Quy hoạch băng tần 694-806 MHz (gọi tắt là băng tần 700 MHz) quy định tại Thông tư 19/2019/TT-BTTTT sẽ áp dụng để triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo. Băng tần 700 MHz được quy hoạch 3 khối song công theo tần số, mỗi khối có độ rộng 10 MHz.
Trong đó, đoạn băng tần 703-733 MHz được dành làm băng tần đường lên, gồm 03 khối: B1, B2 và B3; đoạn băng tần 758-788 MHz được dành làm băng tần đường xuống, gồm 03 khối: B1’, B2’ và B3’.
Doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 01 khối trong tổng số 03 khối song công phân chia theo tần số (FDD) là B1-B1’, B2-B2’, B3-B3’ và được sử dụng theo quy định trong giấy phép sử dụng băng tần.
Đoạn băng tần 694-703 MHz được dành làm băng tần bảo vệ.
Đối với đoạn băng tần 733-758 MHz và 788-806 MHz, Thông tư 19/2019/TT-BTTTT quy định: Các hệ thống vô tuyến chuyên dùng hiện đang tạm thời hoạt động trong các đoạn băng tần này phải có kế hoạch chuyển đổi tần số để giải phóng băng tần, không được triển khai mới hệ thống vô tuyến chuyên dùng trong các đoạn băng tần này.
Riêng đoạn băng tần 786-788 MHz, khi sử dụng tại một số khu vực, doanh nghiệp phải bảo đảm mức cuờng độ điện trường không vượt quá 42 dBµV/m/3MHz đo ở độ cao 10 mét từ mặt đất, nhằm không gây nhiễu có hại cho hệ thống vô tuyến chuyên dùng hiện đang tạm thời hoạt động trong đoạn băng tần này; trong trường hợp nhiễu có hại xảy ra, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để xử lý hết nhiễu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện).
Về điều khoản thực hiện quy hoạch, Thông tư 19/2019/TT-BTTTT quy định: Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng mới và triển khai thêm các thiết bị vô tuyến điện không phải là IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo trong băng tần 700 MHz; các doanh nghiệp triển khai hệ thống thông tin di động IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo trong băng tần 700 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và áp dụng các biện pháp phòng tránh nhiễu có hại.
Việc ban hành Quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội: Doanh nghiệp có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để tiến hành đấu giá và cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân khi dịch vụ thông tin di động 4G/5G được phát triển, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi.
Tại Việt Nam, băng tần băng tần 700 MHz trước đây chủ yếu được sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất. Tuy vậy, hệ thống này cơ bản đã được thay thế bởi truyền hình số mặt đất theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (ban hành tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Theo thống kê của Cục Tần số vô tuyến điện, hiện chỉ còn gần 25 máy phát hình tương tự tại các khu vực Tây nguyên, miền núi đang sử dụng các kênh tần số thuộc băng tần 700 MHz. Các máy phát hình vừa nêu sẽ ngừng hoạt động trước 31/12/2020 theo Đề án nói trên. Theo đó, đến hết năm 2020, băng tần 700 MHz dùng cho truyền hình sẽ được giải phóng.
Băng tần dưới 1000 MHz nói chung và băng tần 700 MHz nói riêng có giá trị sử dụng cao đối với thông tin di động do có khả năng truyền sóng tốt, mang lại hiệu quả đầu tư cao. Các băng tần này có thể được sử dụng để cung cấp vùng phủ rộng tại khu vực nông thôn, ngoại ô và có khả năng phủ sóng sâu trong nhà tại các khu vực đô thị lớn, có mật độ cao về dân cư và công trình xây dựng. Tại Việt Nam, băng tần 900 MHz đã được cấp phép hoàn toàn và đang được sử dụng phần lớn cho hệ thống 2G và 3G. Do vậy, băng tần 700 MHz có vai trò quan trọng để triển khai mở rộng các mạng 4G và làm nền tảng triển khai các mạng 5G trong tương lai gần.
Trên thế giới, khu vực Châu Âu và 50 quốc gia, vùng lãnh thổ tại Đông Nam Á, Châu Á và Nam Mỹ cũng có quy hoạch và định hướng quy hoạch băng tần 700 Mhz hài hòa với phương án quy hoạch theo phương thức song công theo tần số do Châu Á – Thái Bình Dương đề xuất (APT700 FDD). Trong số đó, nhiều quốc gia đã cấp phép triển khai mạng thông tin di động 4G với khoảng trên 50 mạng. Một số các nước Châu Âu như Na Uy, Thụy Sỹ, Đan Mạch đã cấp phép băng tần 700 MHz để triển khai mạng thông tin di động 5G.