Phổ tần số vô tuyến điện (TSVTĐ) là một loại tài nguyên gắn liền chủ quyền của mỗi quốc gia, là tài sản vô hình có vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng thông tin vô tuyến, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh (đặc biệt phổ TSVTĐ dành cho thông tin di động). Thực tế, kết quả của các cuộc đấu giá tần số dành cho thông tin di động được công bố rộng rãi trên toàn thế giới đã phản ánh giá trị rất lớn của tài nguyên này. Luật TSVTĐ ra đời năm 2009 đã quy định việc cấp giấy phép sử dụng TSVTĐ thông qua đấu giá đối với các băng tần có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ.
Các nội dung chính của Nghị định 88/2021/NĐ-CP
Thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần
Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định cách xác định mức thu cơ sở (mức thu trên một đơn vị MHz cho một năm sử dụng) và quy trình quyết định mức thu cơ sở, làm cơ sở cho việc xác định mức thu tiền cấp quyền sử dụng TSVTĐ khi gia hạn giấy phép và khi Bộ TTTT quyết định giá khởi điểm để đấu giá tần số. Theo đó, trường hợp đấu giá quyền sử dụng TSVTĐ, mức thu là số tiền trúng đấu giá; trường hợp gia hạn quyền sử dụng TSVTĐ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật TSVTĐ thì mức thu được xác định dựa trên mức thu cơ sở của băng tần được gia hạn giấy phép sử dụng tương ứng với lượng băng thông và thời gian gia hạn cụ thể của từng doanh nghiệp (Chi tiết tại Điều 6). Toàn bộ số tiền cấp quyền sử dụng TSVTĐ nộp về ngân sách Nhà nước.
- Mức thu cơ sở: Trường hợp Việt Nam đã xác định được tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện của băng tần cùng loại trong thời gian 05 năm trở về trước kể từ thời điểm xác định mức thu cơ sở như quy định tại Điều 3 thì quy đổi về mức thu cơ sở cho băng tần cần xác định thông qua chỉ số giá tiêu dùng, đơn vị Đồng Việt Nam/MHz/năm. Trường hợp Việt Nam chưa xác định được tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện của băng tần cùng loại trong thời gian 05 năm trở về trước kể từ thời điểm xác định mức thu cơ sở, thì mức thu cơ sở được xác định theo nguyên tắc quy đổi giá trúng đấu giá các băng tần cùng loại của các quốc gia trên thế giới về Đồng Việt Nam/MHz/năm (qua các chỉ số về tổng số tiền trúng đấu giá, tổng độ rộng của băng tần được bán thông qua đấu giá, thời hạn giấy phép, dân số, tỉ giá đồng nội tệ so với đồng Đô la Mỹ, tỷ lệ GDP bình quân đầu người danh định giữa Việt Nam với các nước và chỉ số giá tiêu dùng), trong đó: số mẫu tối thiểu là 03 mẫu trong vòng 05 năm trở về trước kể từ thời điểm xác định mức thu cơ sở, mỗi quốc gia chỉ lấy một mẫu duy nhất với điều kiện thời hạn được phép sử dụng băng tần sau khi trúng đấu giá phải từ 10 năm trở lên …
- Phương thức thu: Bộ TTTT tổ chức thu tiền cấp quyền sử dụng TSVTĐ và nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với các trường hợp doanh nghiệp được gia hạn giấy phép hoặc trúng đấu giá thì doanh nghiệp phải nộp một lần toàn bộ số tiền trong vòng ít nhất 60 ngày trước khi hết thời hạn hiệu lực của giấy phép trong trường hợp gia hạn giấy phép và trong vòng 04 tháng kể từ ngày nhận được thông báo đối với trường hợp trúng đấu giá. Ngoài ra, Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định trường hợp ưu tiên giãn nộp (chia làm 3 đợt và hoàn thành trong thời hạn 3 năm) chỉ áp dụng trong trường hợp trúng đấu giá và đối với băng tần để phát triển và ứng dụng công nghệ sử dụng hiệu quả phổ tần được Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu tiên, khuyến khích: đợt 1 nộp 50% số tiền trúng đấu giá trong vòng 03 tháng kể từ ngày nhận được thông báo, đợt 2 nộp 25% số tiền trúng đấu giá trong vòng 18 tháng kể từ ngày nhận được thông báo và đợt 3 nộp 25% số tiền trúng đấu giá trong vòng 36 tháng kể từ ngày nhận được thông báo.
Đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến đối với băng tần
Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định việc đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện chỉ áp dụng đối với băng tần có giá trị thương mại cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đấu giá.
Khoản 1 Điều 8 quy định Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ra quyết định đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện bao gồm băng tần lần đầu được cấp giấy phép sử dụng băng tần và băng tần đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần.
Bộ trưởng Bộ TTTT phê duyệt Phương án tổ chức đấu giá và tổ chức đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 9. Việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản và các quy định tại Nghị định này.
Giá khởi điểm của một băng tần được xác định dựa trên mức thu cơ sở của băng tần đó. Trường hợp, sau cuộc đấu giá lần đầu, có khối băng tần chưa bán được thì ở các lần đấu giá lại, giá khởi điểm của khối băng tần đó được xác định từ giá trúng đấu giá cao nhất của khối băng tần cùng loại với băng tần này đã bán được ở các cuộc đấu giá trước đó. Chi tiết tại Điều 10.
Để xử lý tình huống đấu giá đối với trường hợp đấu giá lại các khối băng tần sau cuộc đấu giá không thành, Nghị đinh 88/2021/NĐ-CP quy định tại khoản 4 Điều 9 như sau:
Trường hợp đấu giá lại các khối băng tần sau cuộc đấu giá không thành tại cuộc đấu giá lại, khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một doanh nghiệp trả giá hoặc có nhiều doanh nghiệp trả giá nhưng chỉ có một doanh nghiệp trả giá cao nhất và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì khối băng tần được bán cho doanh nghiệp đó. Việc bán khối băng tần cho doanh nghiệp quy định tại khoản này phải được quy định tại Phương án tổ chức đấu giá do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.
Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định các điều kiện tham gia đấu giá đối với doanh nghiệp là (1) đủ điều kiện được xem xét cấp giấy phép thiết lập mang viễn thông và (2) đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu giá. Các yêu cầu này gồm: hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước đó với Nhà nước về viễn thông, tần số vô tuyến điện và yêu cầu triển khai mạng viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xác định cụ thể với từng cuộc đấu giá. Yêu cầu triển khai mạng viễn thông bao gồm một hoặc một số nội dung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định là:
Số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai trong thời hạn 02 (hai) năm kể từ ngày được cấp giấy phép và cho đến hết thời hạn của giấy phép;
Thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ;
Yêu cầu phủ sóng khi phát triển mạng viễn thông (cam kết theo từng năm đến hết thời hạn giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng đối với mật độ dân cư hoặc địa giới hành chính đến cấp xã);
Yêu cầu tối thiểu về chất lượng dịch vụ viễn thông;
Cam kết chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động mặt đất giữa các mạng tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã nghèo, vùng được cung ứng dịch vụ viễn thông công ích và các tỉnh, thành phố theo tiêu chí do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Cả doanh nghiệp đã hoặc chưa được cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đều có thể nộp hồ sơ đề nghị Bộ TTTT xét duyệt đủ điều kiện tham gia đấu giá. Thời gian nộp, hồ sơ chi tiết và quy định thẩm định đủ điều kiện tham gia đấu giá quy định tại Điều 12 Nghị định. Doanh nghiệp được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá được nộp hồ sơ tham gia đấu giá.
Doanh nghiệp trúng đấu giá, sau khi nộp đủ và đúng thời hạn tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và tiền bảo đảm thực hiện giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật thì được cấp giấy phép sử dụng băng tần, giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Doanh nghiệp được cấp giấy phép sử dụng băng tần thông qua đấu giá được phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với điều kiện không sớm hơn 05 năm kể từ ngày được cấp phép và đã hoàn thành trách nhiệm là:
Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của việc chuyển nhượng.
Thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, phí sử dụng tần số vô tuyến điện.
Doanh nghiệp đề nghị nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có trách nhiệm là:
Thực hiện các quyền, trách nhiệm được chuyển nhượng và không được phép tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.
Thực hiện các nghĩa vụ về tài chính liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
Tuân thủ các quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Nộp đầy đủ, đúng hạn các loại phí, lệ phí cấp phép theo quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Điều kiện và thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định chi tiết từ Điều 18 đến Điều 21 Nghị định.
Phổ tần số vô tuyến điện là tài nguyên vô hình và đặc thù, việc đấu giá chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Do vậy, trong những năm qua việc đấu giá tần số gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn trong việc xác định mức thu tiền cấp quyền, trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá, giá khởi điểm…Nghị định số 88/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 01/10/2021 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý và thống nhất các quy định đối với việc đấu giá băng tần, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trước đây.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hết hiệu lực thi hành.
Xem chi tiết Nghị định số 88/2021/NĐ-CP tại đây.