Bộ TTTT xem xét sửa đổi, bổ sung Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

19/04/2021

(rfd.gov.vn)- Ngày 20/12/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2018/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 về Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu kết nối vô tuyến theo xu hướng phát triển công nghệ và nhu cầu sử dụng cũng như định hướng sản xuất, kinh doanh thiết bị VTĐ tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 18/2018/TT-BTTTT và thông tư 46/2016/TT-BTTTT.

 

Dự thảo Thông tư nêu trên được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT và Thông tư số 18/2018/TT-BTTTT ngày 20/12/2018, đồng thời sửa đổi, bổ sung các băng tần và điều kiện sử dụng tần số nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai tại Việt Nam và hỗ trợ cho sự phát triển của các công nghệ vô tuyến điện mới. Các sửa đổi, bổ sung về tần số và điều kiện sử dụng tần số tại dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở đặc tính kỹ thuật của thiết bị vô tuyến điện, tham khảo các khuyến nghị, hướng dẫn của tổ chức vô tuyến quốc tế (ITU-R, APT/AWG, CEPT) cũng như kết quả nghiên cứu đo kiểm đánh giá nhiễu tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm các nước.

Các nội dung sửa đổi

Dự thảo Thông tư đã cụ thể hóa một số chủng loại thiết bị vô tuyến điện chỉ thu nếu có nhu cầu cần được bảo vệ khỏi nhiễu có hại thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép sử dụng tần số, như sau:

“Thiết bị vô tuyến điện chỉ thu thuộc danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị vô tuyến điện chỉ thu dưới đây nếu có nhu cầu bảo vệ thiết bị khỏi nhiễu có hại thì thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông: (1) Đài thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh TVRO-Television Receive Only. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng Đài thu TVRO phải tuân thủ các quy định của pháp luật về viễn thông, báo chí, phát thanh, truyền hình; (2) Đài thu ảnh vệ tinh quan sát trái đất EESS-Earth Exploration Satelite Service.”

Dự thảo Thông tư không quy định sử dụng 02 băng tần 50,01-50,99 MHz dành cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện; băng tần 40,50-41,00 MHz dành cho thiết bị đo từ xa vô tuyến điện ứng dụng trong y tế và sinh học do qua rà soát thực tiễn quản lý cho thấy chưa ghi nhận sử dụng tại Việt Nam trong 05 năm gần đây và nhằm định hướng cho việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các băng tần khác phù hợp cho các ứng dụng này theo quy định của dự thảo Thông tư.

Các nội dung bổ sung

Bổ sung mới 04 chủng loại thiết bị

(1) Thiết bị sạc không dây băng tần 110-190 kHz, 326,5 kHz, 340 kHz, 353-373,5 kHz, 1,64-1,78 MHz, 6,765-6,795 MHz cho thiết bị điện, điện tử (điện thoại, máy tính bảng, laptop, đồng hồ đeo tay…).

(2) Thiết bị vô tuyến điện trong mạng diện rộng công suất thấp (LPWAN) băng tần 433,05-434,79 MHz, 920-923 MHz ứng dụng cho kết nối IoT truyền dữ liệu cảm biến, đo lường phục vụ quản lý, giám sát trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, năng lượng,...

(3,4) Thiết bị phao vô tuyến định vị khẩn cấp (ELT/PLB) chuyên dùng cho tàu bay và thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí cá nhân chuyên dùng cho phương tiện và con người hoạt động trên mặt đất tần số 121,5/406,1 MHz. Đây là những thiết bị đầu cuối chuyên dùng cho mục đích trợ giúp an toàn, cứu nạn với điều kiện sử dụng tần số và thiết bị theo quy định của Liên minh viễn thông quốc tế ITU-R, tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO.

Bổ sung 10 băng tần cho các thiết bị thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số trong Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT và 18/2018/TT-BTTTT

(1-2) Bổ sung băng tần 2400-2483,5 MHz và 5725-5850 MHz cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện (dùng cho điều khiển mô hình dưới mặt đất, mặt nước hoặc mô hình bay).

(3) Bổ sung băng tần 7,25-9 GHz cho thiết bị vô tuyến điện băng siêu rộng công suất thấp (UWB), ứng dụng cho kết nối IoT trong thiết bị di động, quản lý tài sản, công cụ trong công nghiệp.

(4-7) Bổ sung băng tần 5,725-5,850 GHz; 8,5-10 GHz; 57-64 GHz; 75-85 GHz cho thiết bị đo từ xa vô tuyến (radar đo mức cự ly ngắn), ứng dụng trong đo mức chất lỏng trong bồn chứa ở các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, hoặc ngoài hiện trường.

(8) Bổ sung băng tần 57-64 GHz cho thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng cho mục đích chung, ứng dụng cho cảnh báo phát hiện mất an toàn cho chủ xe ô tô; truyền dữ liệu không dây thay thế cáp hữu tuyến giữa các thiết bị điện, điện tử.

(9,10) Băng tần 190-485 kHz; 526,5 – 2000 kHz cho thiết bị vòng từ, ứng dụng trong dân dụng, xây dựng, hỗ trợ kết nối IoT tầm gần.

Qua khảo sát tình hình quốc tế cho thấy có các ứng dụng vô tuyến điện cự ly ngắn dùng công nghệ vòng từ (như cảnh báo chống trộm, phát hiện chuyển động, phát hiện vật thể trong dân dụng, công nghiệp,…) sử dụng các băng tần trong phạm vi từ 190 kHz đến 30 MHz. Tuy nhiên, một số tổ chức, đơn vị cho rằng phạm vi băng tần này khá rộng, trùng với nhiều hệ thống vô tuyến điện đang được cấp phép hoạt động nên cần thực hiện các nghiên cứu đối với từng băng tần cụ thể để đánh giá khả năng gây can nhiễu. Song, theo các kết quả nghiên cứu đánh giá can nhiễu ở băng tần thấp và kinh nghiệm quốc tế thì thiết bị vòng từ băng tần 190-2000 kHz với mức công suất tối đa không quá -15 dBµA/m có ít khả năng gây nhiễu có hại cho các hệ thống vô tuyến điện khác. Do vậy, có thể bổ sung băng tần 190-485 kHz; 526,5 – 2000 kHz cho thiết bị vòng từ (trừ hai tần số 490 kHz và 518 kHz cần được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi nhiễu có hại). Để bảo đảm điều kiện sử dụng tần số (băng tần 190-485 kHz; 526,5 – 2000 kHz) đáp ứng yêu cầu thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông mong nhận được góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan về nhu cầu sử dụng tại Việt Nam các thiết bị vòng từ dùng băng tần nêu trên. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét bổ sung băng tần nêu trên ở những lần sửa đổi tiếp theo cho Thông tư này.

Hiện, toàn văn của dự thảo Thông tư và thuyết minh dự thảo Thông tư đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để trưng cầu ý kiến toàn dân; thời hạn góp ý không quá 60 ngày kể từ ngày dự thảo Thông tư được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử.

Đình Tuấn

Các bài viết khác