Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng.
Nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Tần số vô tuyến điện tập trung vào các vấn đề lớn, bao gồm:
Thứ nhất: Hoàn thiện cơ chế quản lý về kinh tế đối với tài nguyên tần số
Luật bổ sung quy định về giới hạn phổ tần tối đa mà một doanh nghiệp có thể được cấp để tránh việc tích tụ tài nguyên, dẫn đến làm giảm cạnh tranh trên thị trường. Đây là một đặc thù rất riêng của đấu giá tần số. Đấu giá là biện pháp cạnh tranh để có được tài nguyên, nhưng giới hạn lượng phổ tần nhà mạng có thể mua lại làm giảm sự cạnh tranh này.
Bổ sung quy định doanh nghiệp phải cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển hay cấp lại giấy phép sử dụng băng tần.
Bổ sung quy định phải cấp phép thông qua đấu giá với tất cả các băng tần cho di động công cộng mặt đất, trừ một số trường hợp đặc biệt được cấp thông qua thi tuyển, cấp trực tiếp. Quy định này khắc phục điểm bất cập trong quy định của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 là quy định các trường hợp băng tần có giá trị thương mại cao, có cầu vượt quá khả năng phân bổ thì tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển. Tuy nhiên, khái niệm “giá trị thương mại cao” rất khó định lượng, còn để xem nhu cầu có vượt quá khả năng phân bổ thì phải khảo sát, đối tượng mở, kết quả không chắc chắn.
Bổ sung quy định chặt chẽ về thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện: (1) Khi doanh nghiệp vi phạm về cam kết triển khai mạng lưới, sẽ bị đình chỉ sử dụng một phần tài nguyên tần số, nếu sau thời gian đình chỉ mà doanh nghiệp vẫn không khắc phục được thì sẽ bị thu hồi giấy phép. (2) Khi doanh nghiệp không nộp đủ tiền phí, tiền cấp quyền trong vòng 12 tháng kể từ ngày hết hạn nộp tiền thì sẽ bị thu hồi giấy phép.
Bổ sung quy định cho phép cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với toàn bộ khối băng tần đã cấp trước đó khi giấy phép đã cấp hết hiệu lực nếu quy hoạch băng tần không thay đổi các khối đã phân chia và doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, có đủ các điều kiện để cấp lại giấy phép theo quy định.
Thứ hai: Bổ sung cơ chế sử dụng băng tần để phát triển kinh tế xã hội kết hợp quốc phòng an ninh.
Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được cấp băng tần di động để làm lưỡng dụng kèm điều kiện lượng tần số dùng cho Quốc phòng, An ninh phải là chính. Với phần tần số dùng cho phát triển kinh tế xã hội, để đảm bảo công bằng, sự cạnh tranh, thì doanh nghiệp phải nộp phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số.
Thứ ba: Bổ sung cơ chế sử dụng tần số ngoài quy hoạch để thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới.
Luật đã bổ sung quy định cho phép sử dụng tần số ngoài quy hoạch cho các trường hợp nghiên cứu, đo kiểm, thử nghiệm công nghệ mới, mục đích triển lãm, các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.
Thứ tư: Xã hội hóa đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên
Điểm mới của Luật là xã hội hóa khâu đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò quản lý, giám sát, rút ngắn thời gian, thủ tục cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên.