Bước tiến mới về truyền, nhận dữ liệu 6G bằng phổ tần THz với khoảng cách hơn 500 mét

10/10/2023

(rfd.gov.vn)- Công nghệ di động thế hệ thứ 6 (6G) đã đạt một bước tiến mới khi đầu tháng 9/2023, Công ty Công nghệ LG Electronics của Hàn Quốc đã thực hiện thành công việc truyền, nhận dữ liệu 6G ở hai địa điểm cách nhau hơn 500 mét sử dụng phổ tần Terahertz (THz).

 

LG Electronics đã hợp tác với nhà mạng di động LG Uplus để thử nghiệm và đạt được cột mốc quan trọng trong truyền, nhận dữ liệu 6G với khoảng cách kỷ lục lên tới hơn 500 mét ở phổ tần THz môi trường ngoài trời.

Đây là khoảng cách dài nhất được ghi nhận trong bất kỳ thử nghiệm 6G nào được thực hiện ngoài trời ở khu vực thành thị cho đến nay. Kết quả đột phá này thể hiện sự dẫn đầu liên tục của LG trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G.

Thành tựu mới nhất này tiếp nối cuộc thử nghiệm thành công vào năm 2022 của LG tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Fraunhofer Heinrich-Hertz ở Berlin - Đức, khi cho phép truyền và nhận dữ liệu 6G trong băng tần THz ở khoảng cách 320 mét ngoài trời. LG và Viện Nghiên cứu Fraunhofer đã hợp tác để phát triển thiết bị lõi cho công nghệ 6G, bao gồm bộ khuếch đại công suất đa kênh và bộ khuếch đại tạp âm của máy thu, giúp tối ưu hóa hiệu suất và cải thiện công suất đầu ra hơn 50%.

Kết quả thử nghiệm lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G, không chỉ vì LG đã tăng khoảng cách truyền, nhận dữ liệu 6G lên 500m, khoảng cách tiêu chuẩn giữa các trạm gốc công suất cao ở khu vực thành thị, mà còn giúp khẳng định khả năng sử dụng công nghệ 6G ở nhiều tình huống khác nhau trong thế giới thực. Điều đó đã thúc đẩy một bước tiến gần hơn đến việc thương mại hóa công nghệ 6G.

Các công nghệ di động 5G, 6G được phát triển giúp cho tốc độ dữ liệu tăng đáng kể, độ trễ cực thấp, độ tin cậy cao và sự kết hợp giữa truyền thông và trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như truyền thông và cảm biến. Ngoài việc mang lại những trải nghiệm đa phương tiện phong phú, các tính năng tiên tiến của công nghệ 6G sẽ rất quan trọng đối với một số hoạt động kinh doanh trong tương lai bao gồm xe tự lái, vũ trụ ảo (metaverse), nhà thông minh và nhà máy thông minh.

Thảo luận về tiêu chuẩn hóa 6G dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2025, ​​thương mại hóa dự kiến vào năm 2029. Khoản đầu tư của LG vào R&D, quan hệ đối tác chiến lược và trình diễn công nghệ thành công cho thấy sự sẵn sàng và quyết tâm của Công ty trong việc dẫn đầu quá trình chuyển đổi toàn cầu sang 6G.

Vào năm 2019, LG đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu về 6G với sự hợp tác của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST). Vào đầu tháng 8/2021, Trung tâm này đã tuyên bố thử nghiệm thành công giải pháp điều khiển búp sóng hướng tới mục tiêu (Beamforming) với mức suy hao thấp trong băng tần THz.

Giải pháp sử dụng công nghệ Beamforming trong băng tần THz được cho là phù hợp với việc truyền tải dữ liệu tốc độ cực cao trong mạng thông tin di động 6G vì nó có thể sử dụng băng thông rộng hơn rất nhiều so với băng thông được sử dụng trong mạng 5G. Đồng thời giải pháp này cũng giúp giải quyết tình trạng tín hiệu bị suy hao lớn, dẫn đến giảm khoảng cách liên lạc do sử dụng phổ tần số trong băng tần rất cao như băng tần THz.

Beamforming là một kỹ thuật xử lý tín hiệu được sử dụng trong các mảng cảm biến để truyền hoặc nhận tín hiệu định hướng và tập trung công suất đến người dùng mong muốn để tạo chùm tia nhằm mở rộng vùng phủ sóng và tăng tốc độ truyền tải dữ liệu.

 

Tài liệu tham khảo:

[1].https://www.lgnewsroom.com/2023/09/lg-sets-new-record-successfully-transmitting-receiving-6g-thz-data-over-distance-of-500-meters/

[2]. https://www.ajudaily.com/view/20210803144143586

 

Phan Văn Hòa