Chuẩn Wi-Fi mới trên các băng tần công nghiệp, khoa học và y tế

07/04/2016

(rfd.gov.vn)- Mới đây, Wi-Fi Alliance đã phê chuẩn chuẩn IEEE 802.11ah (Wi-Fi HaLow) là chuẩn Wi-Fi mới, dự kiến sẽ thương mại trong năm 2016. Chuẩn Wi-Fi này sẽ hoạt động ở băng tần Công nghiệp, Khoa học và Y tế (ISM) dưới 1GHz.

IEEE 802.11ah được phát triển nhằm mở rộng vùng phủ của Wi-Fi hiện tại và hướng tới Internet vạn vật (Internet of Things - IoT). Để đạt được những điều này sẽ phải xây dựng lớp vật lý và lớp MAC mới. Tốc độ dữ liệu của chuẩn 802.11ah sẽ kém hơn chuẩn 802.11ac và các chuẩn Wi-Fi khác.

Ngoài việc sử dụng thêm băng tần, 802.11ah sẽ tăng diện tích vùng phủ do đặc tính truyền sóng của các băng tần thấp. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho người sử dụng được dùng các mạng cảm biến diện rộng và san tải cho mạng di động.

Có một vài băng ISM dưới 1 GHz khả dụng cho IEEE 802.11ah. Tuy nhiên, các băng tần này không giống nhau trên toàn thế giới mà khác nhau ở mỗi quốc gia, khu vực.

 Băng tần danh cho IEEE 802.11ah có sự khác nhau giữa các nước
Chuẩn IEEE 802.11ah phân kênh dựa trên phổ tần của mỗi quốc gia. Độ rộng kênh cơ sở là 1 MHz và có thể ghép 2 kênh 1MHz liền kề thành một kênh 2 MHz để có dung lượng cao hơn, kênh có độ rộng lớn nhất là 16 MHz. Cách liên kết kênh cũng giống như chuẩn 802.11n và 802.11ac, có thể sử dụng các kênh có độ rộng là 1, 2, 4, 8 và 16 MHz.

Các nước khác nhau có phân bổ tần số khác nhau và các kênh cũng khác nhau trên các đoạn tần số khác nhau, tuy nhiên chúng sẽ cùng sử dụng một phương thức ghép kênh cơ bản như trên và sẽ không được ghép quá số kênh tối đa cho phép.

Chuẩn 802.11ah sử dụng ghép kênh phân chia theo tần số trực giao (OFDM) để điều chế tín hiệu. Lớp vật lý của chuẩn 802.11ah được chia làm 2 loại:

* Độ rộng kênh 1 MHz dành cho các ứng dụng cần vùng phủ rộng. Băng thông hẹp hơn và tốc độ dữ liệu thấp hơn cho phép cường độ tín hiệu thấp vẫn có thể truyền được. Các ứng dụng sử dụng chế độ này thường là ứng dụng IoT hoặc M2M do dữ liệu ít, tốc độ thấp.

Số lượng sóng mang con dữ liệu trên một ký hiệu OFDM là 24, ít hơn một nửa so với kênh 2MHz do phải có băng tần bảo vệ giữa hai sóng mang con.

* Độ rộng kênh 2 MHz và cao hơn, chế độ này sử dụng độ rộng kênh 2, 4, 8 hoặc 16 MHz; vẫn sử dụng OFDM và MIMO.

Trong cả hai chế độ, 802.11ah sử dụng khoảng cách giữa các sóng mang con OFDM là 31,25 kHz.

Vùng phủ của 802.11ah băng 900MHz so với các băng tần khác

 

Tốc độ dữ liệu của chuẩn IEEE 802.11ah thấp hơn các chuẩn 802.11ac hay các chuẩn khác thuộc họ 802.11. Tuy nhiên, nó có một vài ưu điểm nổi bật để có thể được sử dụng rộng rãi như vùng phủ rộng, công suất thấp, còn với các tình huống sử dụng yêu cầu tốc độ cao thì các chuẩn 802.11ac Gigabit Wi-Fi hay 802.11ad vẫn sẽ được đặt lên hàng đầu.

Với chuẩn mới, Wi-Fi có thể linh động sử dụng băng tần, tuy nhiên, như trên đã đề cập giữa các nước băng tần ISM là khác nhau. Do vậy, một yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu đưa ra băng tần hài hòa cho khu vực hoặc quốc tế. Vấn đề này cũng đặt ra cho cơ quan quản lý của Việt Nam là cần đưa ra quy định, hướng dẫn về việc cho phép nhập khẩu hoặc sử dụng thiết bị chuẩn Wi-Fi mới này để tránh ảnh hưởng đến các hệ thống đang có, đặc biệt là hệ thống thông tin di động băng tần 900 MHz.

Tài liệu tham khảo:

https://www.qualcomm.com/invention/research/projects/wi-fi-evolution/80211ah  

https://en.wikipedia.org/wiki/IEEE_802.11ah

http://riverpublishers.com/journal/journal_articles/RP_Journal_2245-800X_115.pdf

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BB%95_t%E1%BA%A7n_s%E1%BB%91_v%C3%B4_tuy%E1%BA%BFn

Nam Phong