Không yêu cầu kê khai về giấy chứng nhận hợp quy
Với mục tiêu tăng cường quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến điện được sử dụng trong các loại mạng đài có nguy cơ xảy ra can nhiễu, tại Thông tư số 05/2015/TT-BTTTT có 05 mẫu bản khai đăng ký cấp mới giấy phép phải kê khai giấy chứng nhận hợp quy (CNHQ) của thiết bị.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực tế đã nảy sinh vướng mắc trong việc giải quyết cấp phép đối với các trường hợp giấy phép sử dụng tần số đã hết thời hạn tối đa (10 năm) hoặc quá thời hạn gia hạn. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 16 và điểm c khoản 1 Điều 22 của Luật Tần số vô tuyến điện tất cả các trường hợp đã được cấp phép với thời hạn tối đa theo quy định hoặc quá thời hạn gia hạn, sẽ không được tiếp tục gia hạn; tổ chức, cá nhân nếu muốn tiếp tục sử dụng thiết bị vô tuyến điện phải làm thủ tục như cấp mới và phải kê khai số giấy CNHQ; cùng với đó, theo quy định hiện hành, giấy CNHQ được cấp cho từng chủng loại sản phẩm/ thiết bị có thời hạn tối đa 03 năm (khoản 2 Điều 12 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT) và không có quy định về cấp lại CNHQ khi các thiết bị trên hết thời hạn đã cấp.
Để tháo gỡ vướng mắc nói trên, Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT đã điều chỉnh biện pháp quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến điện từ tiền kiểm (yêu cầu kê khai số giấy CNHQ trong các mẫu bản khai đăng ký cấp phép) sang tăng cường hậu kiểm thông qua các hoạt động kiểm soát tần số, thanh tra, kiểm tra, kiểm định, …. Cụ thể, bản khai đăng ký cấp phép không còn yêu cầu kê khai số giấy CNHQ.
Cụ thể cắt bỏ thành phần hồ sơ là bản sao tài liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp/ban hành (như bản sao giấy phép thiết lập mạng viễn thông; giấy phép hoạt động báo chí theo quy định với nội dung kênh chương trình phát sóng; giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình đối với cơ quan báo chí; văn bản cho phép tạm nhập tái xuất). Theo đó, tổ chức, cá nhân chỉ cần kê khai số, ký hiệu của các tài liệu trên trong bản khai đăng ký cấp phép.
Cùng với đó, Thông tư 04/2021/TT-BTTTT đã quy định tổ chức, cá nhân sẽ không phải nộp thành phần hồ sơ là Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,… khi cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được phép tra cứu các giấy tờ trên từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư/Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Các trường hợp áp dụng cụ thể sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Tần số vô tuyến điện.
Giảm bớt thủ tục đối với đài tàu cá có lắp đặt giám sát hành trình
Với quyết tâm gỡ “thẻ vàng” về khai thác hải sản của Ủy ban châu Âu, Luật Thủy sản năm 2017 đã quy định từ 01/01/2019 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để truy xuất nguồn gốc, tránh khai thác bất hợp pháp.
Kể từ khi áp dụng quy định trên, các đài tàu cá nói trên phải trang bị thêm thiết bị giám sát hành trình tàu cá qua vệ tinh và thực hiện 02 thủ tục hành chính về cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ gồm: Đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đặt trên phương tiện nghề cá (áp dụng cho thiết bị liên lạc tầm xa HF) và đăng ký cấp Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đối với đài trái đất (áp dụng cho thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh).
Nhằm cắt giảm, đơn giản TTHC đối với đài tàu cá lắp đặt giám sát hành trình qua vệ tinh, Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT đã gộp 02 TTHC nói trên thành 01 TTHC và cấp một giấy phép chung. Cụ thể, định nghĩa về đài vô tuyến điện đặt trên tàu cá được mở rộng bao gồm thêm thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh, thay vì chỉ có thiết bị liên lạc HF như trước đây.
Với hàng chục nghìn tàu cá phải lắp đặt thiết giám sát hành trình, thì việc cắt giảm TTHC nêu trên sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho ngư dân và tạo điều kiện, khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá góp phần sớm khắc phục thẻ vàng về khai thác hải sản của Ủy ban châu Âu.
Với mục tiêu đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính về cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ, ngoài các thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá, đài truyền thanh không dây và trường hợp sử dụng thiết bị vô tuyến điện trong thời gian dưới 15 (mười lăm) ngày tại các lễ hội, sự kiện, triển lãm, hội chợ, Bộ TTTT tiếp tục phân cấp cho các Trung tâm Tần số VTĐ khu vực thuộc Cục Tần số VTĐ thực hiện cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với mạng thông tin vô tuyến điện nội bộ.
Bổ sung hình thức bản sao điện tử
Thông tư 04/2021/TT-BTTTT bổ sung thêm loại hình “bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý” đối với trường hợp nộp hồ sơ điện tử để phù hợp với quy định của Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Việc bổ sung này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, khắc phục tối đa những hạn chế, vướng mắc về cung cấp tài liệu liên quan trong việc nộp và giải quyết hồ sơ trực tuyến trước đây.
Sửa đổi các mẫu bản khai đăng ký cấp phép
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được tổ chức lại, thống nhất sử dụng chung một mẫu bản khai hành chính (thông tin về tổ chức, cá nhân xin cấp phép), mỗi loại mạng đài vô tuyến điện được kê khai theo từng mẫu Bản khai thông số kỹ thuật, khai thác riêng theo đặc thù của mỗi nghiệp vụ.
Thông tư 04/2021/TT-BTTTT cũng cập nhật lại các mẫu bản khai xin cấp giấy phép đối với thiết bị vô tuyến điện dùng cho mục đích giới thiệu công nghệ tại triển lãm, hội chợ cho phù hợp với thực tế cấp phép; sửa đổi và cập nhật lại tên các loại giấy phép liên quan đến nội dung kênh chương trình phát sóng theo Luật báo chí.
Ngoài ra, Thông tư 04/2021/TT-BTTTT đã mở rộng khái niệm về Đài tàu bao gồm cả đài di động có sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng hải đặt trên các mô hình mô phỏng phục vụ cho nhu cầu sử dụng tần số và thiết bị VTĐ trong công tác dạy học, nghiên cứu của lĩnh vực hàng hải.