Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, mặt biển lớn và lượng tàu thuyền đông đảo, nên các nội dụng nghiên cứu về hàng hải tại nhóm nghiên cứu 5 của ITU-R và Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2015 (WRC-15) luôn được quan tâm đặc biệt.
Thông tin an toàn hàng hải NAVTEX
Trên quy mô toàn cầu, trước năm 1988, số lượng tàu vận tải gặp tai nạn, rủi ro trong hoạt động hàng hải tương đối lớn, đặc biệt là ở những nơi có mật độ tàu qua lại nhiều. Nguyên nhân là do việc thu nhận các bản tin thông báo nguy hiểm trên biển chưa được đầy đủ và kịp thời, phương thức thông tin trên biển còn nhiều hạn chế. Ngoài những bản tin thu nhận từ phương thức thông tin như điện báo Morse trên tần số 500 kHz hay thoại vô tuyến trên tần số 2.182 kHz thì các tàu không còn nguồn thông tin nào khác. Vấn đề này đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Thủy văn quốc tế (IHO) ghi nhận.
Trước đó, vào những năm 70, đài bờ điện báo tại Cullercoats Vương quốc Anh bắt đầu phát quảng bá thông tin dự báo thời tiết và cảnh báo gió bão cho khu vực Biển Bắc và Eo biển Măng (English Channel), một dạng thử nghiệm truyền thông tin dự báo bằng điện báo vô tuyến, tiền thân của NAVTEX. Hoạt động này nhận được phản hồi tích cực từ những người đi biển và sau đó đến 4/1983 dịch vụ này được chính thức đưa vào hoạt động, hỗ trợ thêm cho 2 kênh Morse 500 kHz và Thoại 2.182 kHz.
Đến năm 1987, NAVTEX đã được các nước khác chấp thuận đưa vào sử dụng và thông tin được mở rộng thêm để bao gồm toàn bộ các thông tin An toàn hàng hải như hiện nay. Đồng thời, dịch vụ NAVTEX trên tần số 518 kHz đã được chính thức hoá trong Thể lệ Thông tin vô tuyến điện tại Hội nghị về các dịch vụ di động của các cơ quan quản lý tần số vô tuyến thế giới (World Administrative Radio Conference for Mobile Services), tiền thân của WRC. Năm 1994, phiên bản thứ 2 của Sổ tay NAVTEX đã được xuất bản và sau đó chỉ có thêm một phiên bản mới nhất có hiệu lực vào năm 2013. NAVTEX cũng được tích hợp vào quy định của hệ thống GMDSS và trở thành trang bị bắt buộc được SOLAS quy định từ 01/8/1993.
Để đảm bảo phủ sóng trên phạm vi toàn bộ các vùng biển của thế giới, các thiết bị phát không gây can nhiễu lẫn nhau, không gây can nhiễu cho các vùng thu tín hiệu của đài tàu biển, Tổ chức Hàng hải quốc tế - IMO đã phân chia vùng phát tín hiệu NAVTEX thành 21 vùng địa lý với kích thước đủ lớn so với vùng phủ sóng của mỗi đài NAVTEX, gọi là các NAVAREA (được đánh số từ NAVAREA I đến NAVAREA XXI). Nếu trong cùng một khoảng thời gian, mỗi vùng NAVAREA chỉ có một đài phát NAVTEX (với sự phân bố vị trí hợp lý) hoạt động, thì dù sử dụng chung tần số phát 518 kHz nhưng với khoảng cách đủ xa (lên tới hàng nghìn hải lý) các đài phát NAVTEX cũng không gây can nhiễu lẫn nhau.
Mỗi vùng NAVREA có một nước đóng vai trò là Trung tâm điều phối, sẽ điều phối việc phát cảnh báo hành hải. Hình dưới đây là sơ đồ các vùng hàng hải đã được tổ chức IMO quy định và đưa ra một nước chịu trách nhiệm điều phối việc phát thông tin NAVTEX. Việt Nam nằm trong vùng NAVREA XI và Nhật Bản đóng vai trò là Trung tâm điều phối tại vùng NAVREA XI.
NAVDAT: NAVTEX thế hệ 2
Mặc dù có vai trò rất quan trọng, song NAVTEX có một nhược điểm là tốc độ truyền tin chậm (do hoạt động trên phương thức điện báo băng hẹp - NBDP) nên lượng thông tin có thể truyền tải bị hạn chế, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, nguy cơ về thiên tai, bão lụt và động đất, sóng thần cũng như mức độ phức tạp của hoạt động hành hải ngày càng tăng. Từ đó dẫn đến nhu cầu ra đời một thế hệ NAVTEX tiếp theo có khả năng cung cấp dịch vụ với tốc độ dữ liệu cao hơn.
Từ cuối năm 2012, nhóm nghiên cứu số 5 (SG5) của ITU-R đã nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời một số nước đã tiên phong phát triển hệ thống NAVTEX tiên tiến sử dụng kỹ thuật số (gọi tắt là NAVDAT) để khắc phục những điểm yếu của NAVTEX truyền thống trong băng tần 500 kHz, ITU-R cũng xem xét mở rộng thêm một số tần số dải HF để phát NAVDAT.
SG5 đã thực hiện nghiên cứu khả năng sử dụng kỹ thuật truyền dẫn số để phát quảng bá thông tin MSI trên tần số 500 kHz với mục tiêu hệ thống mới phải không bị và không gây ảnh hưởng đến hệ thống NAVTEX hiện đang hoạt động trên các tần số 490 kHz và 518 kHz. Kể từ đầu những năm 1990, tần số 500 kHz được dùng làm tần số gọi và cứu nạn hàng hải theo phương thức điện báo Moóc. Tuy nhiên, đến năm 1999 theo SOLAS thì chức năng này đã bị thay thế bằng GMDSS và sau đó WRC-07 đã xoá bỏ phân bổ cho gọi và cứu nạn trong băng tần 495-505 kHz, theo đó các nước đã dần ngừng sử dụng băng tần này. Cùng với lợi thế về mặt truyền sóng, băng tần 495-505 kHz đã được SG5 quan tâm xem xét phát triển hệ thống NAVTEX kỹ thuật số mới theo mục đích và tiêu chí nói trên.
Nằm trong chương trình nghiên cứu của SG5, Cơ quan quản lý tần số Pháp đã cho thử nghiệm 01 đài phát NAVDAT, kết quả thử nghiệm thu được khá khả quan. Theo đó chỉ với công suất phát của đài bờ khoảng 10W ERP trên tần số 500 kHz, suy hao đường truyền vào khoảng 12dB cho sóng đất từ đài bờ ra đến bờ biển (đài phát đặt cách bờ biển khoảng 10 đến 25km) vẫn có thể phủ sóng được đến 165 hải lý như thiết kế. Trên thế giới, một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đã lên kế hoạch triển khai thử nghiệm hệ thống NAVDAT.
Với những kết quả nghiên cứu khả quan tại SG5, WRC-12 đã đồng ý phân bổ đoạn băng tần 495-505 kHz cho các hệ thống Hàng hải, giúp mở đường cho việc triển khai NAVDAT. Tuy nhiên, để có thể bảo vệ hoạt động của hệ thống NAVDAT trên đoạn băng tần này, các nước cũng đang xem xét khả năng sửa đổi Thể lệ thông tin vô tuyến điện (RR), nhằm bổ sung quy định (footnote) riêng cho việc sử dụng NAVDAT trong một kỳ WRC tới đây.
Ngoài ra, tại IMO, nằm trong chương trình tổng thể về hiện đại hoá hệ thống GMDSS, NAVDAT được xem như một thành phần của GMDSS thế hệ 2 với chức năng cung cấp thông tin MSI tại các vùng biển A1, A2, A3 thay thế cho NAVTEX. Bên cạnh đó, Hiệp hội các cơ quan quản lý về trợ giúp dẫn đường hàng hải và hải đăng quốc tế (IALA) cũng đang nghiên cứu mở rộng Quy hoạch thông tin vô tuyến hàng hải (MRCP) phiên bản 2.0, trong đó có nhắc đến NAVDAT như là bản nâng cấp lên kỹ thuật số của NAVTEX với các đặc tính kỹ thuật và khai thác được miêu tả tại Khuyến nghị ITU-R M.2010.
Sau khi được WRC bổ sung quy định (dưới hình thức footnote) vào RR cũng như được các tổ chức IMO và IALA công nhận là một thành phần của GMDSS 2.0 và MRCP 2.0, xu hướng tiến tới sử dụng hệ thống NAVDAT sẽ đánh dấu một bước phát triển vượt trội về công nghệ phát quảng bá thông tin MSI trong dải tần MF, vừa đảm bảo sử dụng được song song với hệ thống NAVTEX vừa có thể tái sử dụng băng tần 500 kHz cũng như hệ thống anten sẵn có.
Với chiến lược biển của Việt Nam, nhằm đảm bảo cho hoạt động phát quảng bá thông tin an toàn trên biển (sử dụng phương thức NAVTEX hiện nay và NAVDAT tới đây) được thông suốt, phù hợp với nhu cầu của cộng đồng hàng hải, Cục Tần số vô tuyến điện đã và đang rất quan tâm nghiên cứu về công nghệ, để đề xuất điều chỉnh các văn bản pháp quy có liên quan như Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện, Thông tư về tần số an toàn cứu nạn trên biển.
Tài liệu tham khảo: Tổng hợp từ các tài liệu gửi đến & thảo luận trong cuộc họp của các nước tại Nhóm nghiên cứu 5 của ITU; Đề tài nghiên cứu khoa học, mã số 03-2014-KHCN-CTS, năm 2014, Cục Tần số vô tuyến điện.