• Trang chủ
  • Tin tức
  • Đề án số hoá truyền hình

Số hoá truyền hình cần đảm bảo tiến độ nhưng tránh ảnh hưởng đến người dân

01/11/2016

(rfd.gov.vn)- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn – Trưởng ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy trong phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Đề án số hoá truyền hình Việt Nam diễn ra sáng ngày 19/10/2016, tại Hà Nội.

Phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ  đạo được tổ chức nhằm mục đích tổng kết, đánh giá công tác triển khai Đề án số hóa truyền hình theo giai đoạn I và  triển khai Đề án giai đoạn II.

 Toàn cảnh Phiên họp

Kết quả triển khai Đề án số hóa trong giai đoạn I

Theo báo cáo do Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn – Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam trình bày, cho thấy: Công tác thông tin, tuyên truyền trong giai đoạn I đã đạt được hiệu quả tích cực. Trước ngày ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, phần lớn các hộ dân thuộc diện cần chuyển đổi đã nắm được thông tin và chủ động chuyển đổi sang truyền hình số.

Việc phủ sóng truyền hình số tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lân cận đã được các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất thực hiện theo đúng lộ trình. Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 hiện nay đã đảm bảo lớn hơn hoặc bằng vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Tại phần lớn các địa bàn đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, số lượng kênh truyền hình có thể thu được từ 26 kênh đến 70 kênh chương trình, trong đó có 05 đến 07 kênh chương trình HD. Đài Truyền hình Việt Nam đang phát sóng 05 - 06 kênh chương trình HD tại các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh lân cận. Chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt.

Công tác hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn I của Đề án đã nhận được sự phối hợp tích cực của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo theo quy định tại các địa bàn; việc thu xem của các hộ gia đình này không bị gián đoạn sau khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất..

Nhất trí với báo cáo của Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá: Mặc dù gặp không ít khó khăn trong giai đoạn I, nhưng nhờ có sự chuẩn bị kỹ với các giải pháp tương đối đồng bộ và sự quyết tâm của các địa phương, đơn vị, các đài PTTH, các doanh nghiệp tham gia Đề án nên giai đoạn I của Đề án đã được triển khai thành công trên tất cả các mặt, từ công tác tuyên truyền, triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất đến công tác thiết lập thị trường đầu thu STB, công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả thành công của giai đoạn 1 đã có ảnh hưởng tích cực đến hệ thống truyền hình cả nước, đáp ứng đáng kể nhu cầu của người dân về xem truyền hình chất lượng cao. Kết quả này, không chỉ trong nước mà các nước trong khu vực ASEAN đánh giá cao.

Kế hoạch triển khai Đề án số hóa giai đoạn II

Chỉ đạo về lộ trình tắt sóng analog giai đoạn II, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cơ bản nhất trí với đề xuất của Tiểu ban giúp việc sẽ tắt sóng analog vào thời điểm 24h ngày 31/12/2016 tại 07 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang. Riêng đối với tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng chỉ đạo nếu điều kiện hội đủ và địa phương sẵn sàng thì có thể tắt sóng analog cùng thời điểm với 7 tỉnh nêu trên.

Đối với 15 tỉnh: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Long An sẽ tắt sóng analog vào ngày 01/7/2017. Bộ trưởng chỉ đạo: Để  đảm bảo được tiến độ, các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng cũng như công tác hỗ trợ đầu thu phải triển khai tích cực; trước thời điểm này, tỉnh nào đã chuẩn bị sẵn sàng và đủ điều kiện có thể tắt sóng analog sớm hơn, không cần đợi đến 01/7/2017.

Bộ trưởng đề nghị các đài phát thanh truyền hình các tỉnh nêu trên có trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp và đưa các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu của địa phương phát sóng không khóa mã trên hạ tầng truyền dẫn sóng số mặt đất trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự tương ứng.

Các địa phương còn lại như Ninh Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn phủ sóng bởi các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sau giai đoạn II và thời điểm cụ thể sẽ được Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án phát biểu tại Phiên họp

 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện phải theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Số hoá truyền hình  vừa cần đảm bảo tiến độ vừa tránh ảnh hưởng đến người dân; khu vực nào chưa chuẩn bị kỹ có thể giãn tiến độ, không thực hiện bằng mọi giá và phải đặc biệt quan tâm đến việc triển khai phủ sóng truyền hình số ở vùng lõm sóng, vùng sâu, vùng xa.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền cần phát huy kinh nghiệm của giai đoạn I, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho giai đoạn 2 ngay từ bây giờ. Các cơ quan báo chí, truyền hình c ần  tuyên truyền ngắn gọn dễ hiểu, hướng trực tiếp đến đối tượng đang xem truyền hình analog tại các địa phương tắt sóng đợt này. Ngoài cơ quan báo chí, các đơn vị của Bộ TTTT phối hợp với Vụ Thông tin cơ sở xây dựng tờ rơi, giảm bớt dùng từ kỹ thuật, có thể tuyên truyền trực tiếp xuống tận địa phương, tới từng người dân.

Về đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2, đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam có trách nhiệm phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại Ninh Bình, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu. Công ty RTB, công ty SDTV hoàn thiện hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để đảm bảo vùng phủ sóng và chất lượng phủ sóng tại địa bàn thuộc 15 tỉnh nêu trên, nhằm đảm bảo lộ trình ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất vào ngày 01/7/2017.

Trong công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, Bộ trưởng nhất trí với đề xuất của Tiểu ban giúp việc về việc xây dựng đề án hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất theo 02 bước tương ứng với  02 thời  điểm  tắt sóng  trong giai đoạn II. Còn với các địa bàn các tỉnh thuộc giai đoạn III, nếu đã được phủ sóng DVB-T2, thì Ban Quản lý Chương trình Dịch vụ viễn thông công ích và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cần phối hợp cùng các địa phương xem xét và ưu tiên hỗ trợ STB cho hộ nghèo, cận nghèo để có thể sớm ngừng tắt sóng tương tự.

Bộ trưởng cũng đề nghị Cục PTTH và TTĐT hướng dẫn các DN có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất bố trí sắp xếp dung lượng truyền tải kênh truyền hình thiết yếu của nhà nước, trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả tổng thể hạ tầng truyền hình số mặt đất;  đề nghị Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với Viện Chiến lược TTTT, Công ty RTB, SDTV trình lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình thiết yếu trong tháng 10/2016; Bộ TTTT phối hợp với Bộ Tài chính xem xét việc áp mức thuế nhập khẩu STB cho phù hợp, đảm bảo hỗ trợ cho triển khai Đề án số hóa; Ban chỉ đạo cần lưu tâm, giải quyết các kiến nghị của địa phương, của các đơn vị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến người dân khi tắt analog.

Bộ trưởng cũng đồng thời chỉ đạo thành lập các đoàn đi kiểm tra trước, trong và sau khi tắt sóng giai đoạn II (bắt đầu từ tháng 11/2016), để kịp thời nắm tình hình, báo cáo Ban Chỉ đạo.

Hồng Hạnh