Tăng thời gian tạm dừng sử dụng vị trí quĩ đạo

11/04/2016

(rfd.gov.vn)- Đó là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng của Thể lệ vô tuyến về đăng ký và phối hợp quĩ đạo vệ tinh đã được thông qua tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2015 (WRC-15), tổ chức vào tháng 11/2015 tại Thụy Sỹ.

Tăng thời gian tạm dừng sử dụng vị trí quĩ đạo lên 03 năm

Băng tần Ku đã được sử dụng phổ biến trên vệ tinh và trở nên ngày càng chật chội, do đó xu hướng chung của khu vực là chuyển sang sử dụng phần băng tần Ku qui hoạch sử dụng cho mỗi nước (vùng dịch vụ chỉ phủ trên phạm vi nước đó). Thực tế cho thấy đã có sự gia tăng đột biến về hồ sơ đăng ký sử dụng băng tần này trong vài năm gần đây. Dự báo trong thời gian tới số lượng vệ tinh phóng lên quĩ đạo sử dụng băng tần này sẽ tăng nhanh chóng. Vệ tinh VINASAT-2 được phóng lên quĩ đạo cũng có một số bộ phát đáp sử dụng băng tần này; vệ tinh của Lào (LAOSAT-1) vừa được phóng lên vào năm 2015 cũng sử dụng băng tần Ku qui hoạch.

Vùng phủ của Vệ tinh Vinasat-1

Nghiên cứu sâu về các qui định đối với băng tần Ku qui hoạch, Cục Tần số vô tuyến điện nhận thấy thời gian tạm dừng sử dụng một vị trí quĩ đạo là 02 năm, không đủ để xây dựng dự án khả thi và phóng vệ tinh thay thế. Trên cơ sở đó, Cục Tần số VTĐ đã gửi báo cáo đề xuất tăng thời gian tạm dừng sử dụng một vị trí quĩ đạo lên Ủy ban đặc biệt của ITU về các vấn đề thể lệ và thủ tục. Sau khi thảo luận, Ủy ban này đã xây dựng báo cáo gửi Hội nghị chuẩn bị cho WRC-15. Vấn đề này sau đó trở thành một trong 12 chủ đề chính thức về vấn đề Thể lệ vệ tinh và đã được WRC-15 thông qua như đề xuất của Việt Nam, đó là cho phép tăng thời gian tạm dừng sử dụng vị trí quĩ đạo từ 02 năm lên 03 năm, đồng thời định nghĩa lại khái niệm đưa vệ tinh vào sử dụng cho băng tần qui hoạch.

Minh bạch thông tin sử dụng tần số quĩ đạo vệ tinh

Minh bạch thông tin luôn là vấn đề được cộng đồng vệ tinh quan tâm, do đó trong Thể lệ vô tuyến đã có qui định việc xuất bản thông tin trong Thông tư thông tin về tần số và công bố trên trang thông tin điện tử các thông tin quan trọng liên quan đến đăng ký và phối hợp quĩ đạo vệ tinh, cụ thể là thông tin về đăng ký hồ sơ phối hợp vệ tinh với tất cả tham số quĩ đạo cũng như vùng phủ, vùng dịch vụ của vệ tinh; thông tin về danh sách các nước có thể bị ảnh hưởng do can nhiễu từ mạng mới đăng ký; thông tin về hồ sơ công bố vị trí quĩ đạo và các tham số liên quan ghi vào bảng tần số chủ; thông tin về nhà sản xuất vệ tinh và nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh. Ngoài ra còn phải công khai nhiều thông tin khác chưa được xuất bản và công bố chi tiết.

Thông tin các mạng vệ tinh được ITU công bố trong đĩa BR IFI

 
   

Trước WRC-15, không có điều khoản nào cụ thể liên quan trực tiếp đến thông tin công bố của các nước về việc đưa quĩ đạo vệ tinh vào sử dụng, cũng như việc tạm dừng sử dụng vị trí quĩ đạo. Trên thực tế, việc đưa một mạng vệ tinh vào sử dụng  không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là vấn đề thể lệ và nó nằm trong chuỗi các công đoạn cần thực hiện để hoàn thành đưa ấn định tần số vào bảng tần số chủ của ITU. Thông tin này rất cần thiết cho các nước liên quan, đặc biệt là các nước có mạng vệ tinh bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, WRC-15 đã thông qua việc sửa đổi về minh bạch thông tin đưa mạng vệ tinh vào sử dụng.

Thẩm định thông tin đưa mạng vệ tinh vào sử dụng

Thể lệ vô tuyến qui định: Một mạng vệ tinh được xem như đã đưa vào sử dụng, khi nước đăng ký đã  phóng và đưa vào sử dụng một vệ tinh ở vị trí quỹ đạo đã đăng ký. Vệ tinh này phải có khả năng thu và phát các tần số đã đăng ký. Việc tuân thủ qui định này thực ra không đơn giản, bởi đầu tư một quả vệ tinh cần nguồn vốn rất lớn và thực hiện nhiều thủ tục hành chính liên quan, nhà khai thác phải hoàn thành phối hợp tần số với các nước có mạng vệ tinh bị ảnh hưởng,  ngoài ra còn một số lý do chủ quan, khách quan khác. Do đó, có nhiều nước mặc dù công bố đưa mạng vệ tinh vào sử dụng, nhưng thực tế không có vệ tinh được triển khai; hoặc có vệ tinh nhưng không có băng tần tương ứng với đăng ký; hoặc có vệ tinh nhưng chỉ có tần số điều khiển và đo xa - những trường hợp này không thể xem là đã đưa vệ tinh vào sử dụng.

Vì lẽ đó, WRC-15 đã sửa đổi các qui định trong Thể lệ vô tuyến cho phép Cục Thông tin vô tuyến của ITU thẩm định thông tin về đưa mạng vệ tinh vào sử dụng.

Phải khai báo thông tin khi sử dụng vệ tinh cũ

Việc sử dụng một vệ tinh để đưa mạng vệ tinh vào hoạt động là một công đoạn bắt buộc, nếu không hồ sơ đăng ký quĩ đạo vệ tinh sẽ bị xóa. Trước năm 2012, định nghĩa về đưa mạng vệ tinh vào sử dụng chỉ đề cập một cách chung chung và định nghĩa này đã tồn tại hàng chục năm. Cùng với thời gian, số lượng vệ tinh được phóng lên quĩ đạo tăng lên, việc tìm kiếm một vị trí quĩ đạo mới trở nên vô cùng khó khăn, dẫn đến việc lạm dụng Thể lệ để chiếm giữ vị trí quĩ đạo nhưng không sử dụng. Thực tế ở giai đoạn này, nhiều nước khi vừa phóng vệ tinh lên quĩ đạo đã tận dụng khoảng thời gian cho phép để kiểm tra thử hoạt động của vệ tinh (khoảng 01 tháng) để đưa vệ tinh vào nhiều vị trí quĩ đạo và công bố là đã sử dụng, hoặc có thể kéo một vệ tinh cũ vào một vị trí quĩ đạo mới, sau đó tiếp tục di chuyển vệ tinh tới các quĩ đạo khác, hoặc thuê một vệ tinh cũ và đưa vào sử dụng ở một vị quĩ đạo vài ngày rồi chuyển lại vị trí cũ.

Tại WRC-12, Hội nghị đã quyết sửa lại khái niệm đưa vệ tinh vào sử dụng, trong đó qui định một vệ tinh bắt buộc phải ở một vị trí quĩ đạo là 90 ngày mới được xem là đã đưa mạng vệ tinh vào sử dụng. Quyết định này được xem như bước đột phá về khái niệm đưa vào sử dụng và đã có tác động tích cực đến việc giảm thiểu vệ tinh giấy.

Đưa một vệ tinh vào nhiều vị trí quĩ đạo

Tuy vậy, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2015, nhiều quan sát thực tế cho thấy có tình trạng chuyển vệ tinh đã sử dụng từ vị trí quĩ đạo hiện thời đến vị trí quĩ đạo mới và đưa vào sử dụng trong thời hạn 90 ngày và thông báo vị trí quỹ đạo mới đã có vệ tinh hoạt động, nhưng sau đó lại chuyển vệ tinh sang vị trí quĩ đạo khác. Việc sử dụng “thủ thuật” này để chiếm giữ vị trí quĩ đạo đã gây rất nhiều khó khăn cho các dự án vệ tinh thật. Chính vì vậy, WRC-15 đã thông qua nghị quyết yêu cầu các nước khi sử dụng vệ tinh cũ phải khai báo các thông tin: Vị trí quĩ đạo trước đây mà vệ tinh được đưa vào sử dụng hoặc sử dụng lại, mạng vệ tinh liên quan đến vị trí quĩ đạo và thời gian vệ tinh dời vị trí quĩ đạo trước đó.

Kết quả này được đánh giá là một thành công của Hội nghị, mặc dù vậy theo nhiều chuyên gia vẫn chưa đủ để lấp lỗ hổng về việc sử dụng một vệ tinh để đưa vào sử dụng ở các vị trí quĩ đạo khác nhau trong một thời gian ngắn.

 

Đăng ký quĩ đạo vệ tinh nhằm có được vị trí trên vũ trụ để phóng vệ tinh, xác định chủ quyền quốc gia trong không gian vũ trụ. Đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn về kỹ năng đàm phán, kỹ thuật tính toán can nhiễu, mà còn phải có hiểu biết sâu về Thể lệ vô tuyến điện.

Sớm nhận thức được điều này, từ những năm 1997, Cục Tần số VTĐ đã lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu về vệ tinh và thường xuyên tham gia các hội nghị quốc tế để nghiên cứu, cập nhật các qui định của Thể lệ vô tuyến điện. Nhờ đó, một thời gian sau các chuyên gia của Việt Nam đã có các báo cáo đề xuất sửa đổi một qui định trong Thể lệ vô tuyến điện về đăng ký, phối hợp tần số quĩ đạo vệ tinh.

Đặc biệt, tại WRC-07, Việt Nam đã xây dựng báo cáo hội nghị, đề xuất và bảo vệ thành công việc kéo dài thời gian sống cho hồ sơ vệ tinh, góp phần đảm bảo cho việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-1. Tại WRC-12, một lần nữa, Việt Nam đã thực hiện thành công việc kéo dài thời gian sống cho hồ sơ vệ tinh tạo tiền đề cho việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-2. Đây là kết quả rất bất ngờ đối với nhiều chuyên gia ITU, nhà thầu sản xuất vệ tinh của Mỹ và tư vấn của Canada, bởi trước đó họ đều đánh giá là không khả thi.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Report of the CPM on operational and procedural matters to the World Radiocommunication Confererence 2015.

2. World Radiocommunication Confererence 2015 (22-27/11/2015).

Nguyên Phương