITU-R với phương châm: Chủ động - Tích cực - Sáng tạo, các chuyên gia của Cục đã tham gia sâu hơn vào các Nhóm Nghiên cứu và đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Một trong những minh chứng rõ nét là sự hiện diện của các chuyên gia Việt Nam trong một số cơ quan, tổ chức của ITU như: Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan hiện đang là thành viên của Ủy ban Thể lệ vô tuyến điện (RRB) - Ủy ban đặc biệt của ITU, bao gồm 12 chuyên gia quốc tế được lựa chọn từ 05 khu vực của Thế giới; 01 chuyên gia của Cục đã được ITU-R tuyển dụng để phụ trách mảng công việc quan trọng về thông tin vệ tinh; nhiều lượt cán bộ của Cục đã được bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch của các Nhóm Nghiên cứu ITU-R.
Những thành quả Cục Tần số VTĐ đạt được trong suốt quá trình tham gia ITU-R, đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng uy tín và nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế về lĩnh vực thông tin vô tuyến.
ITU-R đem đến một hệ sinh thái thông tin vô tuyến bền vững
Tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày ra đời CCIR/ITU-R, ông François Rancy - Giám đốc Cục Thông tin vô tuyến của ITU cho rằng: Hoạt động của các Nhóm Nghiên cứu thuộc ITU-R và trước đó là CCIR đã khai thác tiến bộ công nghệ vì lợi ích của tất cả mọi người và đem đến một hệ sinh thái thông tin vô tuyến bền vững, có sức ảnh hưởng trong hơn một thế kỷ qua và trở thành một phần cơ bản của thế giới ngày nay
Về phần mình, ông Malcolm Johnson - Phó Tổng Thư ký ITU nhấn mạnh: Một trong số những thành tựu lớn mà các nhóm nghiên cứu ITU-R đạt được là việc phát triển và thông qua các tiêu chuẩn về băng rộng di động IMT. Điều đó đã cách mạng hóa cách thức mà mọi người giao tiếp và truy cập internet, với việc cho ra đời các tiêu chuẩn về 3G, 4G và sắp tới sẽ là 5G.
Hiện tại, có nhiều nghiên cứu quan trọng đang diễn ra trong các Nhóm Nghiên cứu ITU-R bao gồm: 5G (IMT-2020) và đồng hồ điều khiển vô tuyến, tai nghe không dây trong mạng gia đình và văn phòng, hệ thống định vị vô tuyến để dẫn đường, hệ thống giao thông thông minh, thành phố thông minh, công nghệ UHDTV tiên tiến, vệ tinh chụp ảnh trái đất, vệ tinh khí tượng, thông tin liên lạc khẩn cấp và hệ thống cảnh báo thiên tai.
Có thể nói, các Nhóm Nghiên cứu ITU-R đã đang phát triển các cơ sở về mặt kỹ thuật để cho ra đời các quyết định quan trọng tại các Hội nghị Thông tin vô tuyến Thế giới được tổ chức định kỳ 4 năm một lần. Các nhóm nghiên cứu cũng phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu (các Khuyến nghị), Báo cáo và Sổ tay về các vấn đề trong thông tin vô tuyến.
Tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, các Nhóm Nghiên cứu của ITU-R tổ chức phiên thảo luận nhóm về tầm quan trọng của các hoạt động của các Nhóm Nghiên cứu CCIR/ITU-R và sự đóng góp của các nhóm này trong việc hình thành và hỗ trợ hệ sinh thái không dây toàn cầu. Phiên thảo luận này đã thu hút sự tham dự của nhiều đại diện đến từ Hiệp hội GSM (GSMA); Hiệp hội các nhà khai thác vệ tinh EMEA (ESOA); Liên minh Phát thanh Truyền hình Châu Âu (EBU); Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO); Ủy ban châu Âu; Hiệp hội TETRA (TCCA); Cơ quan Hàng không và không gian Hoa Kỳ (NASA);…
Bên cạnh đó, để chào mừng dấu mốc 90 năm thành lập ITU-R, trong năm 2017, hàng loạt sự kiện đã được ITU tổ chức như: Kỳ họp cấp cao Bộ trưởng của Diễn đàn WSIS với chủ đề “ITU trao quyền cho hệ sinh thái không dây” (tháng 6/2017); Diễn đàn riêng tại ITU TELECOM World 2017 về "Trao quyền và định hình hệ sinh thái không dây" (tháng 9/2017); Phiên họp đặc biệt của Nhóm Nghiên cứu 6 -về Phát thanh Truyền hình thuộc ITU-R, kỷ niệm 90 năm ra đời các Nhóm Nghiên cứu của CCIR/ITU-R và 45 năm ngày bắt đầu nghiên cứu về truyền hình số, truyền hình độ phân giải cao (tháng 10/2017).